Tôi đã thử làm một cuộc phỏng vấn mini với đa số học sinh (HS) tiểu học, THCS… rằng: “Em có thích nghỉ hè không?”. 100% đều trả lời rằng: Thích lắm! Dĩ nhiên thôi, vì mùa hè là mùa của vui chơi mà. Nhưng có bao nhiêu HS được vui chơi theo đúng nghĩa?
|
Tắm biển - một trong số ít thú vui của trẻ em xã bán đảo Nhơn Lý trong mùa hè.
|
* Trò chơi tự tạo
Một buổi chiều về xã bán đảo Nhơn Lý, chúng tôi gặp khá nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học đang ngồi đánh xì lát trong sân một ngôi nhà đã được lát xi măng. Chủ nhà đi vắng. Chiến lợi phẩm sau mỗi ván bài thắng cuộc chỉ là 1, 2 đôi giấy được xé ra từ vở học trò đã qua sử dụng. “Nhất ăn 4 đôi, nhì 2 đôi, còn “cháy” (ăn trắng) được 8 đôi giấy”- một đứa bé khoảng 10 tuổi vừa dán mắt vào bài, vừa trả lời tôi. Không biết chúng bắt đầu chơi từ khi nào mà một số em có lẽ gặp may trong hội bài đã ôm được cả xấp giấy trên tay. “Cháu sẽ sử dụng phần thắng này làm cái gì?”- “Bán ve chai. 1 kg được 4.000 đồng. Nếu thắng nhiều cũng đủ tiền để mua kem hay ăn kẹo…”- một cậu bé tự xưng là “Rônanđô”- Trịnh Ngọc Khánh, HS lớp 7, Trường THCS Nhơn Lý - cho biết.
Đám con trai chen vào các trò chơi đen- đỏ, mấy bé gái thì mon men vòng ngoài hoặc chơi nhảy dây. Hồ Thị Thanh Gần, HS lớp 5, Trường Tiểu học Nhơn Lý, cho biết: “Nghỉ hè con đi học thêm ở trường. Ngày nào cũng học. Rồi đi tắm biển… Chỉ có vậy thôi nhưng vui lắm cô ạ…”.
Cậu bé Phạm Quang Đắc, 13 tuổi, được mệnh danh là “Pitơ-sếch” (thủ môn của đội bóng đá Chelsea - Anh quốc) nói với: “Tụi con xuống biển đá banh vui lắm cô. Sáng cũng đá, chiều cũng đá…”. Phan Trung Tài, 13 tuổi, thì ra vẻ “ông cụ non” kể: “Tụi con cũng có nhiều trò để chơi lắm. Bi, bài, dụ (vụ - con quay), búng dây thun… mùa nào chơi thứ nấy, không thiếu trò đâu…”.
Chơi bài, đá bóng, tắm biển… ngày qua ngày. Đó là tất cả mùa hè của những đứa trẻ ở vùng biển Nhơn Lý. Trường học thì không tổ chức được trò chơi, địa phương cũng không nghĩ tới. Toàn xã cũng chẳng có khu vui chơi nào. Mấy cái đu quay, xích đu… do Quỹ Bảo trợ trẻ em tài trợ trước đây thì rơi rụng, gỉ sét vì nắng và hơi mặn của gió biển… “Thôi, đi tắm biển tụi bay!” - một cậu con trai hét lên. Thế rồi, đám trẻ nhanh chóng thu dọn “chiến trường” và lao ra bãi cát trước mặt, nhảy ùm xuống nước, hòa mình vào những con sóng vỗ tung bọt trắng xóa, mát lạnh. Tiếng cười đùa, tiếng la hét của chúng cứ quyện theo những bước chân đang rời xa của chúng tôi.
* Và, trò chơi có tổ chức
Về nội thành, tôi tìm đến một điểm vui chơi có tổ chức tại Khu sinh hoạt nhân dân, khu vực 9, phường Nguyễn Văn Cừ. Tại đây, từ khi bắt đầu nghỉ hè đến giờ, cứ 4 giờ chiều Chủ nhật hàng tuần là HS của khu vực tập trung lại để sinh hoạt hè. Lúc tôi đến, điểm sinh hoạt đã có khoảng 30 HS, thuộc đủ lứa tuổi. HS tiểu học có, THCS có. Mấy em nhỏ thì còn “dễ bảo”, xếp hàng ngay ngắn và chịu khó nghe lời chị phụ trách dặn dò. Mấy cô cậu lớn hơn thì có vẻ dửng dưng, kém hòa đồng. Sau khi chị phụ trách điểm danh xong, anh phụ trách tên Phan Tùng Lâm- hiện là HS Trường THPT Trần Cao Vân và là em trai của chị phụ trách tham gia hỗ trợ chị- bắt đầu nói về kế hoạch sinh hoạt hè sắp tới: “Chủ nhật, ngày 26.7, các em sẽ có cuộc thi vẽ tranh… Ngày 27.7, các em sẽ tập trung tại đây để đi thăm Bảo tàng Quân đội. Khi đi, các em nhớ mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ… Chủ nhật, ngày 2.8, HS khu vực mình cùng với các khu vực sẽ tổ chức các trò chơi dân gian… Chủ nhật, ngày 16.8, thi văn nghệ…”.
Chương trình thì có vẻ “xôm tụ” nhưng xem ra mấy đứa trẻ có vẻ không hào hứng lắm. Nguyễn Văn Vinh, HS lớp 5, Trường tiểu học Nguyễn Văn Cừ, nói với theo anh phụ trách: “Em bận đi học bồi dưỡng HS giỏi ở trường rồi!”. Em khác nói theo: “Em cũng bận đi học thêm tiếng Anh rồi…”. Anh phụ trách đề nghị: “Thôi chúng ta sẽ chơi một trò chơi nhỏ rồi kết thúc buổi sinh hoạt!”. Đám trẻ lại nhao nhao “Em bận… Em bận…”. Vậy là, buổi sinh hoạt hè đành kết thúc luôn chỉ sau khâu… điểm danh.
Phan Thị Thanh Thảo, chị phụ trách sinh hoạt hè của khu vực 9 cho biết: “Các trường bàn giao về khu vực danh sách 61 HS trong diện sinh hoạt hè nhưng nhiều em từ đầu hè đến giờ chưa thấy đến đăng ký sinh hoạt. Nhiều em thì bữa đi, bữa không. Tụi em đã nêu yêu cầu, HS nào không đi sinh hoạt quá 3 buổi thì sẽ không được ký giấy sinh hoạt hè. Vậy nhưng, nhiều HS và cha mẹ các em cũng chẳng mấy quan tâm và nhà trường cũng không quan tâm đến việc HS có sinh hoạt hè hay không khi nhận lại giấy sinh hoạt hè của HS vào đầu năm học mới.”
Vừa tốt nghiệp đại học Khoa học xã hội- Nhân văn TP Hồ Chí Minh hệ không chính quy do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh mở, Thanh Thảo còn rảnh rỗi nên tích cực tham gia công tác Đoàn và tham gia tổ chức sinh hoạt hè cho HS ở khu vực. “Tham gia cho vui nhưng thấy HS không hào hứng lắm, em cũng buồn”- Thảo tâm sự. Để tổ chức được sinh hoạt hè cho các em, Thảo đã được Đoàn phường tập huấn một tuần về kỹ năng công tác Đoàn, Đội, các trò chơi, múa hát tập thể… Thế nhưng, tạo ra niềm vui, sự bổ ích, lý thú cho các em trong mùa hè thật không đơn giản chút nào. Bởi cái gì cũng cần phải có kinh phí. Trong khi, “lệ phí sinh hoạt hè chỉ 3.000 đồng/ tháng mà có em đóng, em không”- Thảo cho biết.
|