Du lịch Bình Định: Phát triển đúng hướng
17:9', 4/8/ 2009 (GMT+7)

Thời gian qua, tỉnh ta cùng các ngành chức năng, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch (DL) trên địa bàn đã có nhiều nỗ lực phát triển hoạt động DL, từng bước đưa DL trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh như Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh đề ra...

 

Khách du lịch Hà Nội đến Quy Nhơn bằng máy bay. Ảnh: Ngọc Thái

 

* Đánh giá tiềm năng

Bình Định là tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, nằm ở ngã ba của hai hành lang: quốc lộ 1A theo hướng Bắc - Nam  và quốc lộ 19 theo hướng Đông - Tây; là cửa ngõ ra biển Đông của Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia và Nam Lào. Bình Định cách Thủ đô Hà Nội 1.065km, cách TP Hồ Chí Minh 686km, cách TP Đà Nẵng 300km, cách cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) thông sang Lào 300 km. Về mặt địa lý, Bình Định có sự xen kẽ giữa núi với đồng bằng và phía đông là bờ biển dài 134 km. Với sự phong phú về các dạng địa hình, thiên nhiên đã tạo cho Bình Định vô số thắng cảnh nổi tiếng: Ghềnh Ráng -Tiên Sa, đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai, đảo Yến (Quy Nhơn); Hầm Hô (Tây Sơn); Núi Bà - Hòn Vọng Phu; suối khoáng nóng Hội Vân (Phù Cát); đầm Trà Ổ, chùa Hang (Phù Mỹ)… và các bãi tắm đẹp như: bãi biển Quy Nhơn, Quy Hòa, Nhơn Lý, Cát Tiến, Đề Gi, Lộ Diêu, Tam Quan… với cảnh quan thơ mộng, hoành tráng.

Bình Định cũng là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có những di tích văn hóa vô giá như: Thành Đồ Bàn, Thành Hoàng Đế, hệ thống di tích 7 cụm 14 tháp Chăm còn khá nguyên vẹn, được các nhà nghiên cứu đánh giá là hết sức độc đáo và thuộc loại đồ sộ nhất Việt Nam; là những di tích kiến trúc tôn giáo được xây dựng cách đây trên 300 năm như: chùa Thập Tháp, chùa Linh Phong, chùa Sơn Long, chùa Nhạn Sơn, chùa Long Khánh…; là nơi sản sinh, nuôi dưỡng tài năng của nhiều nhà thơ, nhà văn hóa lớn của Việt Nam như: Đào Duy Từ, Đào Tấn, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn; là cái nôi của nghệ thuật hát Bội, Bài Chòi và cũng là nơi nổi tiếng “miền đất Võ”,  nhiều lễ hội, làng nghề, ẩm thực...

Trong quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020, Bình Định được xác định là một mắt xích quan trọng trong hệ thống các tuyến điểm DL miền Trung, trong đó tuyến DL Phương Mai - Núi Bà đã được xác định là tuyến DL chuyên đề quốc gia; đồng thời tỉnh ta cũng đã hoàn thiện Đề án phát triển Bình Định thành trọng điểm DL quốc gia trình Thủ tướng phê duyệt theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng...

* Hạ tầng phục vụ DL được xây dựng, nâng cấp

Hầu hết các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không quốc gia đều đi qua Bình Định, vì vậy việc đi lại giữa Hà Nội - Quy Nhơn và các thành phố lớn khác trong cả nước là hết sức thuận tiện. Mặt khác, các điểm di tích, danh lam, thắng cảnh, làng nghề của Bình Định đều nằm sát quốc lộ, trên các tuyến giao thông của tỉnh và huyện nên rất thuận lợi cho việc tham quan của du khách.  

Hạ tầng phục vụ DL, vui chơi giải trí đã và đang được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường ven biển tạo điều kiện cho DL phát triển: tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu dài 33 km, tuyến Nhơn Hội -Tam Quan dài 107 km, đường Xuân Diệu ven biển Quy Nhơn dài 5km… Tỉnh cũng tập trung chỉnh trang, nâng cấp TP Quy Nhơn và định hướng phát triển mạnh về DL biển; đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ DL tại các di tích, các điểm DL, làng nghề…

Cơ sở lưu trú phục vụ khách DL ngày càng được đầu tư tốt hơn. Toàn tỉnh hiện có 90 khách sạn (KS) với 2.190 phòng, trong đó có 4 KS và resort 4 sao, 2 KS 3 sao, 4 KS 2 sao, số còn lại từ đạt chuẩn đến 1 sao; có gần 10 DN lữ hành và 4 khu điểm DL, hiện nay đang có nhiều dự án xây dựng khu DL tiêu chuẩn 4-5 sao đang triển khai.

Sản phẩm DL phục vụ khách cũng đã được các DN quan tâm đầu tư hơn, xây dựng nhiều tour, tuyến phục vụ các loại hình DL; duy trì và phát triển các làng nghề; tăng cường các dịch vụ vui chơi cho khách như lặn biển, trượt cát, các trò chơi trên biển, các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ khách, các trò chơi dân gian nhân các dịp lễ, Tết… Đặc biệt, với việc tổ chức thành công Festival Tây Sơn-Bình Định 2008, Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, đã góp phần đẩy mạnh thương hiệu DL Bình Định và tạo điều kiện cho du khách biết về Bình Định nhiều hơn.  

 

Biểu diễn âm nhạc dân tộc phục vụ khách du lịch. Ảnh: B.L

 

* Tăng cường xúc tiến, quảng bá DL

Trong thời gian hoạt động xúc tiến, quảng bá DL được tăng cường, đã tập trung vào một số hoạt động chính: Phối hợp với các báo, đài của T.Ư, địa phương, báo ngành và tỉnh bạn để quảng bá về DL Bình Định, trong đó tổ chức quảng bá thường xuyên 1 tháng/lần trên Báo DL, tạp chí DL và Giải trí, tạp chí DL TP Hồ Chí Minh, đài - báo của địa phương. Trung tâm Xúc tiến DL tỉnh đã tham gia hầu hết các hội chợ triển lãm, hội thảo, diễn đàn chuyên ngành về DL và kêu gọi đầu tư về DL được tổ chức trong nước; quảng bá trực tiếp về DL Bình Định đến gần 500 DN lữ hành ở TP.Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thông qua định kỳ gửi thông tin, ấn phẩm, các chương trình lễ hội tại Bình Định để các DN này chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh đối với thị trường Bình Định. Đẩy mạnh công tác xây dựng các ấn phẩm phục vụ quảng bá DL: Cẩm nang DL, bản đồ, đĩa phim, đĩa hình, tờ gấp…; tổ chức quảng bá, giới thiệu các lễ hội, các sự kiện DL của tỉnh; phối hợp tổ chức đào tạo nghiệp vụ DL: Hướng dẫn viên, quản lý, buồng, bàn - bar; tham gia xây dựng nội dung các chương trình dự án quảng bá về DL trên lĩnh vực công nghệ thông tin: Website, bản đồ kỹ thuật số; hướng dẫn hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ, triển lãm. Tổ chức kết nối DL Bình Định với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Với những nỗ lực của tỉnh, của ngành VH-TT-DL và hoạt động xúc tiến DL trong thời gian qua, khách DL đến với Bình Định ngày càng tăng, năm 2008 đón 712.000 lượt khách, tăng 28% so với 2007; 6 tháng đầu năm 2009 đón gần 400 nghìn lượt khách, tăng 11 % so với cùng kỳ năm 2008.

Tuy nhiên, so với tiềm năng và vị trí địa lý có được thì lượng khách đến Bình Định như vậy là chưa nhiều, khách nội địa chủ yếu là miền Nam, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên, khách các tỉnh phía Bắc và Hà Nội chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng khách nội địa đến Bình Định. Nguyên nhân chủ yếu là do khoảng cách giữa Bình Định và Hà Nội khá xa tốn nhiều thời gian đi lại, công tác quảng bá về DL Bình Định ở thị trường miền Bắc và Hà Nội chưa nhiều, dịch vụ DL và sản phẩm DL Bình Định chưa thật phong phú... Tỉnh ta và các ngành chức năng cùng các DN DL cần tăng cường nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, các sản phẩm, dịch vụ DL hấp dẫn để có thể thu hút du khách nhiều hơn...

  • Cao Nhị
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giảm nghèo nhưng thiếu bền vững  (04/08/2009)
Thay đổi thói quen ứng xử với môi trường  (03/08/2009)
Nỗi lo ngoài giảng đường…  (03/08/2009)
Nên cùng học và chơi với trẻ  (04/08/2009)
Mẹ quê  (03/08/2009)
Thơ  (03/08/2009)
“Bà - nước - cơm !”  (03/08/2009)
Di tích Chiến thắng Chợ Cát  (03/08/2009)
Mãi xanh một thời tuổi trẻ  (03/08/2009)
Đối tượng chậm tiến và những bất ổn về trật tự xã hội  (03/08/2009)
Nhiếp ảnh gia “cấp xã”  (03/08/2009)
Xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ  (03/08/2009)
Nhơn Hải: Cái khó không bó cái vui  (03/08/2009)
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ  (03/08/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (03/08/2009)