Thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 được xem là “đỉnh điểm” của các vụ ngộ độc thực phẩm, bởi trong điều kiện thời tiết nắng nóng thì lượng vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh.
|
Thức ăn đường phố - một trong những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: T.H
|
* Vào viện vì ăn uống
Trong đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa rồi, khoa Khám bệnh - Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh đã cấp cứu một trường hợp bị ngộ độc thức ăn là em Trần Ngọc M., 18 tuổi, ở Gia Lai. Sau khi ăn “cơm bụi” ở một hàng quán vỉa hè trên đường Ngô Mây, khoảng 2 giờ sáng M. bị đau bụng, nôn mửa, đi cầu phân lỏng. Mãi đến sáng, người nhà đưa em vào bệnh viện, các bác sĩ cấp cứu tiến hành khám và xét nghiệm, kết luận do ngộ độc thức ăn. Vậy là, cuối cùng M. đành phải bỏ thi vì nằm viện.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, số ca ngộ độc trong mùa hè khá nhiều và tăng dần theo độ nóng của thời tiết. Chỉ riêng từ tháng 4 đến tháng 6, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị khoảng 60 ca ngộ độc thực phẩm.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lành, khoa Khám, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, trong đó 30 - 50% số ca nhập viện do vi khuẩn Ecoli, 70% do vi khuẩn Salmonella có trong nhiều loại thực phẩm như thịt nguội, nghêu sò, gà chưa nấu chín… Có nhiều loại thực phẩm nhiễm độc từ các hóa chất bảo quản thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật. Mặt khác, ngay chính bản thân các thực phẩm vốn cũng chứa nhiều chất độc tự nhiên, ví như trong củ mì, măng có chất Xyanua gây ngộ độc, Histamin trong thức ăn ôi thiu, độc tố Tetradotoxin trong nấm độc, cá nóc, thịt cóc…
Bác sĩ Nguyễn Hữu Lành cho biết: “Khi bị ngộ độc, người bệnh thường có biểu hiện sốt, tiêu chảy, đau bụng và nôn. Nếu người dân sau khi ăn thức ăn khoảng 1-2 giờ thấy nôn, đau bụng từng cơn, đau bụng quanh rốn, nôn mửa và đi cầu nhiều lần, phân có máu thì nên đưa đến bệnh viện”. |
Qua các đợt thanh kiểm tra của đoàn thanh tra liên ngành và chuyên ngành cho thấy, nhiều món “khoái khẩu” cũng có chứa nhiều nguy cơ gây ngộ độc. Như, kem ăn có 55,2% không đạt chất lượng thực phẩm; thức ăn đường phố 87,5% nhiễm vi sinh vật và 85,7% mẫu nước giải khát ở lề đường không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Sở dĩ ngộ độc thực phẩm thường diễn ra trong mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm, bởi thời gian này nhiệt độ tăng cao, lượng vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh. Bên cạnh đó, các điểm bán thức ăn đường phố, điểm bán thức ăn nhanh thường bày bán những thức ăn nguội, không được nấu chín kỹ, vi khuẩn dễ xâm nhập dẫn đến ngộ độc. Nguồn nước chế biến các sản phẩm từ kem, nước giải khát, sinh tố… không đảm bảo vệ sinh cũng là nguồn gây ngộ độc.
* An toàn vệ sinh thực phẩm còn nhiều lo ngại
Một thực tế đáng lo ngại là nguy cơ gây ngộ độc chủ yếu từ những cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và ngay cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo VSATTP. Mới đây, Đội vệ sinh phòng dịch TP. Quy Nhơn kết hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh tiến hành kiểm tra những hàng quán vỉa hè, điểm giải khát đường phố và không khỏi lo lắng bởi đa phần đều không đảm bảo VSATTP. Tại quán cơm Nga My trên đường Chương Dương, nhân viên chế biến thực phẩm không có giấy khám sức khỏe; không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; bếp ăn lộn xộn, không đảm bảo vệ sinh, thức ăn chín - sống để lẫn lộn. Không những thế, những chai nước ngọt pepsi, nước cam ép hết hạn sử dụng vẫn được chủ hàng quán bày bán cho khách. Tại quán bê thui Hoàng Thao, phường Quang Trung, khu vực chế biến quá bẩn, đồ đạc dụng cụ chế biến luộm thuộm, giấy khám sức khỏe của nhân viên chế biến thực phẩm quá thời hạn… Điều dễ nhận thấy là hầu như những nguời sản xuất, chế biến thực phẩm ở các hàng quán thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất nước đá, quán cơm, quán phở đều chưa qua tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe, không có giấy chứng nhận VSATTP, vệ sinh môi trường không đảm bảo… Điều đáng nói, nhiều chủ cơ sở biết rõ các quy định về VSATTP cũng “phớt lờ” đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều này làm cho nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao.
|