Thay đổi thói quen ứng xử với môi trường
21:46', 3/8/ 2009 (GMT+7)

Từ ngày 25.5.2009, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chọn xã Ân Đức, huyện Hoài Ân để xây dựng mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”. Qua thực tế triển khai, mô hình này mang lại ý nghĩa lớn, góp phần làm thay đổi thói quen ứng xử với môi trường của người dân.

 

Hằng ngày, chị Thương đã biết phân loại rác thải của gia đình.

 

Trong kế hoạch chỉ đạo xây dựng mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”, đáng chú ý có các hoạt động tập huấn hướng dẫn hộ gia đình tham gia mô hình về quy trình xử lý rác thải hữu cơ để tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng; cấp cho mỗi hộ hai thùng đựng rác (một thùng đựng rác thải hữu cơ và một thùng đựng rác thải rắn), hướng dẫn người dân cách phân loại rác tại nguồn…

Xã Ân Đức, huyện Hoài Ân có 298 hộ dân, có 150 hội viên phụ nữ. Khi chọn xã Ân Đức là nơi triển khai mô hình, số hội viên này đã được xác định là đối tượng nòng cốt để vận động cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường. Bước đầu, qua đăng ký, đã có 50 hộ gia đình được chọn tham gia xây dựng mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”.

Qua gần hai tháng triển khai, vừa qua, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện kiểm tra việc thực hiện xây dựng mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường” ở một số hộ gia đình. Đến nhà chị Nguyễn Thị Minh, ở xóm 2, thôn Đức Long, ấn tượng đầu tiên là căn nhà sạch sẽ, thoáng mát. Mặc dù nuôi nhiều heo, nhưng nhờ xử lý phân bằng hầm biogas nên không có mùi hôi. Chị Minh tâm sự: “Tôi nghĩ bảo vệ môi trường, trước hết là làm sạch nhà cửa của mình, bảo vệ sức khỏe gia đình mình. Ai cũng có ý thức như vậy thì môi trường sống của chúng ta ngày càng trong sạch hơn”.

Nhà chị Nguyễn Thị Kim Thương vừa bán hàng tạp hóa, vừa trồng trọt, chăn nuôi. Trước đây, rác thải của gia đình thường dồn chung, mang đi đổ ở bãi rác cuối thôn. Từ ngày được hướng dẫn quy trình xử lý rác thải, gia đình chị đã tận dụng được các sản phẩm thừa như rau quả hư ủ làm phân bón, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh:

“Đến thời điểm này, cái được lớn nhất của mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường” là đã làm tốt công tác tư tưởng, góp phần tạo ý thức thay đổi hành vi bảo vệ môi trường cho người dân. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, cũng còn một số tồn tại, như việc phân loại rác tại một số hộ gia đình chưa đúng quy trình. Trong thời gian tới, qua quá trình kiểm tra, chúng tôi sẽ thường xuyên nhắc nhở để khắc phục dần”.

Theo chị Bùi Thị Thanh Hoa, Chủ tịch Hội LHPN xã Ân Đức, từ ngày triển khai mô hình đến nay, cán bộ xã vẫn thường xuyên đến thăm, kiểm tra thực tế; qua đó nhận thấy, các hộ gia đình cơ bản thực hiện tốt 10 tiêu chí đưa ra. “Người dân trong xã đều mong muốn được nhân rộng mô hình này, để bà con được tiếp cận với phương pháp, cách thức xử lý rác thải an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống”, chị Hoa cho biết thêm.

Sau buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh, nhắc nhở các cán bộ phụ nữ huyện và xã trong quá trình kiểm tra, đôn đốc các hộ thực hiện phải linh hoạt điều chỉnh các yêu cầu, tiêu chí phù hợp với điều kiện cụ thể của từng gia đình và tình hình địa phương.

Trong thời gian còn lại của chương trình, dự kiến sẽ diễn ra hai hoạt động lớn. Vào tháng 8.2009, sẽ tổ chức giao lưu giữa các gia đình tham gia mô hình “Gia đình thân thiện với môi trường”, qua đó tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường và các giải pháp ngăn chặn sự biến đổi khí hậu. Cuối tháng 10.2009, sẽ tổ chức sơ kết đánh giá mô hình, tiến hành nhân rộng mô hình. Trước mắt, Hội LHPN tỉnh giao cho Hội LHPN huyện Hoài Ân phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường thường xuyên kiểm tra, tiếp tục hướng dẫn các hộ thực hiện tốt các tiêu chí đã đề ra.

10 tiêu chí xây dựng gia đình thân thiện với môi trường:

1. Mỗi hộ gia đình có 2 thùng đựng rác thải sinh hoạt.

2. Tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên gia đình và nơi công cộng.

3. Gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, hố xí, giếng nước hợp vệ sinh).

4. Thực hiện chôn, lấp xác súc vật chết đúng quy trình, đúng nơi quy định của Nhà nước; không thả rông gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường.

5. Chất thải đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng phải thu gom đúng nơi quy định, không vứt ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước cho con người và gia súc, gia cầm.

6. Không tham gia chặt, đốt phá rừng, khai thác gỗ, đốt than trái với quy định của Nhà nước.

7. Không tham gia đánh bắt hải sản mang tính hủy diệt như xung điện, thuốc nổ.

8. Không tham gia khai thác khoáng sản trái phép.

9. Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng trong sản xuất các loại cây trồng, đặc biệt là cây hoa màu ngắn ngày.

10. Không đổ nước thải, rác thải trong sinh hoạt, trong sản xuất nông nghiệp ra môi trường (ao, hồ, sông, suối…).

  • Mai Lâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nỗi lo ngoài giảng đường…  (03/08/2009)
Nên cùng học và chơi với trẻ  (03/08/2009)
Mẹ quê  (03/08/2009)
Thơ  (03/08/2009)
“Bà - nước - cơm !”  (03/08/2009)
Di tích Chiến thắng Chợ Cát  (03/08/2009)
Mãi xanh một thời tuổi trẻ  (03/08/2009)
Đối tượng chậm tiến và những bất ổn về trật tự xã hội  (03/08/2009)
Nhiếp ảnh gia “cấp xã”  (03/08/2009)
Xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ  (03/08/2009)
Nhơn Hải: Cái khó không bó cái vui  (03/08/2009)
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ  (03/08/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/08/2009)
Mùa Hè dấu yêu  (07/07/2009)
Bác Hồ với báo Đảng  (07/07/2009)