Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài
15:31', 3/1/ 2010 (GMT+7)

Nhà tù Phú Tài là một trại giam lớn của Mỹ - ngụy xây dựng và sử dụng từ năm 1967 đến năm 1972. Nơi đây, bọn địch đã giam giữ, tra tấn các nữ chiến sĩ cách mạng của toàn miền Nam, có khi lên đến hàng ngàn người. Sau cuộc tiến công và nổi dậy Xuân-Hè 1972, bọn địch đã chuyển nhà tù này vào tỉnh Cần Thơ, nơi đây trở thành căn cứ quân sự của chúng. Di tích Nhà tù Phú Tài đã được UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định công nhận vào ngày 25.3.2002. Di tích nằm ở địa phận phường Bùi Thị Xuân - thành phố Quy Nhơn.

 

Cổng và đường vào khu Nhà tù Phú Tài.

 

* Lịch sử một nhà tù

Sau thất bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, đứng trước nguy cơ sụp đổ của ngụy quyền ở miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải bị động chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” hòng đánh nhanh bằng sức mạnh của quân đội viễn chinh và vũ khí hiện đại. Với vị trí chiến lược quan trọng, Bình Định trở thành một địa bàn trọng điểm để Mỹ triển khai chiến lược chiến tranh này. Chúng liên tục mở những cuộc hành quân lớn nhằm “tìm diệt” quân chủ lực của ta và đánh phá các căn cứ kháng chiến; đồng thời, chúng ra sức “bình định nông thôn” để quét sạch các cơ sở cách mạng. Chúng tung quân mở những cuộc hành quân lớn về các vùng nông thôn, lấn chiếm các vùng giải phóng, càn quét bắn giết, gây ra những cuộc tàn sát đẫm máu mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Nhiều cán bộ cách mạng và đồng bào bị chúng tình nghi có tham gia hoạt động cách mạng đều bị chúng bắt. Song song với những cuộc càn quét lớn của địch, một hệ thống nhà tù được hình thành trước đây, nay lại tiếp tục được xây dựng thêm và mở rộng trên khắp miền Nam - Nhà tù Phú Tài ra đời trong hoàn cảnh đó.

Nhà tù Phú Tài được xây dựng vào khoảng tháng 5.1967, là một bộ phận nằm trong khu căn cứ quân sự của địch, bao quanh bởi những hàng rào đơn vị lính ngụy đóng quân. Phía nam là trung tâm huấn luyện thuộc sư đoàn 22 bộ binh. Ngoài ra còn có những trại lính Mỹ và Nam Triều Tiên đóng gần đó. Nhà tù trực thuộc bộ quốc phòng ngụy, do 1 tiểu đoàn quân cảnh thuộc quân đoàn 2 trấn giữ. Chúng bố trí canh phòng rất cẩn mật, xung quanh dày đặc những hàng rào thép gai, 4 góc là 4 bót gác ngày đêm có lính canh phòng. Khu vực nhà tù nằm cách xa khu dân cư, biệt lập để chúng dễ kiểm soát. Khi mới xây dựng, nhà tù chỉ là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng của Bình Định, đến tháng 4.1968 chúng đưa tất cả tù binh nữ từ các nhà lao Pleiku, Biên Hòa, Cần Thơ, Đà Nẵng và cả miền Nam về đây giam giữ.

Lúc đầu khi mới lập, chúng chia nhà tù làm 3 trại : A, B, C, giam giữ tù nhân nam ở trại C, nữ ở 2 trại A và B. Sau cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta vào Tết Mậu Thân, địch tức tối, tăng cường đàn áp, khủng bố càn quét, bắn giết ở các vùng nông thôn, vùng giải phóng. Rất nhiều chị em bị bắt trong thời gian này và bị đưa về đây giam giữ. Con số tù nhân lên đến cả ngàn người. Sau ngày 2.9.1968 địch chuyển tất cả tù nhân nam ra sân banh ở phía tây trại, lúc này chúng chia nhà tù thành 4 trại : Trại 1 ( gồm 6 phòng), Trại 2 (12 phòng), Trại 3 : trại giam tù nhân nam tạm thời, khi có đông người chúng sẽ chuyển họ đi Côn Đảo. Trại 4: khu biệt giam, dành cho những người chúng gọi là “phạm nội quy”.

Mỗi phòng có diện tích khoảng 120m2, chúng giam 70-80 người, có khi lên đến 100- 150 người. Chế độ nhà tù rất khắc nghiệt, tù nhân ăn uống thiếu thốn, không đủ nước sinh hoạt, không được cấp phát quần áo; việc sinh hoạt của chị em nữ gặp rất nhiều khó khăn. Với âm mưu hủy hoại thân xác của chị em, nhằm tiêu diệt tinh thần, làm tê liệt ý chí đấu tranh của họ, bọn địch dùng đủ hình thức tra tấn vô cùng độc địa. Có những chị em chúng trói chặt tay chân, đổ nước ớt, nước xà phòng vào mũi, miệng, rồi dậm chân lên bụng, lên ngực cho nước và máu trào ra, đến khi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy chúng tiếp tục tra tấn nữa. Chúng còn xách hai chân chị em lên cao rồi nhúng đầu vào thùng nước thuốc DDT, làm nhiều chị em tuột da mặt, rụng tóc, mờ mắt, đau đầu. Chúng dùng xích sắt, roi điện đánh vào người, vào miệng, vào răng làm méo miệng, gãy răng. Tàn ác hơn, chúng đóng đinh vào đầu cây rồi đánh phập vào đầu, vào khắp thân thể chị em, làm nát cả thân người và nhiễm trùng. Chúng còn dùng lửa châm đốt hai bàn tay, hai bàn chân và khắp người, hoặc nhét đất cát vào mũi, miệng, tai, lấy que thọc vào làm nhiều chị điếc tai, đau đầu, co giật… Rất nhiều người bị thương tật, chết đi sống lại nhiều lần, có người bị đánh đến chết. Bọn chúng còn dựng lên một dãy cũi sắt, chuồng cọp để nhốt những chị em mà chúng cho là “phạm nội quy”, đem phơi nắng giữa trưa mà không thể nào ngồi thẳng được, cũng không cựa quậy được.

Thế nhưng, dù cho địch có tàn ác hiểm độc đến đâu đi nữa cũng không thể làm lung lạc tinh thần bất khuất của chị em. Họ vẫn đứng vững trong ngục tù, biến nhà tù thành trường học, thành trận địa đấu tranh mới, đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù. Trong nhà tù, chị em đã thành lập tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên thống nhất toàn trại để lãnh đạo phong trào đấu tranh, hoạt động theo nguyên tắc bí mật. Đảng ủy tổ chức chi bộ theo từng địa phương, địa phương nào không đủ số lượng đảng viên thì lập chi bộ ghép. Mỗi chi bộ 15-17 đảng viên, bầu ra một chi ủy để lãnh đạo chi bộ. Mỗi chi bộ tổ chức một đội bảo vệ để làm nhiệm vụ cảnh giới và bảo vệ chị em trong các cuộc đấu tranh. Bên cạnh đó, Đảng ủy còn tổ chức một Ban lãnh đạo đấu tranh; thành lập 3 đội Quyết tử trong nhà tù, mỗi đội có từ 20-30 thành viên. Mỗi chị em khi gia nhập đội Quyết tử đều chích máu ăn thề vào tấm vải trắng (cắt từ chân mùng). Đội Quyết tử làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trong trại, nhất là trong những đợt lễ, Tết, cảnh giới cho chị em học văn hóa; chống lại bọn ác ôn, chiêu hồi, chỉ điểm, chống lại sự đàn áp của địch và chuẩn bị sẵn sàng chờ cơ hội tiếp ứng với bên ngoài nếu quân ta đánh vào trại.

Cuối năm 1968, lực lượng vũ trang ta giành được những thắng lợi giòn giã trên khắp chiến trường miền Nam. Hòa cùng khí thế đó, phong trào đấu tranh của chị em nhà tù Phú Tài cũng diễn ra mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Từ năm 1968 đến 1972 đã có gần 20 cuộc đấu tranh lớn nhỏ của chị em chống sự đàn áp đánh đập, bắn giết tù nhân và đòi dân sinh, dân chủ, dưới nhiều hình thức: đấu tranh trực diện với kẻ thù, hô la, tuyệt thực, chống chào cờ ba que, tố cáo, tố khổ…Hầu hết mọi chủ trương yêu cầu của địch nêu ra bắt chị em thực hiện, đều gặp sự chống đối quyết liệt. Hoạt động văn hóa - văn nghệ cũng là một hình thức đấu tranh của chị em trong nhà tù. Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng chị em đã biến nhà tù thành trường học, tổ chức học tập văn hóa, học thêu, đan, may vá, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ nhân các ngày lễ lớn của dân tộc. Hầu hết chị em khi vào tù đều mù chữ, Đảng ủy tổ chức dạy học văn hóa trong nhà tù, những chị có học vấn cao chịu trách nhiệm soạn bài, lên chương trình học tập cho các lớp từ 1-5. Lồng vào chương trình dạy học những bài thơ, ca dao ca ngợi tinh thần đoàn kết dân tộc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, những câu chuyện lịch sử, những gương hy sinh anh dũng để củng cố tinh thần đấu tranh của chị em…

Đến năm 1972 cùng với những thắng lợi giòn giã trên chiến trường cả nước, quân và dân Bình Định cũng góp phần làm cho địch điêu đứng, quân ta giải phóng và làm chủ một địa bàn rộng lớn. Đối với địch, Quy Nhơn cũng không còn là nơi an toàn nữa, ngày 17.5.1972 chúng chuyển tất cả tù nhân của nhà tù Phú Tài vào Cần Thơ.

 

Bể nước dùng cho toàn khu trại lính và Nhà tù Phú Tài.

 

* Kế hoạch xây dựng, tôn tạo di tích

Đã gần 35 năm trôi qua, toàn bộ khu di tích Nhà tù Phú Tài nay chỉ là một khoảnh đất trống, không để lại một dấu tích thể khối nào về một nhà tù. Tại nhà lao xưa- nơi ghi dấu những đòn tra khảo tàn ác khét tiếng của Mỹ - ngụy đối với chị em phụ nữ miền Nam, một di tích lịch sử gắn liền với chiến tranh trường kỳ và anh dũng của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Hiện nay, những dấu tích nền các dãy nhà giam vẫn còn nhận ra được, các con đường đi từ giữa các dãy vẫn còn. Ngoài ra, hiện nay trong các bảo tàng và trong một số chị em từng bị giam tại nhà lao Phú Tài vẫn còn lưu giữ rất nhiều những hình ảnh và những kỷ vật liên quan đến nhà tù này.

Di tích Nhà tù Phú Tài đã được lập hồ sơ khoa học, khoanh vùng bảo vệ, xây dựng bia bản và đặt dưới sự bảo vệ của pháp luật. Nhằm phát huy truyền thống đấu tranh vì độc lập dân tộc cho thế hệ tương lai và tôn vinh, tưởng nhớ các nữ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, ngày 25.11.2009 vừa qua, UBND tỉnh đã phê duyệt Báo cáo kinh tế-kỹ thuật công trình xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài, bao gồm 2 hạng mục chính là xây tượng đài và xây dựng cơ sở hạ tầng. Phần tượng đài sẽ là nhóm tượng 3 nhân vật nữ (hiện nay đang tổ chức cuộc thi phác thảo) cao 6m, chất liệu đá granít; Bệ tượng: cao 4m, kết cấu bằng bêtông cốt thép, bên ngoài ốp đá granít. Phần hạ tầng kỹ thuật công trình sẽ thực hiện các công đoạn sau: San nền mặt bằng với tổng diện tích 6.268m2; Hệ thống sân vườn và giao thông nội bộ: xây dựng hệ thống đường nội bộ theo quy hoạch đã phê duyệt. Kết cấu lát tấm đan bêtông kích thước 60cmx60cmx6cm, kết hợp xây đá chẻ và tại một số điểm nhấn được ốp, lát đá granít; Hệ thống cấp nước, cấp điện, bố trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí và đường ống cấp nước trong mặt bằng công trình; Hệ thống thoát nước; Trồng cây xanh và gia cố bảo vệ mái taluy xung quanh công trình. Tổng mức vốn đầu tư dự án khoảng trên 6 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2009-2011.

Việc xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài có một ý nghĩa thực tiễn trong công tác giáo dục cho thế hệ tương lai về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

  • Tiến Vân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)
Trống đồng Bình Định với mùa xuân văn hóa Việt Nam  (31/12/2009)
Hướng tới nhu cầu đa dạng của người dân  (31/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/12/2009)
Sau tiếng “Cha” là tiếng “Thầy”  (04/12/2009)
Nhớ về một người thầy  (04/12/2009)
Tình người trong lũ  (04/12/2009)
Rách lành đùm bọc  (04/12/2009)
Cày đồng  (04/12/2009)
An Nhơn - Đất trăm nghề  (04/12/2009)
Làm nghề truyền thống - sống được  (05/12/2009)
Mái ấm cho những mảnh đời bất hạnh  (04/12/2009)
Một kiểu tàn phá rừng tận gốc  (04/12/2009)
Đái tháo đường - ngày càng khó kiểm soát  (04/12/2009)
Sự sống diệu kỳ  (05/12/2009)