KỶ NIỆM 64 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM VÀ QUỐC KHÁNH 2.9
Người kể chuyện truyền thống
15:20', 3/9/ 2009 (GMT+7)

Người kể chuyện truyền thống, họ như một người nhắc sử…

Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, việc tìm kiếm, thu thập các tư liệu, kiến thức về lịch sử là không khó. Tuy nhiên, những câu chuyện lịch sử do các CCB kể bao giờ cũng hấp dẫn người nghe. Bởi họ giữ “sứ mệnh” của người nhắc sử, lịch sử mà chính họ cũng là nhân chứng.

 

Thượng tá Ngô Thành Hơn (Chủ tịch Hội CCB TP Quy Nhơn) chuẩn bị đề cương cho một buổi nói chuyện truyền thống. Ảnh: N.S

 

Với Đại tá Nguyễn Trọng Lư, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh, niềm vui và tự hào của ông là đã đi hầu  hết các xã, phường trong tỉnh để nói chuyện truyền thống. Những xã miền núi heo hút, khó khăn như Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh), Canh Liên (Vân Canh), An Dũng, An Vinh (An Lão), Bok Tới (Hoài Ân)… đều in dấu bước chân ông. Ông đã từng có những buổi nói chuyện liên tục 3 giờ đồng hồ không mệt mỏi, những buổi nói chuyện mà người dự khán ngồi chật cả hội trường UBND xã… Điều đó đã thôi thúc ông vẫn tiếp tục nhận lời đến với những buổi nói chuyện truyền thống, dù năm nay ông đã gần 75 tuổi.  

Ngoài Đại tá Nguyễn Trọng Lư, còn nhiều CCB có kinh nghiệm khác cũng thường được các cơ quan, Hội CCB, trường học… mời nói chuyện truyền thống như: Đại tá Trần Thanh Lịch (Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh), Thượng tá Nguyễn Xuân Thưởng, Thượng tá Võ Văn Don (cán bộ Hội CCB tỉnh), Thượng tá Ngô Thành Hơn (Chủ tịch Hội CCB TP Quy Nhơn)…

Những CCB thường được mời nói chuyện truyền thống cho biết, để làm tốt công việc này, họ đều phải soạn đề cương các bài nói và gần như thuộc lòng đề cương. Mỗi dịp lễ hay ngày kỷ niệm lại có một đề cương riêng và đều có một câu chuyện, sự kiện “đinh”. Như kể chuyện truyền thống nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4 thì nhất định phải kể về chiến dịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trận đánh Buôn Mê Thuột. Kỷ niệm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7.5 thì kể chuyện ta đánh đồi A1. Kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 thì không thể không nói về nghệ thuật nắm thời cơ và chớp thời cơ của Đảng ta, tầm nhìn chiến lược của Hồ Chủ tịch khi quyết định thời điểm tổng khởi nghĩa, sự đổi đời từ một đất nước nô lệ thành nước Việt Nam độc lập. Còn kỷ niệm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22.12 thì phải kể tại sao Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, kể những câu chuyện về các tấm gương chiến sĩ, những trận đánh điển hình, những gian khổ mà chiến sĩ ta đã trải qua… Để có được các tư liệu lịch sử này, các CCB phải sưu tầm từ các tài liệu lịch sử lực lượng vũ trang, từ các phương tiện truyền thông đại chúng và cả kinh nghiệm chiến đấu của bản thân.

Thượng tá Ngô Thành Hơn tâm sự: “Kinh nghiệm của tôi là phải nói đúng và trúng. Đúng là đúng lịch sử, đúng chủ trương đường lối và đúng yêu cầu; còn trúng là phải phù hợp với từng đối tượng mà mình đang nói, như CCB, học sinh, cán bộ, chiến sĩ… Thứ hai, phải tâm huyết với công việc này. Và thứ ba là phải tôn trọng người nghe, bằng cách chuẩn bị tài liệu kỹ với việc sưu tầm tư liệu, soạn đề cương kỹ càng, phải nhập tâm lúc kể. Kể một câu chuyện lịch sử cũng như trình bày một bài hát, lúc bổng lúc trầm, khi cao trào, có nhấn, có kết… Người trình bày còn phải biết nói bằng ngôn ngữ và cả phi ngôn ngữ, tức bằng ánh mắt, nụ cười, cử chỉ”… 

Còn Đại tá Nguyễn Trọng Lư thì chia sẻ: “Tùy vào đối tượng người nghe mà tôi nói những nội dung phù hợp. Nếu là học sinh, đoàn viên thanh niên thì kể những mẩu chuyện; nếu là cán bộ, đảng viên thì nói về lịch sử và phân tích lịch sử; là đồng bào dân tộc thiểu số thì giải thích rõ ràng, nôm na các khái niệm và câu chuyện phải có chi tiết gắn với địa phương của họ”. Ngoài việc chuẩn bị và thuộc đề cương thì Đại tá Nguyễn Trọng Lư còn đặt ra cho mình nguyên tắc: cái gì biết chính xác mới nói, cái gì biết không rõ thì không nói. Khi có chi tiết căng thẳng, gây xúc động thì sau đó phải tìm chuyện gì vui, nhẹ nhàng kể để làm dịu bớt không khí. Và không pha trò bằng những câu chuyện cười thiếu nghiêm túc.

Không chỉ đơn thuần kể chuyện truyền thống, thông qua những câu chuyện này, những người kể chuyện còn khơi dậy lòng tự hào dân tộc và vận động, kêu gọi người nghe, đặc biệt là đối tượng học sinh, người dân lao động, đồng bào dân tộc thiểu số rằng, dù đời sống hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn nhưng trách nhiệm của chúng ta là kế tục sự nghiệp của những người đi trước để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Di chúc của Chủ tịch Hồ chí Minh - Hiện thân một nhân cách  (03/09/2009)
Âm nhạc Bình Định nhìn từ những giải thưởng  (02/09/2009)
“Nhận lại những niềm vui nho nhỏ”  (02/09/2009)
Xây dựng- tôn tạo Khu lưu niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê  (02/09/2009)
Hoạt động nghề cá với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu  (02/09/2009)
Đã đến lúc Quy Nhơn thay cho mình một “chiếc áo đẹp”  (02/09/2009)
Đổi thay ở một xã vùng cao  (02/09/2009)
Trăn trở với Huỳnh Giản Nam  (02/09/2009)
“Tôi/em/con”…  (02/09/2009)
Đổ vỡ niềm tin  (02/09/2009)
Khi phụ nữ “hồi xuân”  (02/09/2009)
Nơi gặp gỡ của những tấm lòng  (01/09/2009)
Thơ  (01/09/2009)
Những gã thợ săn  (01/09/2009)
Bao giờ mới bén rễ?  (01/09/2009)