Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng
18:44', 2/9/ 2009 (GMT+7)

Giải thưởng âm nhạc không chỉ phản ánh năng lực mà còn là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của người nhạc sĩ đối với đời sống âm nhạc. Nếu nhìn vào các giải thưởng mà nhạc sĩ Bình Định đã đạt được, có thể thấy nhiều vấn đề của thực trạng âm nhạc tỉnh nhà.

 

Trại sáng tác Hội NSVN tại Bình Định là dịp hiếm hoi để các nhạc sĩ tỉnh nhà sáng tạo và giới thiệu các ca khúc có chất lượng cao.

 

* Nhiều giải thưởng của... ít nhạc sĩ

Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam (NSVN) tại Bình Định hiện tại có 12 hội viên, nhưng có đến 5  hội viên đã đạt được giải thưởng của Hội NSVN: nhạc sĩ Vũ Trung có thành tích cao nhất với 2 giải Nhì (không có giải Nhất), 1 giải Tư, 1 giải Khuyến khích. Nhạc sĩ Gia Thiện đạt giải Ba và giải Khuyến khích với các tác phẩm khí nhạc. Nhạc sĩ  Châu Đức Khánh đạt giải Tư; nhạc sĩ Khắc Hùng và nhạc sĩ Dương Viết Hòa cùng đạt được giải Khuyến khích. Ngoài việc có chất lượng nghệ thuật cao, một số tác phẩm đạt giải thưởng Hội NSVN của các nhạc sĩ Bình Định còn thể hiện được sự sáng tạo: ca khúc Sài Gòn nhớ Hà Nội (giải Nhì) của nhạc sĩ Vũ Trung là sự pha trộn giữa âm hưởng nhạc nhẹ và ca trù, ca khúc Nắng ấm quê hương (giải Khuyến khích) của nhạc sĩ Khắc Hùng là sự pha trộn chất dân ca và rock. Tác phẩm khí nhạc Bến nước sông Kôn (giải Ba) của nhạc sĩ Gia Thiện là sự kết hợp giữa chất liệu dân ca Nam Trung bộ và làn điệu nhạc tuồng. Đó là lý do giới chuyên môn đánh giá Bình Định là một trong những địa phương quy tụ được lực lượng nhạc sĩ có chất lượng cao trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên. 

Đối với những cuộc thi sáng tác ca khúc tầm quốc gia do Hội NSVN phối hợp với các bộ, ngành tổ chức trong nhiều năm gần đây, thì ngoài nhạc sĩ Vũ Trung đã đạt đến 14 giải thưởng, cũng chỉ có thêm nhạc sĩ Bạch Mai nhận giải thưởng ca khúc về thanh niên và nhạc sĩ Thế Tuyên đạt giải thưởng về chủ đề hiến máu nhân đạo. Điều này khẳng định phần đông các nhạc sĩ Bình Định còn “ngại” tham gia, hoặc có tham gia nhưng còn yếu trong khả năng sáng tạo các ca khúc gắn liền với các chủ đề riêng. Nhạc sĩ Vũ Trung tâm sự: “Mỗi khi tham gia sáng tác ca khúc về chủ đề gì, tôi phải suy nghĩ trăn trở nhiều để tìm cách thể hiện hay về mặt nội dung, có đóng góp về mặt nghệ thuật. Qua đó, giúp tôi thường xuyên trau dồi và nâng cao về mặt chuyên môn, cũng như rèn luyện khả năng sáng tác ca khúc đa dạng…”.

Tính đến nay, cũng chỉ mới có 6 nhạc sĩ Bình Định đạt được giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu: nhạc sĩ Vũ Trung 2 lần đạt giải A, nhạc sĩ Châu Đức Khánh có 2 lần đạt giải B, nhạc sĩ Thế Tuyên một lần đạt giải B, nhạc sĩ Hữu Thuần 3 lần đạt giải Khuyến khích, nhạc sĩ Bạch Mai và nhạc sĩ Bùi Tuyên Đông cùng 1 lần đạt giải Khuyến khích. Đây là sự ghi nhận những đóng góp của các nhạc sĩ cho âm nhạc tỉnh nhà thông qua các tác phẩm băng đĩa nhạc, sách nhạc. Nhưng với số lượng hội viên của Chi hội Âm nhạc (Hội VHNT Bình Định) gần 50 người, thì số nhạc sĩ đạt giải thưởng Đào Tấn – Xuân Diệu qua 3 lần xét giải trong 15 năm liên tục (1990 – 2005) như vậy là chưa nhiều…

* Chưa phổ biến rộng rãi: “Tại anh, tại ả...” !

Các nhạc sĩ Bình Định có nhiều tác phẩm đạt giải, nhưng rất ít trong số đó được phổ biến rộng rãi đến với công chúng. Nhạc sĩ Vũ Trung, Chi hội trưởng Chi hội NSVN tại Bình Định, cho biết: “Có nhiều lý do khiến các ca khúc đạt giải thưởng Hội NSVN của các nhạc sĩ Bình Định chưa được phổ biến rộng rãi. Trước tiên là do Hội NSVN chưa có kế hoạch cụ thể, hiệu quả để quảng bá các tác phẩm đạt giải của hội viên. Tại địa phương, các chi hội âm nhạc cũng không xây dựng được các chương trình giới thiệu tác phẩm đạt giải, trong khi phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh lại ít quan tâm đến việc hỗ trợ giới thiệu tác phẩm của giới nhạc sĩ tỉnh nhà…”.

Sáng tác của nhạc sĩ Bình Định cần được Chi hội Âm nhạc, các đơn vị hoạt động VHNT, Đài Phát thanh – Truyền hình hỗ trợ phổ biến. Chẳng hạn như Chi hội Âm nhạc Bình Định có thể nghiên cứu đề nghị xây dựng chương trình phối hợp với Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, hoặc Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh để tổ chức các chương trình ca nhạc giới thiệu tác giả – tác phẩm mang tính định kỳ… Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng chính các tác giả Bình Định gần như cũng chưa tích cực giới thiệu tác phẩm của mình với công chúng.

  • Hoài Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (02/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng  (01/09/2009)
Thơ  (01/09/2009)
Những gã thợ săn  (01/09/2009)
Bao giờ mới bén rễ?  (01/09/2009)
Những đột phá trong sự nghiệp trồng người  (01/09/2009)
Vẫn khó... nhiều bề  (01/09/2009)