Theo Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, trong số 38 làng nghề được quy hoạch, tỉnh đã chọn ra 5 làng nghề để phát triển gắn kết làng nghề và du lịch.
|
Dự án phục hồi, phát triển làng nghề thổ cẩm Hà Ri mở ra những cơ hội để thổ cẩm tiếp tục tồn tại dưới dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch.
|
* Du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa
Du lịch làng nghề truyền thống đang là một hướng phát triển du lịch phổ biến. Những làng nghề truyền thống như gốm Bát Tràng (Hà Nội), tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), lụa Vạn Phúc (Hà Tây), đồ đá Non Nước (Quảng Nam), nghề thêu ở Huế... đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn.
Đứng đầu về số lượng, chiếm 3/5 làng nghề trong tỉnh được chọn phát triển gắn kết với du lịch là huyện An Nhơn: làng nghề rượu Bàu Đá Cù Lâm (xã Nhơn Lộc), tiện mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá); huyện Phù Cát có một làng nghề được chọn là làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường); điểm cuối cùng trong tuyến du lịch làng nghề này đại diện cho khu vực miền núi là làng dệt vải thổ cẩm và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh).
Sản phẩm làng nghề là kết tinh của lao động sáng tạo và văn hóa vùng đất. Song song với mặt kinh tế cần được chú trọng phát triển, làng nghề là một phần vốn văn hóa quan trọng cần được bảo tồn và phát huy. Theo ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng phòng công thương huyện Vĩnh Thạnh: “Những năm gần đây tại làng Hà Ri, trang phục thổ cẩm không còn là lựa chọn ưu tiên trong trang phục hàng ngày của bà con. Dự án phục hồi, phát triển làng nghề thổ cẩm Hà Ri mở ra những cơ hội để thổ cẩm tiếp tục tồn tại dưới dạng sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch. Khai thác ưu thế về cảnh quan, khí hậu nơi đây để phát triển du lịch vừa làm thay đổi bộ mặt cho Hà Ri, vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Bana ở Vĩnh Thạnh. Hiện con đường bê tông dài 300m dẫn vào làng sắp hoàn thành, dự kiến đến năm 2010 sẽ xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm thổ cẩm riêng của làng Hà Ri”.
* Khởi động du lịch làng nghề
Anh Nguyễn Đình Hoãn, chuyên viên Phòng nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Bình Định), người trực tiếp tham gia khảo sát các làng nghề chọn làm du lịch trên, cho rằng: “Muốn kéo dài thời gian lưu trú, níu chân du khách lưu lại với Bình Định, hiệu quả và lâu dài nhất là xây dựng, phát triển loại hình du lịch làng nghề. Nội thành Quy Nhơn không rộng, không nhiều các tụ điểm, loại hình vui chơi giải trí, du lịch biển đảo ở ta cũng chưa mạnh; chỉ có kéo du khách về các làng nghề nông thôn, du khách trực tiếp đặt chân lên địa danh, chạm tay vào sản phẩm thủ công, tận mắt xem quy trình sản xuất… thì ấn tượng về Bình Định trong họ đa dạng hơn, sâu sắc hơn”.
“Quy hoạch phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” mở ra cho các làng nghề một vận hội mới để khôi phục và phát triển theo từng giai đoạn, định hướng và mục tiêu cụ thể. 5 làng nghề được chọn phát triển gắn kết với du lịch đều nằm trên trục đường giao thông tương đối thuận lợi, có thể kết hợp tham quan quần thể di tích văn hóa, ưu thế về cảnh quan thiên nhiên. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng các tour du lịch.
Đi khắp các làng nghề trong tỉnh, địa phương nào cũng rậm rịch chuẩn bị những tiền đề cần thiết để sẵn sàng vực dậy làng nghề: bê tông hóa các con đường làng dẫn vào làng nghề; tạo điều kiện cho người dân làng nghề học hỏi quy trình chuyển đổi, nâng cao sản phẩm; chọn quỹ đất xúc tiến xây nhà trưng bày sản phẩm; quy hoạch khu sản xuất tập trung… Tuy nhiên, cao hơn một bước so với 33 làng nghề còn lại, 5 làng nghề du lịch nhất thiết phải được “dạy” cách làm du lịch. Đây là điểm mấu chốt để “con đường” làng nghề du lịch thành công.
Du lịch làng nghề còn khá mới mẻ ở tỉnh ta. Tuy là hướng đi tiềm năng song những khó khăn trong phát triển gắn kết làng nghề với du lịch không phải là nhỏ. Do vậy, chính quyền, các ngành chức năng phải sát cánh cùng người dân, đi từ những bước cơ bản nhất như xây dựng cảnh quan làng nghề, lập bảng chỉ dẫn địa lý, tu bổ cổng làng nghề, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, vệ sinh trong chế biến đặc sản, đặc biệt là tuyên truyền người dân làm du lịch.
|