Kỷ niệm chiều
11:22', 1/9/ 2009 (GMT+7)

* Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Một dòng sông quê, chuỗi ve ran buổi trưa hè, một đêm trăng rải vườn chè… Trong bao vẻ đẹp mà tự nhiên ban tặng đó, ta còn có vẻ đẹp của những chiều.

 

Chiều trên sông quê. Ảnh: T.M

 

Chiều dần buông trên phế thành Đồ Bàn (về sau vua Thái Đức - từ năm Mậu Tuất, 1778 - đặt tên là thành Hoàng Đế, làm đế kinh của mình). Buổi chiều thật bãng lãng; nắng chiều vàng vọt trên khu thành, trên mấy ngọn tháp Chăm. Trên lối cũ hành cung, xà ích đang dắt những chú ngựa thồ về, những thợ thủ công làng dệt Phương Danh, làng đúc đồng Bằng Châu, những bà, những cô buôn bán ở các chợ trên đất thành… đang rảo bước về nhà. Đây cũng là lúc người ta nghe được tiếng còi tàu vào ga Vân Sơn, tiếng còi tàu báo hiệu rời ga; nghe được hồi chuông chiêu mộ ngân nga vọng tới. Chiều nơi đây thường gợi buồn, khiến người ta hay nghĩ suy về cái lẽ thịnh suy, còn mất, thành bại của một Non nước, một Cơ đồ cũ, một vương triều từng làm nên lịch sử. Cuộc kháng thuế năm 1908 bị đàn áp, nhưng cái âm vang của cuộc nổi dậy vẫn còn. Có chàng thư sinh trường Phủ, chiều nào cũng cố lần theo “tiếng ốc xa đưa vẳng trống đồn” (thơ Bà huyện Thanh Quan) từ trong thành vọng ra để tìm xem ở đâu trong thành kia là chỗ đồn lính khố xanh của viên quan tổng đốc Bình Định? Đâu là chỗ giam nhốt ông Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo và những đồng chí của ông bị bọn Pháp và Nam triều bắt cầm tù? 

Chiều cũng dần buông trên bao làng quê ở hai bên bờ con sông Côn, khúc chảy qua địa phận từ thủ phủ cũ An Thái trở xuống. Các làng quê trong cảnh trời chiều trông thật thanh bình, yên ả. “Trâu bò về rợp những nương ngô”. Bún Song thằn hãy còn phơi trên các bãi sông An Thái. Trên đồng ruộng, nông phu lững thững về nhà, cò trắng từng đôi hạ cánh xuống những đám ruộng nước trắng xóa để tìm mồi cho bữa tối… Trên các con đường làng, đàn con trẻ thi nhau thả diều, nhiều khoảng trời đặc diều. Và trong các xóm nhà, đã thấy tỏa lên những ngọn khói lam chiều quen thuộc. Bữa cơm chiều các gia đình thường có món cá biển Quy Nhơn được các bà nội trợ vừa mới mua về. Chợ quê lúc chiều về thường bày ra cảnh hắt hiu buồn, bán buôn lèo tèo: “Chợ chiều nhiều khế ế chanh / Nhiều cô gái hóa nên anh chàng ràng…” (Ca dao).

Chiều trên sông Côn có một vẻ đẹp riêng. Người đứng trên cầu Phụ Ngọc nhìn ra xung quanh, thấy mặt trời đang lặn xuống ngã ba sông; những hôm có ráng chiều, màu nước sông Côn nhuộm màu ráng đỏ, rồi cái màu ráng đó cùng sông mà trôi đi biền biệt. Chiều rồi mà những đò dọc vẫn ngược xuôi trên sông; còn đò ngang thì đang bắt đầu thưa khách, nhưng ông lái đò thì vẫn cắm sào đợi khách suốt đêm thâu. Chiều xuống cũng là lúc người ta ra sông Côn tắm mát, bến sông nào cũng chật người, đủ nam, phụ, lão, ấu. Quê tôi không có sông Vu, đền Vũ Vu, nhưng có những người như Công Tôn Hoa ngày xưa, có cái thú đợi chiều về đi tắm mát sông Côn, hóng gió sông Côn, rồi hát nghêu ngao mà về. Bóng chiều tắt là lúc màu sương khói trùm lên đôi bờ sông Côn, những ánh lửa chài được thắp trên sông. Nhà thơ Yến Lan đã viết nên cảnh chiều trên bến sông quê Trường Thi: “Chiều ngui ngút dài trôi về nẻo quạnh / Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng” (Bến My Lăng).

Trên kia là những cảnh chiều thường gặp, “những buổi chiều êm” (Thơ Xuân Diệu). Nhưng mỗi mùa còn cho một cảnh chiều riêng. Chiều Xuân, đâu cũng tràn hương sắc mai vàng, cúc trắng, bông trang đỏ... Chiều Hạ, hết ngọn nam non đến nam cồ thổi, xoài, mít, mận, ổi nặng trĩu trên cành cây… Chiều Thu, mưa Thu bất chợt, trăng Thu sáng, hoa cúc tần nở sớm… Chiều Đông ảm đạm, mây mưa che khuất Núi Bà, cầu Phụ Ngọc, bến đò Bầu Sáo…

Người quê tôi hay ngóng chiều về để thương để nhớ. Thương nhớ một người – tương truyền là Ngọc Hân công chúa sau khi cơ đồ nhà Tây Sơn sụp đổ: “Chiều chiều lại nhớ chiều chiều /Nhớ người đãy gấm khăn điều vắt vai /Chiều chiều lại nhớ mai mai /Nhớ người đãy gấm vắt vai khăn điều” (Ca dao). Thương nhớ người nghĩa khí lâm nàn: “Chiều chiều én liệng truông Mây /Cảm thương chú Lía bị vây trong thành” (Ca dao). Con gái lấy chồng xa nhớ mẹ: “Chiều chiều ra đứng ngõ sau /Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” (Ca dao). Anh con trai đi làm ăn xa nhớ quê nhà: “Đồng Nai, Long Khánh ai xui /Bây giờ xa xứ bùi ngùi nhớ quê /Nhớ đồng, nhớ bãi chiều về /Sông Tân An nước chảy, ba ngọn tháp kề bên sông” (Ca dao).

Trên đây là chiều xưa, kỷ niệm chiều xưa của tôi. Chiều quê tôi bây giờ, màu chiều đã mất đi ít nhiều: không còn ngọn khói lam chiều tỏa lên từ những mái tranh (vì không còn nhà tranh vách đất, nhiều nhà đã dùng bếp ga, bếp dầu thay bếp rơm củi), không còn những ngã ba sông mênh mông bát ngát, những đò chiều tấp nập như xưa…

Mong rằng, dầu cuộc sống có phát triển đến đâu, cũng đừng để mất quá nhiều những cảnh chiều, màu chiều ở quê. Vì đó là một mảnh hồn quê của ta.

  • H.K.B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2009)
Đưa các anh về với đồng đội  (04/08/2009)
Chuyện về những liệt sĩ anh hùng  (04/08/2009)
Hè ơi, sao… vui thế?  (04/08/2009)
Trải nghiệm với biển  (04/08/2009)
Thời tiết càng nóng, ngộ độc thực phẩm càng tăng  (04/08/2009)
Trở lại một sự kiện lịch sử đáng nhớ  (04/08/2009)
Du lịch Bình Định: Phát triển đúng hướng  (04/08/2009)
Giảm nghèo nhưng thiếu bền vững  (04/08/2009)
Thay đổi thói quen ứng xử với môi trường  (03/08/2009)
Nỗi lo ngoài giảng đường…  (03/08/2009)
Nên cùng học và chơi với trẻ  (04/08/2009)
Mẹ quê  (03/08/2009)
Thơ  (03/08/2009)
“Bà - nước - cơm !”  (03/08/2009)