* Truyện ngắn của Dino Buzzati (Ý)
Roberto Saggini, quản trị viên một xưởng giấy nhỏ, 46 tuổi, tóc hoa râm, dừng xe trước tiệm thuốc lá vào lúc hai giờ khuya, không hiểu sao hãy còn mở cửa.
“Đội một lát, anh ra ngay”- gã nói với cô gái ngồi bên cạnh. Đó là một cô gái đẹp, dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, đôi môi đỏ của cô hiện lên như một đóa hoa.
Trước cửa tiệm không còn chỗ nên gã phải đậu xe cách một quãng khá xa. Lúc ấy là một tối tháng năm, bầu không khí của mùa xuân ấm áp nhưng đường phố vắng tanh. Gã vào tiệm để mua thuốc lá: Khi ra đến ngạch cửa thì chợt nghe từ xa vọng lại những tiếng gào quái đản.
Tiếng rú phát ra từ căn nhà phía trước? Từ con hẻm nhỏ? Hay từ lớp nhựa trải đường đang phát sinh những hình thù ma quái? Hai, ba, năm, bảy bóng người đang tiến đến theo hình vòng cung để bao vây chiếc xe hơi. Đánh đi ! Đánh chết thằng già !
Tiếng rú vang lên nhức óc, khi ngân dài, khi ngắt quãng như trống thúc quân. Trong giờ vắng lặng của đêm khuya nó đánh thức giấc ngủ của toàn khu phố, và mọi người đều rùng mình nấp kín trong chăn, phó mặc cho thượng đế số phận kẻ bất hạnh đang bị bọn du côn quần những đòn hội chợ.
Roberto đánh hơi thấy sự hiểm nguy. Bọn chúng đang nhắm vào anh. Đó là thời điểm mà những người trên 40 tuổi phải suy đi tính lại nhiều lần trước khi liều lĩnh xuất hiện trên đường phố vào những giờ khuya khoắt. Ngoài 40 họ là những lão già. Và đối với người già, thế hệ trẻ vốn mang lòng khinh bỉ. Nỗi oán ghét âm thầm kích thích lòng căm giận của cháu với ông bà, của con với cha mẹ. Hơn thế, chúng còn lập ra những câu lạc bộ, những đoàn thể căm hận người già, xem họ như những kẻ chịu trách nhiệm cho sự không hài lòng của chúng - dù những buồn phiền, thất vọng hay bất mãn đó rất bình thường của tuổi trẻ dẫu họ sống ở bất cứ nơi đâu. Trong đêm tối các toán tiễu trừ được gửi đi, nhất là đến những vùng ngoại ô để săn đuổi những lão già. Nếu tóm được một người nào đó, chúng sẽ đánh cho tơi tả, lột truồng, quất bằng roi, vẩy sơn lên thân thể họ rồi sau đó cột vào thân cây hay trụ điện. Trong một vài trường hợp có kẻ đã quá tay và đi xa hơn thế. Rồi khi ánh bình minh vừa ló dạng, người ta kinh hoàng nhìn những xác chết đã biến hình trên đường phố.
Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng hình như thể loại yêu thích của ông là truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian, định mệnh, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, mong manh của tình yêu, bí ẩn của nỗi đau và cái ác… |
Vấn đề của bọn trẻ! Những dằn vặt muôn đời của ngàn năm lịch sử, cam chịu từ đời cha đến đời con đã bắt đầu bùng nổ. Báo chí, truyền thanh, truyền hình và phim ảnh lại còn tham gia, ủng hộ. Bọn trẻ được ngợi khen, được ve vãn, được cổ động và khuyến khích để chiếm lĩnh quyền hành bằng bất cứ phương tiện nào. Thậm chí có cả những lão già, phần vì sợ phong trào đang lan rộng nên phụ họa theo để kiểm điểm, phần cũng muốn chứng tỏ rằng, dù đã 50-60 tuổi nhưng tinh thần của họ hãy còn trẻ lắm, rằng họ hoàn toàn chia sẻ với những nguyện vọng và niềm đau của bọn trẻ. Ảo tưởng. Tất cả chỉ vô ích. Dù họ có nói thế này hay thế nọ, bọn trẻ vẫn chống đối, vẫn xem mình là chủ nhân của thế giới, vẫn cương quyết đòi lại những quyền hành cho đến nay còn nằm trong tay các lão già. Tuổi già là một tội, như các biểu ngữ giăng cao của họ. Đấy là mục đích của những cuộc thanh trừng ban đêm mà chính quyền luôn sợ hãi và sẵn sàng nhắm một con mắt. Đáng kiếp họ, những lão già thối thây lẽ ra phải ở nhà, ai bảo đi ra đường khiêu khích bọn trẻ làm chi.
Những lão già sánh đôi với các cô gái trẻ thường được chiếu cố một cách đặc biệt. Lúc ấy trò vui của những tên bạo loạn đạt đến đỉnh cao nhất. Trường hợp thường xảy ra là người đàn ông bị cột lại, bị quất bằng roi và chứng kiến cô bạn gái hứng chịu mọi xúc phạm trên thân thể bởi những người đồng trang lứa.
Roberto Saggini đo lường sự nguy hiểm. Gã thầm tính: Mình sẽ không chạy kịp đến chiếc xe hơi. Nhưng mình có thể trốn vào tiệm thuốc lá. Những thằng khốn nạn ấy sẽ không dám vào theo. Còn cô ấy thì có đủ thời gian.
- Silvia! Silvia! Cho nổ máy và chạy đi. Nhanh lên!
May quá, cô ấy liền hiểu ý. Như một tia chớp cô chuyển sang bên tay lái, mở máy, cài số rồi lao nhanh về phía trước với tiếng máy nổ rền vang. Gã đàn ông thở một hơi dài nhẹ nhõm. Bây giờ gã phải lo cho mình. Gã quay người lại định tìm lối thoát trong tiệm thuốc lá. Nhưng ngay lúc ấy cửa tiệm vừa đóng ập lại.
“Mở cửa, mở cửa giùm đi!” – gã van lơn, nhưng bên trong không có ai đáp lại. Như mọi lần, khi những cuộc thanh trừng của bọn trẻ xảy ra, mọi người đều rúc vào trong vỏ ốc. Không ai muốn bị liên can.
Không thể mất một giây nào nữa. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, bảy, tám tên đang chầm chậm tiến về phía gã, không vội, vì quá chắc sẽ tóm được con mồi. Trong đám đó có một tên cao lớn, mặt tai tái, đầu cạo trọc, mặc chiếc áo thun đỏ có in chữ R màu trắng: “Chết mẹ rồi!”, Saggini than lên như thế. Chữ R ấy báo chí đã nói liên tục từ mấy tháng nay. Đó là dấu hiệu của Sergio Regora, tên chúa đảng hung dữ, mà người ta đồn rằng chính tay hắn đã hành tội hơn 50 lão già.
Cách duy nhất là chạy liều. Phía bên trái ở cuối đường có khu đất dùng làm khu giải trí. Làm thế nào đến được nơi đó bình yên rồi trong hỗn độn của lều trại mình sẽ trốn thoát dễ dàng.
Gã vụt chạy, nhanh như chớp – sức gã còn khỏe lắm- nhưng đuôi mắt cũng vừa thấy từ bên phải một cô gái đang tiến đến chận ngang đường. Cô cũng mặc một chiếc áo thun đỏ có in chữ R màu trắng. Cô gái tuy hơi lùn nhưng khuôn mặt khá xinh, cái miệng rộng đang gào to: “Đứng lại! Con heo già đứng lại!”. Bàn tay phải cô lăm lăm cầm chiếc roi ngựa bằng da. Cô gái định cầm roi quất vào mình gã. Nhưng gã đàn ông đang ngon trớn nên cô đã không thể ngăn được mà lại còn bị hất nhào xuống đất trước khi kịp trở tay.
Vòng vây được mở rộng, Saggini thu tất cả hơi sức lướt nhanh vào khu đất được chiếu sáng lờ mờ. Gặp chiếc hàng rào dựng tạm để phân ranh khu giải trí, gã phóng qua rồi chạy về nơi tối nhất. Nhưng bọn trẻ vẫn bám riết ở đằng sau.
“Nó định trốn à, thằng chó chết” – Sergio Regora gào lên, nhưng không cần hấp tấp vì tin chắc sẽ tóm được con mồi. “Định chống lại chúng ông ư ?”.
Một tên đàn em tiến đến gần: “Thưa đại ca, em cần trình với đại ca một việc”. Bọn trẻ đang dừng lại ở ranh giới khu giải trí.
- Định nói bây giờ à?
- Dạ, hình như tên đó là ba em.
- Sao? Con heo già đó là cha mầy à?
- Dạ, hình như ổng!
- Càng tốt chứ sao!
- Dạ, nhưng…
- Cái gì đó? Tao mong là mầy không có ý phá đám.
- Dạ đâu có. Nhưng em thấy sao…
- Mày thương lão à?
- Úi chà, thương gì cái lão ngu ấy. Em đâu có ưa cái thói hách dịch của lão.
- Vậy thì sao?
- Dạ thưa đại ca, nhưng em thấy sao sao ấy.
- Mầy đúng là con sứa – Nhục ơi là nhục – Với cha tao thì tới giờ chưa xảy ra nhưng tao chắc sẽ vô cùng thích thú. Thôi, đi đi. Phải tóm cổ cho bằng được lão ấy…
Saggini ngồi thu mình trong bóng tối, hơi thở hổn hển sau cơn chạy vắt giò lên cổ. Gã nép mình dưới chân lều, có lẽ là của một đoàn xiếc nhỏ, cố tìm cách ẩn núp dưới những vạt che.
Cách bên cạnh chừng năm, sáu mét là một xe carovan có ánh đèn từ cửa sổ đang chiếu sáng. Không gian bị xé rách bởi tiếng hú của bọn du côn. Có tiếng động trong xe rồi một người đàn bà mập mạp chợt ló đầu ra khung cửa nhỏ, tò mò.
- Bà ơi, bà ơi – Saggini khẽ kêu lên từ chỗ nấp không lấy gì chắc lắm.
- Cái gì đó - giọng người đàn bà lãnh đạm.
- Tôi van bà. Cho tôi vào đi. Tôi bị đuổi. Bọn trẻ định giết tôi.
- Không được đâu! Chúng tôi không muốn bị phiền.
- Tôi sẽ trả bà hai mươi nghìn lire (*) nếu bà cho tôi vào.
- Cái gì?
- Hai mươi nghìn lire (*).
Không được đâu. Chúng tôi là những người làm ăn lương thiện. Nói xong bà rút lui và đóng cửa. Saggini nghe tiếng móc xích ở bên trong rồi ánh đèn cũng tắt ngấm.
Yên lặng. Không còn nghe tiếng nói và tiếng chân người. Băng đảng đã bỏ cuộc rồi sao? Một chiếc đồng hồ từ xa điểm lên báo hai giờ mười lăm phút. Một chiếc đồng hồ từ xa điểm lên báo hai giờ ba mươi phút. Một chiếc đồng hồ từ xa điểm lên báo hai giờ bốn mươi lăm phút.
Chú ý không gây tiếng động, Saggini chậm rãi đứng lên. Lúc này có lẽ mình trốn được.
Bất ngờ một tên khốn nạn nhào tới và vung cánh tay phải với cái gì trong tay không thấy rõ. Saggini trong chớp mắt vụt nhớ đến nhiều năm trước một người bạn đã từng căn dặn: Nếu có kẻ nào đó định tấn công, chỉ cần cho nó một cú vào cằm, vừa đánh vừa nhảy lên; như thế không phải chỉ có sức của cú đấm mà là toàn thân đánh nó. Saggini thực hành ngay cú nhảy và nắm tay va phải một vật gì cứng ngắt, gây nên một âm thanh khô khốc. Ái da, kẻ lãnh đòn hét to lên rồi ôm cằm rên rỉ. Khuôn mặt hắn nhăn lên vì đau đớn rồi ngã ngửa về đằng sau. Saggini chợt nhận ra con mình. Mầy hả Ettore? Rồi gã cúi xuống định chăm sóc nó.
Nhưng ba bốn bóng người chợt hiện ra trong bóng tối. “Nó đây rồi, nó đây rồi! Đánh chết thằng già!”.
Như một thằng điên, Saggini nhảy từ vùng tối này đến vùng tối khác, theo sau là hơi thở dồn dập của những kẻ săn người, càng lúc càng hung dữ và gần gũi sau lưng. Bất ngờ một thanh sắt quất trúng ngay mặt gã, đau kinh khủng. Gã chạy một cách tuyệt vọng, cố tìm một chỗ núp ở xung quanh nhưng bọn trẻ đã dồn gã đến giới hạn của hàng rào. Khu giải trí không có thể mang lại cho gã sự cứu rỗi nào nữa.
Xa xa cách chừng vài trăm thước gã vừa thoáng thấy những bậc thang. Sức mạnh của tuyệt vọng đã làm gã vượt qua khoảng cách đó mà không hề bị đuổi theo. Sự nhặm lẹ đó làm cho bọn trẻ bị bất ngờ và chỉ đến phút cuối, khi gã đã chạy đến bìa một khu rừng nhỏ, báo động mới được đưa ra: “Phía đó, phía đó… Nó định trốn trong rừng. Đánh chết thằng già!”.
Cuộc săn bắt lại tái diễn và gã biết mình thoát chết nếu kéo dài đến lúc bình minh. Nhưng còn thiếu bao nhiêu giờ nữa? Những chiếc đồng hồ đây đó điểm giờ, nhưng lòng bấn loạn gã không thể đếm được những tiếng gõ chuông. Gã cắm cúi lướt qua nhiều trũng thấp, leo những dốc cao, chạy băng qua con sông nhỏ…, nhưng cứ mỗi khi quay đầu lại, ba bóng người vẫn ráo riết bám theo bén gót.
Khi sức đã gần tàn, gã cố leo qua một bức tường dựng đứng. Từ đỉnh, gã chợt thấy trên những nóc nhà phía xa, bầu trời đã bắt đầu ửng sáng. Nhưng đã quá trễ rồi. Gã cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Từ cái má bị thương những tia máu đang dần dần rịn chảy. Và Regora sắp đến kịp. Gã vừa thấy trong bóng tối lờ mờ hai hàm răng trắng dã lóe ra cười đắc thắng.
Hai người đứng đối diện nhau, trên đỉnh một ngọn đồi có nhiều có dại. Regora cũng chưa cần phải đánh. Để tránh hắn, Saggini lùi ra sau một bước, không dẫm lên điểm tựa nên ngã nhào xuống dốc lởm chởm những bụi gai và mỏm đá. Từ dưới sâu nghe vọng lại tiếng dội của khối thịt; sau đó là những tiếng rên.
“Nó chưa chết. Nhưng cũng được trị một trận nên thân” – Regora phát biểu. “Giờ thì chúng ta chuồn thôi. Biết đâu bọn cảnh sát không nổi hứng đi lùng bất tử”.
Bọn trẻ rời đi từng nhóm, vừa đi vừa bàn tán về cuộc săn đuổi vừa qua, xen những trận cười khoái trá. Nhưng cuộc săn đã kéo dài quá đỗi. Chưa có thằng già nào đã làm cho bọn chúng nhọc nhằn đến thế. Và bọn chúng cũng bắt đầu thấm mệt. Không hiểu sao nhưng bọn chúng vô cùng mệt mỏi. Nhóm trẻ tan dần.
Regora đi với cô con gái. Chúng vừa đi đến một quảng trường được chiếu sáng.
- Cái gì ở trên đầu anh thế? Cô gái hỏi.
- Còn em? Em cũng vậy.
Chúng tiến đến gần nhau, người nọ chăm chú nhìn người kia.
- Chúa ơi! Mặt anh ghê quá! Sao lại có những vệt trắng trên tóc thế kia?
- Em cũng thế! Mặt của em cũng rất gớm.
Một nỗi lo bất ngờ. Đối với Regora, cảm giác này chưa xảy đến bao giờ. Hắn tiến gần một cửa kính để soi cho kỹ.
Trong khung kính, hắn vừa nhìn thấy một gã đàn ông khoảng năm mươi tuổi, đôi mắt và gò má xệ xuống, còn cái cổ thì nhăn như cổ chim rái cá. Hắn cố gượng cười và thấy trên miệng đã mất hai răng cửa.
Một cơn ác mộng chăng? Hắn chợt quay lại. Đứa con gái đã biến mất tự lúc nào và từ cuối quảng trường đang bất ngờ xuất hiện ba tên trẻ tuổi. Bọn chúng năm đứa, tám đứa. Chúng hú lên những tiếng hú dài ghê rợn: “Đánh đi! Đánh chết thằng già!”.
Regora bắt đầu chạy với tất cả tàn lực của mình. Nhưng sức của hắn giờ hãy còn quá ít. Tuổi trẻ, cái quãng thời gian đầy kiêu hãnh và bạo tàn dường như phải kéo dài thật lâu, không bao giờ chấm dứt. Nhưng để đốt cháy nó chỉ cần một đêm thôi. Bây giờ hắn không còn gì để phung phí nữa. Bây giờ thằng già chính là hắn. Và đã đến phiên mình.
Milano 1996
(Trương Văn Dân chuyển ngữ) |