Nhắc đến đời sống văn hóa miền biển, người ta hay nói đến lễ hội cầu ngư, hát múa bả trạo… Trong đó, cầu ngư là lễ tiết quan trọng nhất trong những lễ thức của chu kỳ đánh bắt hải sản của ngư dân miền biển Bình Định như: nghi thức cúng đầm, lễ ra nghề, lễ tế đình làng, lễ thanh minh, lễ cúng “phòng long”…
|
Lễ hội cầu ngư ở Phước Thuận (Tuy Phước). Ảnh: Văn Lưu
|
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 21 lăng Nam Hải thờ cá voi (cá Ông) ở một số làng ven biển các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn. Đây là những địa điểm tổ chức lễ hội cầu ngư, với quy mô lớn nhỏ, diễn trình cũng có điểm tương đồng, khác biệt và thời gian diễn ra lễ hội khác nhau. Ngày diễn ra lễ hội là ngày Ông lụy (cá voi chết, dạt vào bờ biển làng chài). Dân làng được phúc lành khi tổ chức mai táng, cúng tế cá Ông. Kể từ đó, ngày này của những năm sau dần trở thành ngày diễn ra lễ hội cầu ngư của làng chài.
Ở Bình Định, có lẽ, lăng Nam Hải làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn) là một trong những lăng có từ lâu đời. Lễ hội cầu ngư ở lăng Nam Hải làng Hưng Lương diễn ra vào ngày 10 tháng 5 âm lịch hàng năm.
Theo thông lệ, lễ hội diễn ra trong thời gian ba ngày đêm. Ngày đầu tiên, diễn ra nghi thức lễ trần thiết bài vị, rồi tiến hành lễ nghinh thần, an thần; ngày thứ hai diễn ra nghi thức đại lễ tế thần. Phần hội gồm có: hát múa bả trạo, hội xây chầu hát án, hô bài chòi và các trò chơi dân gian của ngư dân miền biển, được diễn ra chủ yếu vào ngày thứ ba và có sự đan xen trong thời gian hành lễ ở ngày đầu tiên và ngày thứ hai.
Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là hát múa bả trạo. Bả trạo như một hoạt cảnh múa hát, thể hiện những sinh hoạt, lao động của ngư dân như: chèo thuyền, kéo lưới hoặc đặc tả cảnh đưa linh, rước hồn các “đức ông” cùng những người chết trên sông, trên biển về nơi yên nghỉ. Các nhà nghiên cứu cho rằng kịch bản bả trạo của mỗi làng chài hầu như không có sự thay đổi cơ bản, từ kịch bản múa hát bả trạo của cụ Tú Diêu (người thầy của danh nhân văn hóa Đào Tấn). Tất nhiên, đây cũng là một ý kiến cần có sự chứng minh khoa học.
|
Nét đặc sắc trong lễ hội cầu ngư là hát múa bả trạo. - Trong ảnh: Hát bả trạo tại Lễ hội cầu ngư ở Phước Thuận (Tuy Phước). Ảnh: Văn Lưu
|
Người dân miền biển có câu: “Dưới sông sắp đặt đua ghe/ Trên bờ sửa soạn miếu chùa trạo ca”. Tiếng hát vang rền trên sóng nước, dứt một tiếng là hô “chèo lên chèo…” thật nhịp nhàng, dồn dập. Bên cạnh, trong phần khởi ca, bả trạo còn có những câu hát với nhịp điệu khẩn trương thể hiện cảnh đối đầu với giông bão; hay bình tĩnh, nhẹ nhàng lúc biển lặng, trời yên, khiến người xem hồi hộp theo từng bước chuyển và càng thấy nó thân thương, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trong hội cầu ngư không thể thiếu hát bội xưa và phải là hát bội Bình Định, biểu diễn nhiều đêm liền sau lễ hội cầu ngư.
Với nội dung sinh động, chứa đựng nhiều giá trị mang tính nhân văn cùng những làn điệu phong phú đa dạng (hò, vè, nói lối, hát nam, hát khách…), hát múa bả trạo của lễ hội cầu ngư được người dân ưa thích. Nó tái hiện lại cuộc sống sông nước mà người dân trải qua và mang tải những ước nguyện tốt lành cho gia đình, làng xã.
|