Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Ý tưởng quy hoạch phát triển TP. Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Phóng viên Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân chung quanh việc quy hoạch đô thị Quy Nhơn với một chiến lược phát triển bền vững.
|
Phố biển Quy Nhơn. Ảnh: Ngọc Diên
|
* Thưa ông! Xu hướng quy hoạch chung hiện nay của các đô thị Việt Nam là như thế nào?
- Sự biến đổi kinh tế - xã hội của đất nước, cùng với quá trình đô thị hóa (ĐTH) đang diễn ra với tốc độ tương đối nhanh. Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều địa phương gia tăng tốc độ đô thị hóa từ 24% đến 30% về mặt dân cư. Về mặt số lượng đô thị, thì 10 năm qua, bình quân trên đất nước ta cứ mỗi tháng phát triển thêm một đô thị loại 5 (thị trấn, thị tứ). ĐTH vùng, miền tăng lên cũng là một tất yếu; việc phát triển đô thị cũng là nguồn động lực kích thích phát triển của xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã thông qua định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020, thì việc ĐTH của đất nước mình có thể lên đến 45%. Điều đó đặt ra cho chúng ta một vấn đề rất lớn là làm sao để đất nước phát triển ổn định, bền vững; sự phát triển đô thị của các địa phương trên cơ sở đi đúng hướng, đảm bảo tầm nhìn lâu dài, vĩ mô và nằm trong chiến lược phát triển đô thị Việt Nam. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch đô thị, đó là cơ sở pháp lý tốt để thực hiện trong tiến trình phát triển đô thị.
Qua lịch sử phát triển đô thị ở Việt Nam, mỗi nơi đều có bối cảnh phát triển khác nhau, hình thành nên những đặc trưng, tính chất khác nhau, tạo nên những giá trị của riêng mình; song cũng có những điểm chung là mong muốn phát triển về kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng sống, đảm bảo vệ sinh môi trường, cân bằng sinh thái, trong điều kiện không thể cứ tiếp tục mở rộng mãi không gian đô thị.
* Vậy theo ông, Quy Nhơn đang nằm ở đâu trong biểu đồ phát triển các đô thị ở Việt Nam?
- Quy Nhơn của chúng ta là đô thị loại 2, hiện đang phát triển với mức khá cao. Theo phân loại của Việt Nam thì có 5 loại đô thị, TP. HCM và Hà Nội là đô thị loại đặc biệt. Quy Nhơn là đô thị đã phát triển đến mức cao hơn loại 2 và đang tiến lên cái ngưỡng đô thị loại 1. Cả nước có 14 đô thị loại cỡ như Quy Nhơn. Quy Nhơn có lợi thế là cửa ngõ hành lang Đông - Tây, phát triển sang Lào- Campuchia, là trung tâm của khu vực phía Nam miền Trung - Tây Nguyên, nó đang và phải luôn phát triển để đáp ứng những nhu cầu chức năng, vị trí của nó.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bình Định đang mời gọi các chuyên gia nghiên cứu ý tưởng phát triển Quy Nhơn. Có người nói, hiện Quy Nhơn đang mặc một chiếc áo chật, khả năng phát triển đô thị của Quy Nhơn còn rất lớn, nhưng chúng ta còn lúng túng về hướng mở; cho nên vấn đề quy hoạch của chúng ta cần phải xem xét, tính toán lại sắp đến đây nó phát triển như thế nào, mô hình phải mở rộng hơn nữa, quy mô có thể phải lớn hơn nữa. Nhưng vấn đề là phải làm như thế nào để khai thác, để mở rộng quy mô, tăng cường sự phát triển của Quy Nhơn. Cần xác định Quy Nhơn phát triển về cái gì, công nghiệp, thương nghiệp hay du lịch, hay là phát triển theo một hình thái kinh tế nào đó. Cần xác định sự phát triển theo vị trí nào, hướng Đông hay Tây, Nam hay Bắc để mở rộng quy mô đô thị. Đầu tiên cần xây dựng ý tưởng, rồi đưa ra xem xét, đánh giá như Hội thảo hôm nay, tôi nghĩ là rất bổ ích và rất cần thiết. Tôi biết là có một đồng chí lãnh đạo của tỉnh Bình Định đang quan tâm rất nhiều đến vấn đề này.
Chúng ta cần đánh giá cái mà chúng ta đã làm được; khai thác những tiềm năng mà chúng ta đã có; đồng thời cũng chỉ ra những nhược điểm hiện nay của đô thị Quy Nhơn, cũng như những khó khăn hiện tại và sắp tới để chúng ta có hướng đi đúng, tạo lộ trình đi cho phù hợp; chỉnh sửa tiếp tục những cái bất hợp lý.
* Quy Nhơn trong tương lai cần phải làm gì để có thể có được một “chiếc áo mới” thay cho chiếc áo đã cũ và quá chật hẹp?
- Tôi nghĩ rằng có nhiều việc phải làm. Như tôi đã nói, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã mời các nhà khoa học để xây dựng ý tưởng, tức là muốn tìm tòi hướng phát triển cho Quy Nhơn; liệu Quy Nhơn có còn phát triển được nữa hay không? Quy Nhơn phát triển theo hướng nào? Quy Nhơn phát triển đến cỡ nào là lý tưởng? Đó là những vấn đề chính mà Hội thảo khoa học “Ý tưởng quy hoạch phát triển thành phố Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” đã đề cập đến. Việc cần phải làm đầu tiên, theo tôi là phải làm tốt khâu quy hoạch cho phù hợp với kinh tế - xã hội của Quy Nhơn, văn hóa phi vật thể, quy hoạch không gian của thành phố. Thực ra quy hoạch chung của TP. Quy Nhơn có từ năm 1991, Bình Định điều chỉnh lại lần thứ 2 năm vào 1997, chỉnh sửa năm 2004; bây giờ đồ án quy hoạch lại đô thị Quy Nhơn đợt này cái chính là chỉ ra hướng phát triển, chỉ ra quy mô phát triển và cũng sẽ chỉ ra được rằng một chương trình các dự án cần phải làm để đạt được những quy mô đó, đạt được mục tiêu phát triển đó.
|
Một góc TP Quy Nhơn nhìn từ phía đường An Dương Vương. Ảnh: H.Nguyên
|
Ví dụ về vấn đề xây dựng hạ tầng chẳng hạn, tiếp đến là mình xây dựng hạ tầng gì? Chúng ta có cầu Thị Nại thế là tốt, nó báo động rất tích cực thúc đẩy phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu trung tâm TP. Quy Nhơn. Sân bay ở mình cũng là sân bay cấp 1 đấy; nhưng mà đường từ thành phố đến sân bay thì rất bé. Hoặc là có cần làm thêm đường ra Nhơn Hội hay không, có cần phát triển phía Tây Nam phường Bùi Thị Xuân hay không…, đó là việc phát triển hạ tầng giao thông. Còn điều quan trọng hơn nữa là mình làm sao thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư. Nên chăng cần có hội thảo, gặp gỡ khác nữa của các nhà khoa học. Mời họ về đây để giới thiệu quy hoạch của chúng tôi là như thế; khả năng, tiềm năng của chúng tôi là như thế, Quy Nhơn cần thêm những gì? Kêu gọi mời chào các nhà đầu tư, vì chính họ mới là người giúp cho thành phố mình phát triển. Ví dụ người ta đầu tư làm hạ tầng, đầu tư nhà ở, … đó là những việc làm cụ thể cho Quy Nhơn phát triển và đấy cũng là cái cốt lõi để Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”. Chúng ta cần nhìn nhận thế này, vấn đề phát triển nguồn lực không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước, mà nguồn lực phát triển nó rất đa dạng, nó từ xã hội. Trên cơ sở đã quy hoạch rồi thì mình đưa ra cơ chế nguồn lực xã hội, mình phải quảng bá, giới thiệu, vận động thì Quy Nhơn mình mới phát triển được.
* Để quy hoạch Quy Nhơn phát triển đúng hướng, theo ông đâu là yếu tố quan trọng nhất?
- Tôi có nói vui với các anh lãnh đạo tỉnh, rằng: Trong buổi gặp gỡ hôm nay, thì Quy Nhơn mình chưa quy hoạch đã phát triển rồi. Thực sự Quy Nhơn trong những năm gần đây tôi đã cảm nhận được sự phát triển. Mà phát triển phải dựa trên 2 yếu tố, đó là con người; phải có lãnh đạo và nhân dân trong thành phố, trong tỉnh nói riêng và người Bình Định đang sống ở xa; nhưng cái chính là người Quy Nhơn phải tự làm cho thành phố của mình phát triển.
Cũng cần tuyên truyền làm rõ việc chúng ta xúc tiến quy hoạch thành phố với các nhà đầu tư, cần làm cho người dân Quy Nhơn trên chính địa bàn mình hiểu rõ phận sự và quyền lợi của mình khi góp phần làm to đẹp thành phố. Người dân ở Quy Nhơn làm to đẹp thành phố mình tốt hơn là để một ông nước ngoài nào đó, hoặc một nhà đầu tư nào đó đến làm thay.
* Xin cảm ơn ông đã dành cho bạn đọc Báo Bình Định những ý kiến quý giá!
|