Thành lập từ năm 2002, thị trấn Vân Canh được xác định là trung tâm chính trị - kinh tế - xã hội của huyện Vân Canh. Song, từ thực tiễn cho thấy, quá trình phát triển của thị trấn này đã và đang gặp nhiều khó khăn…
Thị trấn Vân Canh hiện có 11 thôn, làng; 1.496 hộ với 5.665 nhân khẩu (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 37%). Thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2008 là 5,2 triệu đồng/người/năm). Ông Phạm Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh, cho biết: “Ngoài một số hộ người Kinh sống gần trung tâm thị trấn có mức sống khá cao, còn lại đa phần là hộ nghèo. Hiện tại, toàn thị trấn có 382 hộ nghèo, tập trung chủ yếu ở các làng Hiệp Hà, Suối Mây, Canh Tân…”. Có nhiều nguyên nhân làm cho cái nghèo còn “đeo bám” người dân thị trấn Vân Canh, cản trở quá trình phát triển của thị trấn này.
Trước hết, “xuất phát điểm” của thị trấn Vân Canh quá thấp. Thị trấn được thành lập trên cơ sở sáp nhập một phần đất đai và dân cư của hai xã Canh Hiệp và Canh Thuận, vốn là hai xã nghèo, khó khăn tại thời điểm sáp nhập. Sau khi thành lập, thị trấn Vân Canh được đầu tư cơ sở hạ tầng. Song, đến năm 2006, theo chủ trương chung, vốn đầu tư cho phát triển thị trấn miền núi bị cắt. Từ đó, các công trình, dự án đầu tư luôn trong tình trạng thiếu vốn.
Hơn nữa, cơ cấu kinh tế của thị trấn Vân Canh còn phụ thuộc quá lớn vào nông nghiệp. Cụm công nghiệp thị trấn Vân Canh tuy đã hoàn thành giai đoạn xây dựng mặt bằng, song vẫn chưa có doanh nghiệp nào đầu tư xây dựng nhà xưởng, triển khai sản xuất. Hồ Suối Một được đánh giá có cảnh quan đẹp, nhưng hiện vẫn chỉ là một địa điểm để nghỉ ngơi, vui chơi dịp cuối tuần, chưa được đầu tư thích đáng để trở thành một khu du lịch đúng nghĩa.
Ngoài một số ít hộ dân kinh doanh buôn bán dọc tỉnh lộ ĐT 638, đa phần người dân thị trấn sống bằng trồng trọt và chăn nuôi. Anh Nguyễn Xuân Hòa, cán bộ Văn phòng UBND thị trấn Vân Canh, cho biết: “Số ít người Kinh tổ chức buôn bán, còn người dân tộc thiểu số chủ yếu chỉ làm rẫy, trồng mì, trồng chuối. Đập Suối Đuốc mới hoàn thành chỉ đáp ứng nhu cầu nước tưới cho 1 thôn, 2 làng, nên trồng trọt chủ yếu trông vào nguồn nước trời, giá cả nông sản lại không ổn định. Chỉ có những hộ dân chịu khó làm rẫy trồng keo mới thoát nghèo được”.
Theo ông Thông, có một nguyên nhân mang tính chủ quan là tâm lý ỷ lại của một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư cho các khu vực miền núi như Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a…, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của người dân tộc thiểu số. Song, được quan tâm hỗ trợ nhiều đã làm nảy sinh tính ỷ lại, không chăm chỉ làm ăn mà trông chờ vào sự trợ giúp của xã hội. Hộ ông Đoàn Văn Q. ở làng Hiệp Hà, có 6 nhân khẩu. Con cái nghỉ học sớm, nhà có nhiều lao động nhưng vẫn nghèo túng. Ông Q. nói: “Trồng trọt, chăn nuôi đều khó khăn hết, cái nhà xây cũng nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước. Mình chờ Nhà nước cho con trâu, con bò nuôi kiếm cái ăn…”.
Để phát triển kinh tế, ổn định đời sống xã hội, về lâu dài, thị trấn Vân Canh phải có một hướng đi đúng đắn. “Tuy trước mắt còn gặp nhiều khó khăn, nhưng cán bộ và nhân dân thị trấn sẽ cố gắng nỗ lực đưa thị trấn ngày một đi lên. Phát triển công nghiệp - dịch vụ, nâng cao năng suất, sản lượng nông nghiệp sẽ là hướng đi ưu tiên…”- ông Phạm Văn Thông khẳngđịnh.
|