Năm học 2008-2009, Sở GD-ĐT đã được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về hoàn thành xuất sắc toàn diện 15/15 chỉ tiêu thi đua của ngành. Trước thềm năm học mới 2009-2010, chúng ta nhìn lại những kết quả của năm học qua để thêm tự tin trong khởi động năm học mới với những thành tích mới.
|
Thầy và trò Trường PTDTNT Hoài Ân.
|
* Ứng dụng công nghệ thông tin
Từ năm học 2006-2007, Đề án giảng dạy tin học trong nhà trường đã được Sở GD-ĐT triển khai. Đến nay, đã có 11/11 phòng GD-ĐT, 100% số trường THPT, THCS và đơn vị trực thuộc; 61,3% số trường tiểu học và 31,6% số trường mầm non đã kết nối internet.
Theo ông Trần Văn Quí, Giám đốc Sở GD-ĐT: Năm học 2008-2009 là năm có chuyển biến đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy. Bên cạnh sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng thông tin (với 55% số trường THPT có từ 50 máy tính trở lên; 47,8% số trường THCS có từ 20 máy tính trở lên và 8,2% số trường tiểu học có từ 15 máy tính trở lên), Sở GD-ĐT đã tổ chức bồi dưỡng cho 180 hiệu trưởng và giáo viên tin học của các trường THPT, THCS, lãnh đạo và chuyên viên phụ trách tin học các phòng GD-ĐT về chuyên đề ứng dụng các phần mềm trong công tác quản lý và giảng dạy ở các trường THPT,THCS; trong đó, có nội dung khai thác các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày một bài giảng điện tử E-Learning.
Các trường đã khuyến khích giáo viên soạn giảng giáo án trên máy vi tính, sử dụng phần mềm công cụ E- Learning, phát động phong trào sáng tạo, sưu tầm, tuyển chọn các tư liệu dạy học điện tử theo môn học; yêu cầu mỗi giáo viên trong học kỳ phải thực hiện 1 tiết dạy ứng dụng công nghệ thông tin. Có 30 giáo viên THPT (1,23%) đã thực hiện soạn giáo án điện tử và sử dụng thành thạo phần mềm công cụ E- Learning với tổng số tiết dạy là 2.625 tiết; khoảng 1.700 giáo viên THPT (69,8%) đã thực hiện giảng dạy bằng MS Power Point với gần 3.000 giờ dạy; 1.500 giáo viên THCS (29,38%) đã thực hiện giảng dạy bằng MS Power Point với gần 1.600 tiết.
* Tăng cường cơ sở vật chất
Năm học 2008-2009, hệ thống mạng lưới trường lớp các ngành học, cấp học tiếp tục được mở rộng; tỉ lệ HS ngoài công lập chiếm tỉ lệ cao (mầm non gần 87%, THPT chiếm 41,5%); hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên- hướng nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng, hội khuyến học xã - phường tiếp tục phát triển và hoạt động có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 607 trường với 368.590 HS. Đến nay, đã có 146 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 24%; tăng 24 trường so với năm học 2007-2008.
Thực hiện đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, năm 2008, đã có 79 công trình trường học (354 phòng) và 18 công trình nhà công vụ giáo viên (2.304 m2) được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 98,7 tỉ đồng, đem lại gương mặt mới cho hệ thống trường, lớp.
Năm 2009, đang có 81 công trình trường học (403 phòng) và 17 công trình nhà công vụ giáo viên được triển khai xây dựng. Ngoài ra, từ các nguồn vốn khác, ngành GD-ĐT đã xây dựng mới 309 phòng học, 64 phòng học bộ môn, 26 phòng ở cho HS, nhà hiệu bộ, nhà vệ sinh, tường rào, cổng ngõ… cho các trường với tổng kinh phí trên 51,3 tỉ đồng.
|
Các giáo viên đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
|
* Triển khai các chương trình cấp quốc gia
Để phổ cập một năm mẫu giáo 5 tuổi, năm học vừa qua, ngành GD-ĐT đã huy động được 99,9% số trẻ em 5 tuổi (23.765 trẻ) ra lớp mẫu giáo, trong đó, 100% số trẻ 5 tuổi được học 1 năm chương trình giáo dục mầm non tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Về hiện đại hóa trường chuyên; phát triển hệ thống trường dân tộc nội trú, toàn tỉnh có 1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, 4 trường PTDTNT huyện, 8 trường phổ thông dân tộc bán trú và 1 Trường PTDTNT tỉnh. Năm học 2008-2009, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã được đầu tư phát triển ở 3 lĩnh vực: con người, công tác quản lý dạy- học và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện nay, 100% số cán bộ, giáo viên đã sử dụng thành thạo máy tính và internet để khai thác và trao đổi thông tin. Hầu hết giáo viên biết soạn giáo án điện tử và ứng dụng phần mềm trắc nghiệm để soạn đề kiểm tra, nhiều môn học đã thực hiện trên 505 giờ giảng có ứng dụng công nghệ thông tin. Trường đang phát triển trang web http://www.ddhsonline để HS giao lưu, trao đổi thông tin học tập. Ngoài nguồn kinh phí của tỉnh, trong năm học trường đã nhận được sự tài trợ của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước hơn 30 ngàn USD để trang bị máy tính cho khu văn phòng, các tổ chuyên môn và 2 phòng học bộ môn tin học, lắp đặt mới 1 phòng nghe nhìn. Đội ngũ giáo viên trường được cử đi bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên tại các trường đại học. Hiện trường đã có 14/38 giáo viên có trình độ thạc sĩ.
Hệ thống trường PTDTNT của tỉnh cũng từng bước được kiện toàn và phát triển. Năm học 2008-2009, tỉnh đã thành lập thêm Trường PTDTNT Hoài Ân để giải quyết thêm nhu cầu học tập cho 1.774 HS THCS và 1.120 HS THPT người dân tộc thiểu số. Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú dân nuôi cũng được khuyến khích và mở rộng (hiện đang có 1.831 HS bán trú dân nuôi đang học ở 8 trường dân tộc bán trú thuộc các xã của các huyện miền núi). Sở GD-ĐT cũng đã tách cấp THPT có trong trường PTDTNT của 2 huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh để tạo điều kiện cho trường PTDTNT huyện tập trung thực hiện nhiệm vụ, chức năng của mình, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục HS dân tộc thiểu số.
|