“Tôi/em/con”…
17:41', 2/9/ 2009 (GMT+7)

1.

Từ xưa đến nay, trong tâm thức của người Việt Nam vẫn đặc biệt coi trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Ngày xưa, đứng trước thầy đồ nghiêm khắc, những đứa trò nhỏ nhất loạt khoanh tay, một tiếng “con”, hai tiếng “con”. Khi chế độ phong kiến lùi xa, khoảng cách thầy - trò cũng bắt đầu thu hẹp, song song với “con-thầy”, cách xưng hô “em-thầy” cũng phổ biến hơn. Nhiều người cho rằng, cách xưng hô “em-thầy”, “con-thầy” cũng là một nét đẹp riêng của người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Đó là cách thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn và sự gần gũi thân mật giữa trò và thầy. Cũng như cách phân ngôi thứ bậc trong gia đình, hoàn toàn khác với người phương Tây (chỉ có “I” và “You”)…

 

Từ xưa đến nay, người Việt vẫn đặc biệt coi trọng truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Ảnh: H.Y

 

2.

Đã có nhiều người bày tỏ lo ngại rằng, vấn đề xưng hô của người Việt dễ làm cho con người bị thụ động, mất tính sáng tạo, giảm tinh thần trách nhiệm... Sự phân biệt khi giao tiếp là để xác định cái “quyền” của người này đối với người kia. Khi một người tự xưng là “em/con” đối với người khác, thì người đó, tự trong tâm trí đã xác lập cho mình vai trò làm “em/con”, và tự thấy cái được phép và không được phép của vai trò “em/con”. Vấn đề “được phép” hay “không được phép” này là do truyền thống đạo đức của xã hội quy định trong nhận thức của một cá nhân. Đó là vấn đề đạo đức, ví dụ như, con thì không được cãi cha mẹ, em không được cãi anh... Không được cãi lại thì dễ dẫn tới việc răm rắp nghe theo, cho nên sẽ thụ động, không dám suy nghĩ bạo dạn để sáng tạo cái mới. Người lớn, bậc “cha chú” thì phải nhường nhịn, tâm lý của vai trò “em/con” là tâm lý được tha thứ, cho nên tinh thần trách nhiệm sẽ ít nhiều bị giảm đi. Chuyện xưng hô giữa thầy và trò cũng không nằm ngoài quy luật này.

Ở bậc học phổ thông, chuyện xưng hô giữa thầy-trò có vẻ đơn giản. Song, ở bậc đại học, mọi chuyện trở nên phức tạp khi khoảng cách tuổi tác được rút ngắn, phương pháp giảng dạy và học tập thiên về hướng tôn trọng sự độc lập trong tư duy và phát ngôn của sinh viên... Từ đó, nảy sinh yêu cầu thay đổi cách xưng hô từ “em-thầy” thành “tôi-thầy”, với hi vọng sinh viên tự ý thức mình có “quyền” và tự tin phát huy sáng tạo, ý thức hơn về trách nhiệm của bản thân.

Nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Phan Châu Trinh (Quảng Nam), một trong những người đi tiên phong trong cải cách giáo dục đại học, từng bày tỏ ý kiến không đồng tình với việc sinh viên xưng với thầy, cô là “em, con, cháu...”. Ông cho rằng, cải tiến phương pháp giáo dục phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách xưng hô. Một khi sinh viên xưng “tôi” thì điều đó chứng tỏ sinh viên đã được trao quyền tự chủ, khuyến khích sinh viên phát huy cao nhất khả năng sáng tạo trong học tập. Từ đó, nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục sẽ thay đổi. Hơn nữa, ở trường đại học, việc xưng “tôi” sẽ tạo cho sinh viên quen với môi trường công nghiệp, khi ra trường sẽ tự chủ hơn, không bỡ ngỡ, ái ngại khi xưng hô “tôi-anh” ở công sở hay công ty.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc. Một giảng viên trẻ từng chia sẻ: “Mặc dù không câu nệ chuyện xưng hô của sinh viên, nhưng tôi nhiều lần bị sốc khi nhận được lời chào kiểu “Hi, cô”, hoặc cách trả lời gọn lỏn một từ “Ok” trong e-mail trả lời của các sinh viên do tôi hướng dẫn làm luận văn”. “Kết quả dạy và học phải xuất phát từ phương pháp giáo dục chứ không chỉ qua cách xưng hô”- giảng viên này khẳng định.

Gần đây, các nhà xã hội học từng công bố một kết quả khảo sát đáng chú ý: mỗi lời nói đơn thuần chỉ có tác dụng biểu đạt 7% ý nghĩa, ý nghĩa của lời nói được thể hiện 38%, và 55% ở những biểu hiện khác như điệu bộ, cử chỉ. Vì thế, quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu giáo dục cho rằng, nên để sinh viên sử dụng đại từ nhân xưng nào khiến mình tự tin nhất để bộc lộ thái độ, quan điểm riêng. Nếu cứ cố ép sinh viên xưng “tôi”, không khéo lại ép từ khuôn này sang cái khuôn khác…

3.

Không chỉ các giảng viên và chuyên gia giáo dục, vấn đề sinh viên có nên xưng “tôi” hay không cũng làm dấy lên những tranh luận, phản ứng gay gắt ngay từ trong giới sinh viên. Số ít cho rằng, sinh viên nên xưng “tôi” với các giảng viên để khẳng định và bảo vệ quan điểm, lập trường của mình. Song, phần lớn sinh viên lại không chấp nhận cách xưng hô mới mẻ này.

Có một thực tế là, không phải sinh viên nào cũng được tăng thêm bản lĩnh và tự tin khi xưng “tôi” với thầy, cô giáo. Sinh viên thường cảm thấy nhỏ bé khi đứng trước các giảng viên vì lượng kiến thức không đủ dày dặn để tranh luận bình đẳng chứ không phải do cách xưng hô. “Nếu sinh viên có kiến thức tốt, thì xưng “em” cũng vẫn khẳng định được cái tôi của mình” - một sinh viên bày tỏ.

Ở một phương diện khác, nếu áp dụng cách xưng hô “tôi-thầy” sẽ ảnh hưởng lớn đến tình nghĩa thầy trò. Có người cực đoan hơn còn cho rằng, mối quan hệ thầy-trò chỉ đơn giản là mối quan hệ mua- bán, nếu sinh viên nhất mực xưng “tôi” với thầy.

4.

Không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Việt xuất hiện phong phú, đa dạng đại từ nhân xưng đến thế. Xưng hô cũng là một cách thể hiện thái độ, tình cảm của con người khi giao tiếp. Để cái mới đi vào cuộc sống, nó phải được sự chấp nhận của số đông. Việc thay đổi cách xưng hô giữa thầy và trò không phải không có cái hay của nó. Song, cần có sự kiểm chứng của thời gian, để xem sự thay đổi ấy có thật sự đem lại sự đổi mới cách dạy và học, góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển hay không…

  • Mai Lâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng  (01/09/2009)
Thơ  (01/09/2009)
Những gã thợ săn  (01/09/2009)
Bao giờ mới bén rễ?  (01/09/2009)
Những đột phá trong sự nghiệp trồng người  (01/09/2009)
Vẫn khó... nhiều bề  (01/09/2009)
Hai kẻ “bạn tù” và những vụ cướp lúc nửa đêm  (01/09/2009)
Du lịch làng nghề ở Bình Định  (01/09/2009)
Cầu ngư - lễ hội tiêu biểu trong đời sống văn hóa ngư dân miền biển  (01/09/2009)
Kỷ niệm chiều  (01/09/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2009)
Đưa các anh về với đồng đội  (04/08/2009)
Chuyện về những liệt sĩ anh hùng  (04/08/2009)