Xe chúng tôi lăn bánh trên con đường dài trải bê tông từ trung tâm huyện An Lão đến xã An Trung. Vào những ngày giữa tháng 8, bà con nơi đây đang hăng say lao động trên những cánh đồng mát mắt màu xanh bắp lúa, phát quang bụi rậm trên những đám rừng keo... An Trung giờ đây đã khác trước nhiều.
|
Trạm thu phát sóng của Vinaphone mới được đầu tư, xây dựng ở An Trung.
|
An Trung là xã miền núi của huyện An Lão, hiện có 6 thôn, 528 hộ và gần 2.100 nhân khẩu với ba dân tộc anh em sinh sống là Kinh, Bana, H’rê, chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông, lâm nghiệp. Đồng chí Đinh Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, cho biết: “Ngày trước, cuộc sống người dân nơi đây khá vất vả, nhiều gia đình trong xã không đủ gạo ăn; cái đói, cái nghèo đeo bám quanh năm. Tài nguyên là đất, rừng, song trình độ dân trí hạn chế, nên người dân chưa thực sự biết cách canh tác; thêm vào đó, điều kiện giao thông đi lại hết sức khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông, lâm nghiệp và giao thương hàng hóa của người dân”. Những năm qua, Đảng, các cấp chính quyền đã chú trọng đầu tư phát triển kinh tế dựa trên việc tập trung phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn của địa phương để phát huy những lợi thế, khắc phục những khó khăn. Nhờ vậy, An Trung đã chọn được hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới từng hộ dân, đặc biệt là những hộ dân tộc thiểu số, nhằm thay đổi phương thức canh tác, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ việc làm trên, những suy nghĩ, thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền đã gần như được loại bỏ, người dân tích cực hưởng ứng và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; cụ thể là đưa các giống lúa mới nguyên chủng vào sản xuất. Nhiều hộ dân đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng sang các loại cây trồng bắp, mì đạt kết quả cao... Từ năm 2008 toàn xã đã đưa vào sản xuất 100% giống lúa mới, năng suất bình quân đạt 42,3 tạ/ha, nâng tổng sản lượng lương thực lên 430 tấn, vượt kế hoạch đề ra. Riêng 6 tháng đầu năm 2009, người dân toàn xã gieo sạ 168 ha lúa, năng suất bình quân đạt 50,5ha/tạ.
Từ thế mạnh đồng cỏ, nhiều hộ gia đình đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn, nâng tổng số gia súc, gia cầm toàn xã lên 2.459 con. Nhiều hộ gia đình còn chủ động vay vốn để tiếp tục mở rộng chăn nuôi, tích lũy kiến thức bằng việc tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi gia súc, gia cầm và tiến dần đến phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại. Nhiều hộ gia đình mạnh dạn đứng ra nhận đất, nhận rừng để bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng. Đến nay, toàn xã đã trồng được 314,6 ha rừng bao gồm các loại cây: keo lai, keo lá tràm, mây nếp...
|
Ở xã An Trung hiện nay, những ngôi nhà tranh tạm bợ đã từng bước được xóa bỏ, thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang.
|
Nhờ biết cách khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, nên đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Những ngôi nhà đất, tranh tre đã được xóa bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những ngôi nhà mái ngói; nhiều hộ gia đình đã mua sắm xe máy, ti vi, radio, máy cày, máy tuốt lúa, máy xay xát... Việc học tập của con em cũng được quan tâm hơn rất nhiều. Hiện toàn xã có 168 học sinh bậc tiểu học và 84 học sinh mẫu giáo. Cô giáo Vũ Thị Hường là người Kinh, bám trụ với các học sinh vùng cao đã 20 năm nay, cho biết: “Lớp mẫu giáo của xã được Dự án Chăm sóc và giáo dục mầm non, do Chính phủ New Zealand tài trợ xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2008 đến nay nên trông khang trang, sạch đẹp và đảm bảo các tiêu chuẩn của một phòng học dành cho học sinh mẫu giáo, không còn tạm bợ như trước. Bởi vậy, năm học này, phụ huynh học sinh đã đưa con ra lớp đông hơn các năm trước…”. Trước đây, nhiều cha mẹ học sinh không muốn cho con em mình đi học chỉ với mục đích để các em ở nhà lao động kiếm bữa ăn, thì nay nhờ nhận thức được ý nghĩa của việc học, nên người dân đã chủ động đưa con em đến trường, quan tâm tạo điều kiện để con em có nhiều thời gian dành cho học tập...
Trên đường sang thôn 2, chị Đinh Thị Minh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cho biết: Nếu như trước đây làm ra lương thực cũng không thể mang đi bán vì đường sá đi lại khó khăn, thì nay người dân có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa sang thôn khác bán bởi nhiều tuyến đường liên thôn đã được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, sinh hoạt. Chị Đinh Thị Huệ, ở thôn 2, tâm sự với chúng tôi: “Nhiều hộ gia đình đã có ti vi, máy xay xát; người khó hơn thì tối thiểu cũng có được những thiết bị phục vụ cuộc sống hàng ngày như đèn điện, quạt điện...”.
Trên đường trở về thị trấn, chúng tôi gặp những chiếc xe công nông chở đầy ắp mì, cây keo của người dân mang lên thị trấn bán. Những cố gắng nỗ lực của chính quyền và nhân dân xã An Trung trong những năm qua đã tạo nên những đổi thay không nhỏ ở xã vùng cao này.
|