|
Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thọ (chụp lại từ ảnh tư liệu) |
Huyện đường Bình Khê từ lâu đã trở nên quen thuộc với người Việt Nam và sẽ mãi mãi được các thế hệ người Việt Nam nhắc đến. Bởi lẽ, một thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy - thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh - làm tri huyện ở đây và có lần người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên đường đi tìm đường cứu nước đã đến đây thăm cha.
Địa điểm Huyện đường Bình Khê xưa nằm ở thị tứ Đồng Phó, nay thuộc thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn. Phía Đông giáp sông Côn; phía Tây và Tây Bắc giáp thổ cư; phía Nam nhìn ra quốc lộ 19, nằm cách thị trấn Phú Phong 12km và cách thành phố Quy Nhơn 50km.
Theo Đại Nam nhất thống chí, huyện Bình Khê được dựng đặt từ năm 1888, thuộc phủ An Nhơn. Đến năm 1906, huyện Bình Khê là đơn vị hành chính biệt lập trực thuộc tỉnh. Theo các tư liệu của Bộ Lại triều Nguyễn, vào tháng 5 năm 1909 cụ Nguyễn Sinh Huy đang làm Thừa biện Bộ Lễ tại triều đình Huế được phái vào ban chấm thi Hương tại trường thi Bình Định. Sau khi hoàn thành việc chấm thi, vào tháng 7.1909 cụ Huy được bổ nhiệm Tri huyện Bình Khê cho đến ngày chuyển công tác đi nơi khác. Vào thời điểm ấy, nhân dân Bình Định và huyện Bình Khê đang gánh chịu những đợt khủng bố dữ dội của thực dân Pháp sau phong trào đấu tranh chống thuế năm 1908. Nhiều người yêu nước đã bị xử bắn tại tỉnh thành Bình Định và một số huyện lỵ, một số bị đày đi Côn Đảo và hàng trăm người khác đang bị giam cầm trong các nhà lao.
Tri huyện Nguyễn Sinh Huy là một nhà nho cấp tiến, xuất thân từ thành phần bình dân nên cụ thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân nghèo, cụ sẵn sàng đứng về phía dân, tìm cách bênh vực cho người nghèo và giúp đỡ những người yêu nước. Theo một số người lớn tuổi ở Đồng Phó và Hữu Giang kể lại, trong thời gian làm Tri huyện, cụ Huy thường quan hệ tiếp xúc với các nhà nho ở Bình Khê, trao đổi bàn luận với họ về thi phú văn chương. Nhiều vụ rắc rối trong dân đến cửa quan cụ đều xử hòa, cụ thường tha những người dân nghèo không có tiền nộp thuế, còn bọn cường hào ức hiếp dân lành và bọn lưu manh trộm cắp thì cụ thẳng tay trừng trị.
Khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Huế đi vào Nam, Người đã đến Bình Khê thăm người cha thân yêu và lưu lại đây một thời gian. Cùng ở tại Bình Định với cụ Huy có người con trai đầu Nguyễn Tất Đạt (tức Nguyễn Sinh Khiêm) và Nguyễn Tất Thành. Nguyễn Sinh Khiêm ở Bình Khê với cha, còn Nguyễn Tất Thành được gửi ở nhà người bạn thân của cụ Huy là thầy giáo Phạm Ngọc Thọ ở Quy Nhơn để học thêm tiếng Pháp, ông này đang dạy tại trường Pháp- Việt Quy Nhơn. Thỉnh thoảng Nguyễn Tất Thành lên Bình Khê thăm cha, hoặc cụ Huy đến Quy Nhơn thăm con.
Từ năm 1892-1929, Huyện đường Bình Khê đóng tại thị tứ Đồng Phó. Đến năm 1929, huyện đường dời đến địa điểm Gò Sặt, thôn Trinh Tường, xã Bình Tường. Tại khu vực huyện đường cũ, thực dân Pháp sử dụng làm đồn lính khố xanh. Về sau, do những biến động lịch sử, các công trình kiến trúc của huyện đường cũ đã bị đập phá không còn nữa mà chỉ còn địa điểm di tích, sau này nơi đây được xây dựng làm trụ sở xã Bình Giang (sau này là UBND xã Tây Giang).
Xưa kia huyện đường nằm hướng mặt về phía Đông, trông ra dòng sông Côn. Công đường kiến trúc kiểu chữ “Môn”, dãy chính là nơi Tri huyện làm việc, hai bên là nơi làm việc của Lại mục, Thừa phái và Lệ mục. Phía sau công đường có nhà bông – nơi Tri huyện ăn ở, nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc - và nhà tạm giữ thường phạm ở huyện đường. Các dãy nhà công đường kiến trúc theo kiểu nhà 3 gian 2 chái, khung gỗ chắc chắn, vách tường bằng đất tô trát ngay thẳng, mái nhà lợp tranh săng, cửa gỗ đóng kiểu bàn pha. Nền nhà đắp cao, xung quanh kè đá. Lối vào huyện đường ở phía đông theo con đường từ bến đò lên, cổng ngõ làm bằng gỗ, hàng rào bao quanh bằng cây xanh. Từ cổng vào sân, hai bên có hai cây vông đồng tạo bóng mát. Ngoài ra, trong khuôn viên huyện đường còn có khu vực trồng cây cảnh, trồng rau để quan và lính lệ thưởng ngoạn, chăm sóc lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ phần kiến trúc cũ không còn dấu tích gì.
|
Cụ Nguyễn Duy Cự, sinh năm 1918, xác định vị trí nền Huyện đường Bình Khê xưa. Ảnh:Hữu Thọ (chụp lại từ ảnh tư liệu)
|
Di tích Huyện đường Bình Khê là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Huy đã từng ở và làm việc, Bác Hồ cũng đã từng đến đây lưu lại một thời gian. Đây có thể là nơi ba cha con cụ Phó bảng đã sống gần gũi với nhau những ngày đẹp đẽ cuối cùng và diễn ra cuộc chia tay lịch sử để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh gian khổ tìm đường cứu nước mà không bao giờ gặp lại người cha và người anh thân thiết của mình. Di tích đã được giới nghiên cứu trong nước đề cập đến trong nhiều tác phẩm. Qua các bài nghiên cứu và thông báo khoa học đã ghi nhận và phản ánh về sự kiện quan trọng trong bước đầu hình thành nhân sinh quan của một người thanh niên Việt Nam yêu nước, trên bước đường đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Di tích Huyện đường Bình Khê đã được UBND tỉnh Bình Định ra quyết định xếp hạng ngày 24.2.2000. Di tích cần được quy hoạch tôn tạo để trở thành một điểm trong hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm tự hào của nhân dân Tây Sơn nói riêng và người dân Bình Định nói chung.
Tuy nhiên, dấu tích Huyện đường Bình Khê còn lại không bằng các di tích khác có liên quan đến thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các tỉnh như Nghệ An, Huế, Bình Thuận, Đồng Tháp…, nhưng là những nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về Hồ Chủ tịch. Thời gian cụ Nguyễn Sinh Huy làm Tri huyện Bình Khê tuy ngắn ngủi, cũng như những ngày tháng Nguyễn Tất Thành lưu lại ở Bình Định không lâu, nhưng đó là một sự kiện lịch sử quan trọng đưa Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc trường chinh tìm đường cứu nước, cứu dân, suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do dân tộc và trở thành Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Điều này buộc chúng ta suy nghĩ cần tạo dựng hình thức lưu niệm như thế nào về Bác Hồ trên quê hương Bình Định.
Việc xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc ở di tích Huyện đường Bình Khê là việc làm cần thiết, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, thể hiện lòng tôn kính của nhân dân đối với Hồ Chủ tịch, một người thầy, một người cha vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Ngày 21.8.2006 UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản chỉ đạo Sở VH-TT (nay là Sở VH,TT& DL) lập dự án thiết kế xây dựng Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc ở di tích Huyện đường Bình Khê. Phương án quy hoạch kiến trúc di tích với tổng diện tích là 5.900m2, trên đó xây dựng bia (có mái che) ghi nội dung những sự kiện lịch sử; xây dựng Nhà lưu niệm có diện tích khoảng 40- 50m2 trưng bày một số hình ảnh và các vật dụng sưu tầm về cuộc sống của cụ Nguyễn Sinh Sắc, trong đó nhấn mạnh khoảng thời gian cụ sống và làm việc tại Huyện đường Bình Khê (phục chế hiện vật lịch sử để trưng bày)…
Ngày 2.10.2008 Sở VH,TT&DL đã tổ chức cuộc họp có lãnh đạo tỉnh, các ngành chức năng và lãnh đạo huyện Tây Sơn để duyệt thiết kế, quy hoạch chi tiết Di tích lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau cuộc họp, đơn vị tư vấn đã sửa chữa và hoàn thiện hồ sơ, tháng 6.2009 đã trình Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt và đầu tư kinh phí xây dựng. |
|