Khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) được xem là hoạt động mang tính xã hội hóa cao, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ở hầu hết các làng xã, khu dân cư đều có các lương y và vườn thuốc nam. Tuy nhiên, vì nhiều lẽ, hoạt động này ở tỉnh ta đang gặp nhiều khó khăn.
|
Các lương y chữa bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt miễn phí cho bệnh nhân tại phòng khám Hội Đông y tỉnh.
|
* Một “kênh” điều trị hiệu quả
Hội Đông y tỉnh Bình Định được thành lập từ năm 1982. Hiện Hội có 14 đơn vị trực thuộc, gồm 9 huyện hội và 5 chi hội. Hội cũng đang quản lý 138 cơ sở hành nghề YHCT do các hội viên làm chủ, trong đó có 120 phòng chẩn trị YHCT tư nhân và 18 cơ sở kinh doanh thuốc và thành phẩm YHCT; trên 90 tổ chẩn trị đông y xã, phường.
Thời gian qua, hoạt động khám, chữa bệnh bằng đông y tại các phòng chẩn trị đông y của các cấp hội, phòng chẩn trị YHCT tư nhân và các cơ sở kinh doanh thuốc YHCT tiếp tục được duy trì và mang lại hiệu quả. Theo thống kê của Hội Đông y tỉnh, trong năm qua (5.2008 - 5.2009), các cơ sở này đã khám và điều trị cho gần 156.000 bệnh nhân với 370 ngàn lượt khám; châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt cho hơn 25.000 bệnh nhân; đã sử dụng hơn 1 triệu thang thuốc và 27.450 kg cao đơn hoàn tán để điều trị cho bệnh nhân. Các cơ sở, đơn vị của Hội cũng thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh từ thiện, châm cứu, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách và khó khăn nhân các ngày kỷ niệm. Năm qua, các đơn vị đã khám bệnh, châm cứu miễn phí cho gần 4.000 lượt bệnh nhân, cấp miễn phí 750 thang thuốc.
Bác sĩ CK I YHCT Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y tỉnh, nhận xét: “Thực tế cho thấy, việc chữa trị bằng YHCT mang lại hiệu quả ở một số bệnh mãn tính thuộc nội khoa (nội thần kinh); cơ xương khớp; bồi bổ sức khỏe, nâng cao thể trạng bệnh nhân. Ví dụ như để điều trị bệnh thần kinh tọa, nếu kết hợp dùng thuốc với châm cứu thủy châm thì sẽ rút ngắn được 1/4 thời gian điều trị so với chỉ dùng thuốc”.
Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh, Hội Đông y tỉnh còn có các hoạt động khác như: bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên; thu thập các bài thuốc hay, những kinh nghiệm quý báu trong khám, chữa bệnh để lưu giữ và phổ biến cho toàn thể hội viên.
* Còn nhiều cái khó
Tuy vậy, hoạt động của Hội Đông y tỉnh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Cả tỉnh còn 2 huyện miền núi là Vân Canh và An Lão vẫn chưa thành lập được tổ chức Hội; 6/9 huyện Hội chưa có văn phòng làm việc và phòng chẩn trị. Cũng không nhiều huyện Hội được UBND huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động. Mặt khác, các lương y làm công tác quản lý, thường trực tại các huyện Hội đều không có biên chế chuyên trách.
Một “nỗi niềm” khác của các hội viên là nhiều lương y có trình độ chuyên môn khá, giỏi nhưng chưa được Nhà nước quan tâm cho tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước, cũng như chưa có chính sách đãi ngộ thỏa đáng để thu hút họ cống hiến kinh nghiệm trong các cơ sở y tế Nhà nước.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Thanh Long là có hai mặt: “Mặc dù có nhiều văn bản, chỉ thị của Trung ương nhưng UBND tỉnh quan tâm chưa đúng mức. Mặt khác, do trình độ, năng lực hạn chế cũng như tâm lý của một số bác sĩ, lương y ngại tham gia hoạt động quản lý nên các huyện, thành Hội chưa thể hiện được vai trò, hiệu quả hoạt động của mình để chính quyền thấy, từ đó mới quan tâm tạo điều kiện”.
Theo bác sĩ Long, để khắc phục những khó khăn trên, về phía mình, Hội Đông y tỉnh luôn vận động, nhắc nhở các cán bộ quản lý, hội viên chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chấp hành tốt quy chế chuyên môn, nêu cao y đạo, y đức hết lòng phục vụ bệnh nhân; mở các lớp tập huấn chuyên môn để bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho hội viên. Hội cũng đề nghị các huyện Hội bám vào Chỉ thị số 24-CT/TƯ ngày 4.7.2008 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa X “Về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới” để đề nghị chính quyền quan tâm.
Thiết nghĩ, khám, chữa bệnh bằng đông y là hoạt động có tính xã hội. Các lương y là những “thầy thuốc trong dân”, có kinh nghiệm chữa bệnh bằng YHCT, được dân tín nhiệm. Vì thế, cần phải tạo điều kiện để đội ngũ thầy thuốc này phát huy vai trò của mình nhằm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại Hội nghị giao ban Hội Đông y các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung vừa tổ chức tại TP Quy Nhơn, lương y Nguyễn Hữu Dư, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Phú Yên, chia sẻ kinh nghiệm:
Hội Đông y Phú Yên đã thành lập tổ chức Hội tại 9/9 huyện, thành phố, có 15 biên chế cán bộ tại các huyện Hội; hầu hết các huyện Hội đều có phòng chẩn trị đông y. Chúng tôi được lãnh đạo địa phương quan tâm tạo điều kiện, nhưng Hội cũng phải hoạt động có hiệu quả thì mới được như thế. Để làm được điều đó, chúng tôi một mặt bám vào Chỉ thị số 24-CT/TƯ của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa X; mặt khác, vận động các hội viên giúp đỡ người bệnh bằng tinh thần và y đức của người thầy thuốc. Điều cốt yếu là phải làm sao cho các bác sĩ, lương y, lương dược phấn khởi, thấy được vai trò của mình trong việc góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân, từ đó việc khám, chữa bệnh mới có hiệu quả. |
|