Sau 3 năm (2006-2008) triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến cuối năm 2008, tỉ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh còn 11,35%, bình quân mỗi năm giảm 2,5%, cơ bản đạt được chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề bất cập, giảm nghèo nhưng thiếu bền vững.
|
Công trình cung cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Vân Canh. Ảnh: Quang Hưng
|
Để đạt được kết quả đó, trong 3 năm qua, các chính sách giảm nghèo đã được triển khai khá đồng bộ. Toàn tỉnh có gần 112 nghìn lượt người nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay hơn 1.026 tỉ đồng, giúp các hộ đầu tư làm ăn, cải thiện cuộc sống.
Chương trình phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135, giai đoạn II) được triển khai tích cực với số vốn lên đến hơn 57,3 tỉ đồng. Qua đó đã xây dựng 118 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu; mở 15 lớp đào tạo cán bộ xã, thôn; xây dựng 17 mô hình sản xuất giúp người dân nghiên cứu, học tập.
Thực hiện Chương trình 134, tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 179 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng 66 công trình cấp nước sinh hoạt, cung cấp nước sạch cho hơn 3,1 nghìn hộ nghèo; hỗ trợ cho các hoạt động văn hóa và trợ giúp pháp lý cho đồng bào vùng đặc biệt khó khăn.
Thực hiện Chương trình Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, các địa phương đã hỗ trợ xây dựng 10 công trình cấp nước tập trung, 845 giếng khoan, 2.355 giếng đào, cấp nước cho hơn 3 nghìn hộ dân. Tỉnh cũng đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, trường học cho các vùng nông thôn khó khăn.
Tỉnh cũng đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 605.872 lượt người nghèo với tổng kinh phí hơn 49,6 tỉ đồng. Hơn 119 nghìn học sinh con em các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp và trên 12.200 học sinh được hỗ trợ sách vở; hơn 2.500 học sinh dân tộc thiểu số nghèo được hỗ trợ tiền đi học.
Trong 2 năm 2007-2008, đã có 4.378 hộ nghèo được hỗ trợ 30,8 tỉ đồng, xây dựng lại nhà ở, góp phần ổn định cuộc sống…
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện chương trình ở tỉnh ta, cũng bộc lộ nhiều mặt bất cập, thiếu bền vững trong công tác giảm nghèo. Một bộ phận hộ thoát nghèo nhưng có nguy cơ tái nghèo nếu gặp rủi ro trong làm ăn hoặc thiên tai, dịch họa. Một số công trình, dự án dành cho người nghèo, vùng nghèo, nhưng do chưa tính toán kỹ, nên không phát huy tác dụng, gây lãng phí. Chẳng hạn, chợ Chánh Oai (thôn Chánh Oai, xã Cát Hải) được đầu tư xây dựng gần 100 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, bị bỏ hoang, chỉ để chứa rơm rạ (Báo Bình Định, số ra ngày 24.6).
Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo còn mang tính cào bằng, dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo. Mỗi cảnh nghèo xuất phát từ một nguyên nhân khác nhau, bởi vậy cần phải có cách đối xử khác nhau. Không thể đánh đồng giữa những người nghèo vì đau ốm, bệânh tật, vì thiếu sức lao động… với người nghèo do lười biếng, nghiện ngập. Chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo quyết không thể là chỗ dựa cho những người quen chây lười, dựa dẫm, ỷ lại.
Đối với người nghèo do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm sản xuất cũng phải có cách hỗ trợ khác, như cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn. “Cho con cá không bằng cho cần câu”. Thực tế đã có không ít người nhờ được vay vốn, được hướng dẫn cách sản xuất kinh doanh nên đã vươn lên thay đổi số phận. Làm thế nào để bản thân những người nghèo khó có được ý chí và cơ hội tự vươn lên làm thay đổi cuộc đời. Đó mới là cách giảm nghèo bền vững.
Cũng cần đề phòng “bệnh thành tích”, chạy theo chỉ tiêu, số lượng, gây lãng phí. Việc gì cũng vậy, làm thực chất, đánh giá đúng thực chất mới tạo được hiệu quả vững bền.
Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2010 phải giảm hộ nghèo trong tỉnh xuống còn dưới 10%, không để tái nghèo… Thời gian đã đến gần, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực nhiều hơn của các ngành, các cấp và của toàn xã hội.
|