Trăn trở với Huỳnh Giản Nam
17:49', 2/9/ 2009 (GMT+7)

Sau nhiều năm nuôi tôm thất bát, đời sống của 280 hộ dân ở thôn Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (Tuy Phước) gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, bên cạnh nỗi lo hoàn trả nợ vay đầu tư nuôi tôm, người dân nơi đây còn lo lắng nguy cơ tai nạn giao thông và dịch bệnh phát sinh do sử dụng nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh. 

 

Đường đến Huỳnh Giảng Nam gập ghềnh thế đó.

 

Cuối tháng 5, chúng tôi có việc phải đến thôn Huỳnh Giản Nam bằng đường bộ. Tuyến đường từ thôn Huỳnh Giản đến Huỳnh Giản Nam (dài khoảng 1,5 km) là con đường được đắp bằng đất sét, mặt đường rộng chỉ hơn 1 mét rất trơn trượt; đi xe máy nhưng phải chống hai chân xuống đất, có đoạn mặt đường hẹp và lún phải xuống xe dắt bộ. Đến đầu thôn lại phải qua chiếc cầu tre dài khoảng 10 mét bắc qua lạch 110. Chiếc cầu này đã bị xuống cấp nghiêm trọng, trên mặt cầu có nhiều lỗ hổng rất nguy hiểm.

Bà Huỳnh Thị Hoa, nhà ở gần chiếc cầu này, cho biết: “Hàng năm, bà con chúng tôi đều đóng thêm cọc, kết các thanh tre lại với nhau để làm mặt cầu, nhưng mỗi mùa mưa lũ đi qua, cầu lại bị hư hỏng nặng. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa thì đường rất trơn, cầu yếu, chỉ cần sơ sẩy là rơi xuống nước ngay. Cách đây vài hôm, có một người đi xe máy qua chiếc cầu này và đã bị rơi cả người lẫn xe xuống lạch. May mà bà con chúng tôi phát hiện và cứu vớt kịp thời. Bởi vậy, mỗi lần lũ nhỏ đi học, chúng tôi ở nhà cũng không yên tâm”.

Người dân ở đây còn cho biết, đi đường bộ còn đỡ vất vả và ít nguy hiểm hơn là đi đường thủy từ bến đò Huỳnh Giản qua thôn Dương Thiện (Phước Sơn). Trước đây, để đảm bảo đi lại cho nhân dân trong thôn, xã Phước Hòa có thuê một số chủ đò đưa người dân qua sông, mỗi tháng xã chi trả 2 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi hộ gia đình có con em đi đò qua Phước Sơn học tập đều phải đóng thêm cho các chủ đò 20.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, nhiều tháng qua các chủ ghe, đò không chở khách nữa vì số tiền chi trả cho họ thấp, trong khi đó, đoạn đường từ Huỳnh Giản sang xã Phước Sơn quá dài và nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa. Hiện tại bến đò nói trên có một vài chủ đò đưa khách qua sông, nhưng không thường xuyên, phí qua đò từ 1.000 đến 2.000 đồng/lượt. Bởi vậy, người dân Huỳnh Giản Nam ít đi lại bằng tuyến đường nói trên. Tuy nhiên, các em học sinh cấp 3 ở Huỳnh Giản Nam đang học tại xã Phước Sơn thường ngày phải qua lại trên tuyến đường này. Phần vì không có tiền trả cho chủ đò, phần lo sợ trễ học do phải chờ đợi đò, nhiều em học sinh đã tự chèo sõng để đi học, vất vả và nguy hiểm vô cùng. Bà Trần Thị Lưu, một người dân ở đây, cho biết: “Tui có thằng cháu nội học lớp 11. Tháng trước do không có tiền đi đò, nên nó cùng với 3 đứa bạn lấy sõng của tui chèo qua sông để học và đã bị lật sõng rơi tõm xuống sông. May mắn là người dân ở Phước Sơn phát hiện và cứu được 3 đứa, còn cái sõng của tôi bị chìm đến nay vẫn chưa tìm được. Do đi lại quá gian nan và nguy hiểm nên nhiều học sinh trong thôn đã nghỉ học giữa chừng”.

Ngoài khó khăn về giao thông, người dân ở địa phương này còn gặp khó khăn về nước sinh hoạt. Hầu hết các giếng nước ở Huỳnh Giản Nam đều bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng không sử dụng được. Lâu nay, người dân nơi đây phải tự chèo đò sang xã Nhơn Hội mua nước giếng đào về dùng hoặc mua nước của các chủ ghe chở từ xã Nhơn Hội qua bán với giá cao, từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/2 can 30 lít. Điều đáng nói là chất lượng nước mà bà con mua không đảm bảo vệ sinh, nên nhiều người đã bị các chứng bệnh về đường ruột.

Đề cập đến những khó khăn vất vả mà người dân địa phương đang gặp phải, ông Phan Viết Dũng, Trưởng thôn Huỳnh Giản Nam, cho biết: “Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà con trong thôn cũng đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên hỗ trợ xây dựng đường giao thông, cầu cống; đưa bến đò Huỳnh Giản - Dương Thiện vào hoạt động trở lại, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại làm ăn; xây dựng công trình nước sạch cung cấp nước sinh hoạt, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh… Tuy nhiên, đến nay chúng tôi chưa thấy động tĩnh gì. Nhân dân nơi đây rất mong các cấp, các ngành quan tâm hơn đến Huỳnh Giản Nam, giúp bà con chúng tôi từng bước giải quyết những khó khăn nêu trên”.

  • Phạm Tiến Sỹ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng  (01/09/2009)
Thơ  (01/09/2009)
Những gã thợ săn  (01/09/2009)
Bao giờ mới bén rễ?  (01/09/2009)
Những đột phá trong sự nghiệp trồng người  (01/09/2009)
Vẫn khó... nhiều bề  (01/09/2009)
Hai kẻ “bạn tù” và những vụ cướp lúc nửa đêm  (01/09/2009)
Du lịch làng nghề ở Bình Định  (01/09/2009)
Cầu ngư - lễ hội tiêu biểu trong đời sống văn hóa ngư dân miền biển  (01/09/2009)
Kỷ niệm chiều  (01/09/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (01/09/2009)
Đưa các anh về với đồng đội  (04/08/2009)