NHẠC SĨ VŨ TRUNG:
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”
10:14', 19/9/ 2009 (GMT+7)

Nhạc sĩ Vũ Trung

Nhạc sĩ Vũ Trung đang thực hiện một CD ca nhạc gồm các sáng tác của mình về 11 huyện, thành phố trong tỉnh. PV Báo Bình Định đã có cuộc trò chuyện với anh.

* Chào anh, ý tưởng về đĩa CD này từ khi nào vậy?

- Ý tưởng này tôi đã ấp ủ từ lâu và có nhiều động lực thôi thúc tôi thực hiện nó. Trước hết, đó là tình yêu quê hương. Tôi là người viết rất nhiều ca khúc về Bình Định. Còn nhớ, tác phẩm đầu tay tôi viết năm 1979 là bài “Hát về biển Quy Nhơn”. Vài năm sau đó, tôi viết bài “Non nước quê dừa” cho huyện Hoài Nhơn, “Hát từ quê hương Đào Tấn” cho huyện Tuy Phước”, “Mùa này trên Vĩnh Sơn” và “Mặt trời Vĩnh Sơn” cho huyện Vĩnh Thạnh. Sức sống và sự lan tỏa của những bài hát trên (có bài trở thành nhạc hiệu của địa phương) đã tạo cho tôi sự phấn khởi và ươm mầm cho ý tưởng tiếp tục sáng tác về các huyện khác.

Ngay cả những người xa quê nhưng nặng lòng với nơi “chôn nhau cắt rốn” cũng có nhu cầu này. Với họ, những bài hát về quê hương giúp vơi nỗi nhớ nhà, qua những hình ảnh gần gũi, thân thương như cây đa, hàng dừa, bến nước, lũy tre làng… Tôi cho rằng nhịp cầu âm nhạc giúp tạo ra sự kết nối rất lớn giữa những người đi xa với quê hương, xứ sở.

Ngày mùng 5 tháng Giêng năm ngoái, Hội đồng hương Bình Định tại TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức gặp mặt tại dinh Thống Nhất. Họ nhờ tôi dàn dựng một chương trình ca múa nhạc về Bình Định. Tôi đã chọn những gì thật đặc trưng của quê Võ, trong đó có một số ca khúc của mình. Khi ca sĩ biểu diễn, mọi người đều lặng yên lắng nghe. Cảm nhận được không khí đầy luyến thương, hiểu rõ sự thổn thức của người xa xứ với quê hương, tôi càng quyết tâm sớm hoàn thành CD này.

* Lâu nay, anh viết nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca. Còn lần này…?

- Sẽ vẫn vậy và tất nhiên cũng không thiếu tính hiện đại. Ở các huyện đồng bằng sẽ là dân ca Khu V, ở miền núi, tôi dựa vào nền nhạc dân ca đặc trưng của các dân tộc thiểu số. Thí dụ, ở Vĩnh Thạnh có dân tộc Bana, An Lão có H’rê, Vân Canh có Chăm và Bana. Tôi nghiên cứu tài liệu viết về âm nhạc truyền thống của các dân tộc, lên đến nơi tiếp xúc và yêu cầu họ đàn, hát cho mình nghe. Sau đó về chọn lọc những âm hình chuẩn làm chủ đạo, bám vào đó để sáng tác và phát triển, sẽ không làm mất đi cái chất đặc trưng của núi rừng.

* Viết ca khúc về địa phương thật ra khó chứ không dễ, các ca khúc viết về địa phương thành công cũng không nhiều, nay anh làm hẳn một CD như vậy liệu có dẫn đến hiện tượng trùng lặp không?

- Đúng là tìm nội dung để viết ca từ cho bài hát rất khó. Bởi vậy, trước khi viết về một vùng đất nào, tôi thường nghiên cứu rất kỹ về lịch sử, văn hóa, danh nhân, danh thắng, những câu ca dao, làn điệu dân ca, quá trình đấu tranh và xây dựng phát triển, để chọn ra những nét thật riêng. Chẳng hạn, nhắc đến An Nhơn là nhớ đến thành Đồ Bàn, bến My Lăng, bến xe ngựa, các làng mai. Hoài Nhơn có núi Bồng sông Lại, rừng dừa, là tuyến đầu của tỉnh về kháng chiến chống Mỹ. Phù Mỹ có đầm Châu Trúc. Hoài Ân có chàng Lía, căn cứ Truông Mây…

Khi viết, tôi luôn tìm tòi những cảm xúc mới, âm hình mới, giai điệu mới, để bài này khác với bài kia. Dẫu vậy, vẫn không thể tránh khỏi những nét lượn hơi na ná phảng phất trong bài. Nhưng tôi cho đó là chuyện bình thường, có thể chấp nhận được...

* Vậy khi nào nhạc sĩ sẽ hoàn thành CD và cho ra mắt công chúng?

- Hiện còn bài về huyện An Lão, tôi vẫn chưa tìm được tứ, có lẽ sẽ cố gắng trong tháng 10 hay tháng 11. Ca sĩ trình bày bài hát vẫn là những gương mặt quen thuộc như Quốc Cường, Công Cường, Nguyên Trường, Bích Hạnh, Kiều Lệ, H’Linh, Lê Tuyền… Hiện tại, dù chưa hoàn thành tròn 11 bài, nhưng đã có người thỉnh thoảng đến hỏi xin tôi 5, 7 bài để nghe trước. Có đôi lần, đi ngang qua một ngôi nhà, một quán cà phê, bất chợt nghe người ta hát nhạc của mình, tôi thấy lòng vui vui. Tôi sáng tác nhạc, làm đĩa chỉ để tặng bạn bè, để nhận lại những niềm vui nho nhỏ như vậy thôi.

* Xin cảm ơn anh.

  • Ngọc Tú (thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng  (01/09/2009)
Thơ  (01/09/2009)
Những gã thợ săn  (01/09/2009)
Bao giờ mới bén rễ?  (01/09/2009)
Những đột phá trong sự nghiệp trồng người  (01/09/2009)
Vẫn khó... nhiều bề  (01/09/2009)
Hai kẻ “bạn tù” và những vụ cướp lúc nửa đêm  (01/09/2009)