Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật” từ năm 1965, lúc bấy giờ, đất nước ta đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, khốc liệt và sức khỏe của Người đã yếu. Bác viết và sửa chữa bản Di chúc khoảng 9-10 giờ sáng các ngày từ 10 đến 19.5 các năm 1965, 1966, 1967, 1968, 1969.
|
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Tự bút của Người). Ảnh tư liệu
|
* Tài liệu công phu
Từ ngày 10 đến ngày 14.5.1965, mỗi ngày Người dành từ một đến hai giờ để viết và đã hoàn thành bản thảo Di chúc đầu tiên gồm 3 trang, do chính Người tự đánh máy, ở cuối đề ngày 15.5.1965. Bác viết “…Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn mạnh khỏe. Tuy vậy, tôi cũng đã là lớp người “xưa nay hiếm”. Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa? Vì vậy, tôi để lại mấy lời này, chỉ nói tóm tắt vài việc thôi. Phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột”. Trong Di chúc, Bác nhấn mạnh: Trước hết nói về Đảng, về phong trào cộng sản thế giới, về việc riêng và những dặn dò ngắn gọn nhưng sâu sắc. Cụ thể từ ngày 10.5, từ 9 giờ đến 10 giờ sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thảo tài liệu “Tuyệt đối bí mật”- Di chúc - đến ngày 14.5 (mỗi ngày vài giờ) thì xong.
Năm 1966, cũng vào những ngày tháng 5, Bác đọc lại Di chúc và suy nghĩ rất nhiều nhưng không viết gì thêm. Năm 1967, ngày 14.4, Bác đi Quảng Châu (Trung Quốc) cho đến ngày 30.6 mới trở về Hà Nội.
Từ ngày 1 đến 19.5.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lại và viết lại “Tuyệt đối bí mật” - Di chúc. Người đã căn dặn thêm nhiều điểm cụ thể về công tác Đảng, về việc chăm lo đời sống nhân dân, hạnh phúc con người, về những điều mà Người luôn đau đáu.
Năm 1969, từ ngày 10 đến 19.5, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sửa chữa bản Di chúc, xem lại tài liệu lần cuối và xếp vào phong bì cất đi.
Sau khi Người mất, Bản Di chúc được công bố đã gây xúc động lớn và sự cảm phục, không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà với tất cả các dân tộc đang đấu tranh cho hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội trên khắp các lục địa.
* Văn kiện lịch sử vô giá
Toàn bộ Di chúc toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng luôn luôn vững tin vào tương lai tất thắng của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế đất nước sau chiến tranh… Trong Di chúc, Người nhấn mạnh đến các yếu tố chính trị tinh thần đã góp phần mang lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam: sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, việc thực hành dân chủ, tự phê bình và phê bình, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau… Đặc biệt, Người nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, vì “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Di chúc đã phản ánh tâm hồn và đạo đức vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ của một con người vĩ đại suốt đời “hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Mỗi câu, mỗi chữ của Di chúc dồn nén bao cảm xúc, chứa chan tình yêu và sự gắn bó sâu xa với con người, thiên nhiên và cuộc đời. “Muôn vàn tình thân yêu” của Người trùm lên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, đồng chí, bầu bạn, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng Việt Nam và quốc tế.
Di chúc mãi mãi là một áng văn tuyệt tác, là những lời căn dặn thiết tha, là ánh sáng chỉ đường, là sức mạnh thôi thúc hành động, chẳng những đối với nhân dân ta mà còn đối với tất cả những ai đang đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người.
|