Trở lại một sự kiện lịch sử đáng nhớ
17:14', 4/8/ 2009 (GMT+7)

Như tin đã đưa, vào khoảng trung tuần tháng 8.2009, tại Bình Định sẽ diễn ra cuộc hội thảo khoa học với chuyên đề: “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” do Tỉnh ủy Bình Định phối hợp tổ chức. Tin rằng đây sẽ là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

 

Địa điểm này năm 1909 là huyện đường Bình Khê- nơi Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, làm Tri huyện. Ảnh: N.T (Chụp lại từ ảnh tư liệu)

 

Theo các tư liệu lịch sử hiện có thì trước khi xuống tàu xuất dương tìm đường cứu nước tại bến cảng Nhà Rồng năm 1911, vào khoảng thời gian từ năm 1909 đến năm 1910, Nguyễn Tất Thành- sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh- đã cùng cha và anh trai từ Huế vào sinh sống tại Bình Định. Trong khoảng thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã ở và học tiếng Pháp tại nhà của nhà giáo Phạm Ngọc Thọ (cha của bác sĩ - cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch), đến thăm cha tại Trường đốc học tỉnh ở An Nhơn (lúc này Cụ Nguyễn Sinh Sắc đang làm quan phúc khảo Trường thi Hương Bình Định) và huyện đường Bình Khê (khi Cụ Nguyễn Sinh Sắc làm Tri huyện Bình Khê), cùng cha đến thăm gia đình cụ Đào Tấn tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước…

Tác giả Đỗ Quyên (chủ biên) trong cuốn “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” (xuất bản năm 1991, tái bản năm 2008) thì cho rằng: Trên đường từ Huế vào Sài Gòn để lên tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã dừng chân lại ở tỉnh Bình Định một thời gian. Khoảng thời gian này, nếu tính đến đầu tháng 7.1910 là hơn 12 tháng (18.5.1909 - 30.6.1910); nếu tính đến đầu tháng 3.1910 thì vào khoảng hơn 9 tháng (18.5.1909 - 28.2.1910). Trong thời gian dừng lại ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành có đến nhiều nơi, nhưng chủ yếu sống tại Quy Nhơn, học tiếng Pháp và văn hóa.

Cuốn sách này có 6 chương: chương I “Theo cha vào Bình Định”; chương II “Ở Quy Nhơn”; chương III “Đến Bình Khê (Tây Sơn), An Nhơn và Tuy Phước”; chương IV “Mấy sự kiện còn thảo luận”; chương V “Rời Bình Định lúc nào?” và chương VI “Thay cho kết luận”. Sách được các chuyên gia Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đánh giá: Tác giả đã phân tích, so sánh rất công phu, có những kết luận mới và thỏa đáng; phương pháp và thái độ khoa học nghiêm túc, một số vấn đề tồn nghi đề cập đúng mức, …

Còn tác giả Nguyễn Thế Khoa trong bài “Nguyễn Tất Thành và Bình Định” (đăng ở tạp chí Văn Hiến) đã viết: Thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành cũng đã nhiều lần lên thăm cha ở huyện đường Bình Khê. Bình Khê là quê hương và nơi dấy nghĩa của Tây Sơn tam kiệt, vốn gốc họ Hồ ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, rất gắn bó với dòng tộc Nguyễn Sinh Sắc. Tại đây, Tất Thành đã được cha đưa đến thăm đền Kiên Mỹ, dựng trên nền nhà cũ của ba anh em Nguyễn Huệ với giếng nước, gốc me cổ, thăm núi “Ông Nhạc”, núi “Ông Bình” (tên của Nguyễn Huệ thời trẻ là Nguyễn Quang Bình), dòng sông Côn linh thiêng với bến Trường Trầu, bãi tập voi, các nơi còn đậm dấu những anh hùng áo vải đã lập nên các huân công vào loại hiển hách nhất trong lịch sử dân tộc. Tất Thành cũng đã theo cha thăm hỏi, đàm đạo với các nhân sĩ yêu nước ở Bình Khê và Bình Định, trong đó có một số người Cụ Nguyễn Sinh Sắc đã thân quen từ lúc học và làm quan tại Huế. Tất nhiên, anh và cha đã đến làng Vinh Thạnh, Phước Lộc, Tuy Phước, quê hương cụ Thượng Đào, thăm gia đình cụ và viếng cụ, bậc tri kỷ cao niên và là ân nhân lớn của gia đình mình...

Tuy vậy, cho đến nay sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành đến và ở Bình Định còn một số ý kiến khác nhau về bối cảnh và thời điểm Nguyễn Tất Thành đến và rời khỏi Bình Định; về hoạt động của Nguyễn Tất Thành ở Bình Định và đặc biệt là ý nghĩa và những tác động văn hóa - xã hội trong thời gian ở Bình Định đến tư tưởng và quá trình hoạt động cách mạng của Người.

Vì vậy, việc tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” là điều cần thiết, có nhiều ý nghĩa, nhằm làm sáng tỏ những vấn đề trên, góp phần cung cấp thêm những tư liệu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người (19.5.1890 - 19.5.2010).

  • Minh Hiếu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Bình Định: Phát triển đúng hướng  (04/08/2009)
Giảm nghèo nhưng thiếu bền vững  (04/08/2009)
Thay đổi thói quen ứng xử với môi trường  (03/08/2009)
Nỗi lo ngoài giảng đường…  (03/08/2009)
Nên cùng học và chơi với trẻ  (04/08/2009)
Mẹ quê  (03/08/2009)
Thơ  (03/08/2009)
“Bà - nước - cơm !”  (03/08/2009)
Di tích Chiến thắng Chợ Cát  (03/08/2009)
Mãi xanh một thời tuổi trẻ  (03/08/2009)
Đối tượng chậm tiến và những bất ổn về trật tự xã hội  (03/08/2009)
Nhiếp ảnh gia “cấp xã”  (03/08/2009)
Xây dựng thêm “thương hiệu võ” cho đất Võ  (03/08/2009)
Nhơn Hải: Cái khó không bó cái vui  (03/08/2009)
Nơi ươm mầm tài năng bóng đá trẻ  (03/08/2009)