Được tung hoành trên một sân bóng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, cỏ xanh mướt, êm như trải thảm dưới ánh đèn cao áp quả là giấc mơ đối với mỗi cầu thủ dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Nhưng giấc mơ ấy có lẽ còn lâu mới thành hiện thực ở Quy Nhơn dù số lượng người mê chơi bóng rất nhiều.
|
Sân cỏ nhân tạo là niềm mong ước của nhiều cầu thủ bóng đá phong trào.
|
* Quá thiếu sân đá bóng
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thành phố Quy Nhơn có trên 800 cầu thủ nghiệp dư chơi bóng, từ các phường, xã, công ty, các trường CĐ-ĐH… Số lượng người chơi bóng đông như vậy, nhưng số sân cỏ có thể đáp ứng nhu cầu đá bóng lại quá ít. Chất lượng mặt sân không tốt, giá thuê lại đắt nên thanh niên phải tìm đến những sân cát, thậm chí là tận dụng cả những bãi đất trống bỏ hoang để chơi bóng. Điều này không chỉ mang lại chấn thương cho các cầu thủ khi thi đấu trên mặt sân không đạt tiêu chuẩn, mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng... Anh Thanh Tùng, dân đá “phủi” ở phường Lý Thường Kiệt (Quy Nhơn), cho biết: “Chẳng ai muốn đá bóng ở mặt sân cát đầy bụi bặm cả. Chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền để thuê sân nhưng sân thì ít mà người thuê lại đông, mấy khi chen chân vào được ?”.
Trong một cuộc “trà dư tửu hậu” mới đây giữa các thành viên CLB bóng đá Binhdinhffc, đã có ý kiến cho rằng chơi bóng trên sân cỏ nhân tạo là nỗi khát khao của không ít dân đá “phủi”. “Đá banh trên sân cỏ nhân tạo tưởng là thú chơi xa xỉ nhưng kỳ thực rất bình dân. Mỗi người đến sân chỉ tốn khoảng 40 ngàn đồng đã có thể chơi bóng thỏa thích trên mặt cỏ êm như trải thảm lại được phục vụ tận răng. Khi đến chơi bóng, nếu người thuê sân được trang bị đầy đủ quần áo, giày, vớ, bóng và được phục vụ nước uống miễn phí thì quá tuyệt vời” - Hoài Nam, thành viên CLB Binhdinhffc mơ ước. Cũng theo anh Nam, dân đá bóng phong trào sẵn sàng bỏ từ 40 đến 50 ngàn đồng để được đá trên sân cỏ nhân tạo. Và nhà đầu tư sẽ không hề sợ “lỗ” vì sẽ có hàng trăm người xếp hàng để được vào đây đá bóng, đó là chưa kể đến các giải bóng đá phong trào cho các công ty, doanh nghiệp đứng ra tổ chức.
* Lối đi nào cho sân cỏ nhân tạo ?
Cỏ nhân tạo được sản xuất bằng sợi Fibre cao cấp, được cấu tạo từ chất politen (một loại nhựa tổng hợp có độ dẻo cao), kết cấu nguyên liệu không gây ảnh hưởng đến môi trường, có nhiều đặc tính giống cỏ tự nhiên, được phủ trên nền đất có phủ lớp hạt cao su và cát. Chính vì thế nên sân cỏ nhân tạo giảm thiểu chấn thương cho VĐV trên sân và có khả năng sử dụng ở cường độ cao (10 đến 12 giờ/ngày).
Cỏ nhân tạo ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, chi phí bảo quản thấp, chỉ bằng 1/10 so với sân cỏ tự nhiên, cho phép sử dụng với tần suất cao khoảng 70 đến 80 giờ/tuần mà chất lượng mặt sân không bị ảnh hưởng. Hiện nay, chi phí để xây dựng một sân bóng mini khoảng từ 300 đến 500 triệu đồng (gồm toàn bộ việc thi công hệ thống sân cỏ, làm nền sân đến hệ thống lưới rào và chiếu sáng). Mặt sân cỏ nhân tạo có độ bền lên đến 12 đến 15 năm, phù hợp với các điều kiện khí hậu khác nhau, nhất là chịu được khí hậu nóng ẩm đặc thù của nước ta. Nếu giá cho thuê sử dụng sân tầm khoảng 200 đến 350 ngàn đồng/giờ thì chỉ sau khoảng 2 năm nhà đầu tư sẽ hoàn vốn.
Với những ưu điểm và lợi ích trên, cộng với thực trạng thiếu sân chơi cho bóng đá phong trào, việc đầu tư để cho ra đời sân cỏ nhân tạo là lĩnh vực đầy tiềm năng.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là quỹ đất dành cho TDTT của Quy Nhơn đã cạn. “Với diện tích 800 mét vuông vỏn vẹn cho một sân bóng, tìm một vị trí đẹp để xây dựng quả là không dễ, nhưng nếu xây dựng sân bóng ở ngoại thành thì mấy ai tìm đến chơi ?” - anh V.D, một doanh nhân định đầu tư vào sân cỏ nhân tạo, chia sẻ. Trao đổi với chúng tôi về băn khoăn này, ông Nguyễn Thanh Lương - Phó Giám đốc Công ty TNHH LD Sodex Toseco (Khánh Hòa) - cho biết: “Một khi các doanh nhân đã có ý định đầu tư, họ phải vượt qua khó khăn về việc tìm kiếm mặt bằng và giấy cấp phép. Trước mắt, nhà đầu tư cần có mối liên hệ chặt chẽ với Sở VH-TT-DL ở địa phương và trình dự án lên UBND tỉnh. Thiết nghĩ, với lợi ích và hiệu quả đem lại cho công tác xã hội hóa TDTT, việc cho ra đời sân cỏ nhân tạo ở Quy Nhơn sẽ được các cấp lãnh đạo chấp thuận”.
Sân cỏ nhân tạo sẽ là “làn gió” xã hội hóa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng…Đặc biệt, khi hoạt động giáo dục thể chất trong trường học ngày càng được chú trọng thì tất yếu sẽ hình thành sự chuẩn hóa về mặt sân bãi cho học sinh, sinh viên trong việc luyện tập TDTT và các hoạt động ngoài trời. Hy vọng trong tương lai không xa, Quy Nhơn sẽ có sân cỏ nhân tạo.
|