Đi trong tình người
14:51', 5/1/ 2010 (GMT+7)

Cùng với Câu lạc bộ Nhà báo nữ tỉnh đi cứu trợ đồng bào bị mất mát, thương đau sau cơn bão lũ số 11 vừa qua, bên cạnh những cảnh tượng đổ nát, hoang tàn, những mảnh đời khốn khó, chúng tôi còn cảm nhận được ánh sáng lấp lánh của tình người, mà chỉ trong hoạn nạn mới lộ ra thật rõ, đậm đà và ấm áp…

 

Thanh niên thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển (Vân Canh) ngụp lặn trong nước sông Hà Thanh chảy xiết để tìm xác anh Thừa.

 

* Có sức mà không giúp, sao đặng!

Đã là ngày thứ tư sau khi Trần Văn Thừa, 24 tuổi, ở thôn Chánh Hiển, xã Canh Hiển (Vân Canh) bị dòng nước lũ nhấn chìm. Hơn 40 thanh niên, trung niên trong thôn vẫn ngày hai lần, từ sáng đến trưa, từ chiều đến tối, thay nhau ngụp lặn trong nước sông Hà Thanh chảy xiết để tìm xác người xấu số. Trên bờ, cũng luôn có mặt vài chục phụ nữ, người già, trẻ em… Họ túc trực bên bàn thờ đặt tạm ở mé sông, dõi chờ, ngóng mong tin tức. Chị Huỳnh Thị Đức, Chi hội trưởng phụ nữ thôn, cũng luôn có mặt ở bến sông để động viên bà con và chăm lo cho gia đình người chòm xóm không may. Chị nói: “Người mất đã mất rồi, nhưng phải tìm được xác, không thì đau đớn lắm. Bởi vậy, bà con trong thôn không ngại khó, ngại khổ,  miễn sao giúp được ông bà Minh tìm được xác con…”.

Còn ông Trần Văn Minh, 73 tuổi, cha của Thừa nói trong nấc nghẹn: “Hôm đó, khoảng 9 giờ sáng ngày 3.11, Thừa và người cậu ruột, bơi qua đoạn sông Hà Thanh này để qua cù lao bên kia sông, nơi có bà cô ruột già yếu đang sống ở bên đó, xem nhà cửa thế nào, đoạn còn giúp cô. Không ngờ, nước sông chảy xiết quá… Tôi nhìn thấy đầu cháu cùng hai bàn tay chới với trên mặt nước rồi chìm dần mà đành bất lực, không thể làm được gì để cứu con…”.

Ông Minh có 9 người con; 8 anh, chị lớn đều đã có gia đình và ra ở riêng. Thừa là con út, chưa có vợ nên còn ở nhà chăm sóc cha mẹ. Ông Minh kể, Thừa hiền lành, tháo vát, luôn quan tâm, giúp đỡ bà con lối xóm nên ai cũng thương. Ở nhà làm nông được vài năm, anh đi học nghề. Tháng trước, Thừa đã tốt nghiệp lớp trung cấp điện. Nếu không có chuyện dữ xảy ra, thì, ngày 16 tháng này, Thừa sẽ đi làm…

 

Đoàn cứu trợ đem gạo và các nhu yếu phẩm đến cho bà con bị thiệt hại sau lũ ở xã Canh Vinh (Vân Canh).

 

Thương con đứt ruột, nhưng ông Minh không ngớt nói lời cảm ơn đối với bà con chòm xóm - những người đã 4 ngày qua, không cần tiền bạc, không đợi nhờ vả, cứ cùng nhau bơi xuống dòng nước giá lạnh, chảy xiết để tìm kiếm xác người xấu số. Gặp anh Tô Văn Luật, 40 tuổi, người vừa bước lên từ dòng nước lạnh ngắt, tôi chưa kịp hỏi, anh đã phân bua: “Chúng tôi đã ngụp lặn tìm trong các hốc cây, cành cây đổ dưới lòng sông, hy vọng xác mắc kẹt trong đấy, nhưng vẫn không tìm thấy. Tôi nghĩ, phải huy động các phương tiện cứu hộ cơ giới may ra mới có hy vọng…”.

Hỏi, sẽ rất nguy hiểm và dễ sơ sẩy trong lúc tham gia lặn tìm như thế này? Anh Luật đang mặc vội lại cái áo sơ mi cũ sờn, mỏng manh của mình cho bớt lạnh, nhoẻn cười: “Trong hoàn cảnh như vậy, mình có sức mà không giúp chòm xóm, sao đặng!”.

* Hành động “bình thường”…

Ngay trong ngày 7.11 (sau cơn lũ dữ 4 ngày) các nữ cán bộ, phóng viên, công nhân viên thuộc Câu lạc bộ Nhà báo nữ tỉnh gồm trên chục chị đã phối hợp với các nhà doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mua bán, bạn đọc hảo tâm tổ chức đi cứu trợ nhân dân các vùng bị thiệt hại nặng sau bão lũ. Mặc dù công việc ở cơ quan trong những ngày này hết sức bận rộn, nhưng chị nào cũng rất hồ hởi với chuyến đi. Trước đó, chúng tôi cũng đã tổ chức vận động các anh, chị, em trong cơ quan quyên góp tiền, quà… để hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh ngặt nghèo sau lũ (được khoảng 8 triệu đồng và rất nhiều quần, áo cũ). Bên cạnh đó, là sự góp mặt của các “Mạnh Thường Quân”, như các công ty: Đá Minh Hoàng (5 tấn gạo), Vĩnh Ái (100 lít dầu ăn), CLB Nữ doanh nhân TP Quy Nhơn (150 lít dầu ăn), Thủy Tài (1.000 lít nước mắm), cơ sở hải sản khô Phụng Nga (100 phần quà gồm cá, ruốc khô, trị giá 50.000 đồng/phần), bà Võ Thị Có ở 304 Nguyễn Thái Học (1 triệu đồng)… Tất cả số hàng, quà đã được Đoàn cứu trợ gởi tặng cho người dân bị thiệt hại nặng sau bão lũ ở xã Phước An - huyện Tuy Phước (200 suất), Canh Vinh, Canh Hiển của huyện Vân Canh (300 suất) và 11 suất cho các hộ dân có nhà sập, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở phường Nhơn Phú (Quy Nhơn).

Ngoài ra, Công ty TNHH Nội thất Đài Loan đã trao tặng cho 18 hộ dân có người thân bị chết trong lũ, mỗi hộ 500 ngàn đồng; CLB Nhà báo nữ và các doanh nghiệp cũng đã đến thăm và tặng quà cho gia đình các anh Bùi Khương Vương Võ, 23 tuổi (Nhơn Phú) và Trần Văn Thừa, 24 tuổi (Canh Hiển) - người đã được nhắc đến trong phần đầu bài viết- đã bị chết trong đợt lũ vừa qua.

 

Các nữ phóng viên giao tận tay những phần quà cho các gia đình bị thiệt hại ở thôn Ngọc Thạnh 1 thuộc xã Phước An (Tuy Phước).

 

Có thể nói, chuyến đi cứu trợ đã để lại trong lòng chị em làm báo chúng tôi những ấn tượng thật sâu sắc về tình người, lòng nhân ái bao dung giữa người và người trong hoạn nạn. Ở đây, những khái niệm đã đi vào thành ngữ và trở thành nét truyền thống trong cách sống của người Việt như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”… đã được minh chứng bằng một thực tế hết sức cảm động. Chúng tôi đã không sao quên được câu chuyện của bà Hồ Thị Lan, 52 tuổi, mẹ của người con xấu số Bùi Khương Vương Võ (Nhơn Phú, Quy Nhơn). Bà Lan cứ luôn miệng nhắc: “Nếu không có cháu Hải (Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi, ở tổ 3 , KV8, phường Nhơn Phú) thì cả 2 đứa con của tui đâu còn. Gia đình tui biết ơn anh Hải lắm!”. 3 giờ sáng ngày 3.11, hai đứa con trai của bà Lan là Vương Võ và Vương Văn trong lúc lùa bò lên quốc lộ tránh lũ thì bị nước cuốn trôi. Anh Hải đã bất chấp dòng lũ xiết lao ra cứu người. Đưa được Văn vào bờ, Hải tiếp tục lao ra cứu Võ, nhưng đã không kịp nữa…

Tại thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An (Tuy Phước), chúng tôi gặp chị hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Cúc (Quy Nhơn). Chị kể rằng, mẹ chị- bà Trần Thị Dưỡng, 70 tuổi- sống một mình tại thôn này. Chị đã rất nhiều lần đề nghị mẹ vào Quy Nhơn sống chung với gia đình mình, nhưng bà không chịu. Cứ muốn ở lại nơi chôn rau cắt rốn. Cơn lũ dữ vừa qua, một mình bà cụ trở nên quá mong manh trước thảm họa. May mà, có Nguyễn Ngọc Thọ, 17 tuổi, một thanh niên làm công nhân gỗ ở cùng thôn. Trong tình thế nguy cấp, nước dâng lên ngập đến nửa chiều cao căn nhà, Thọ đã nhớ tới bà cụ hàng xóm cô đơn nên bơi sang, cứ một tay bơi, một tay cắp hông bà cụ, đưa ra khỏi nơi nguy hiểm. Về quê, nghe chuyện, chị hiệu trưởng đã khóc vì cảm động và đề nghị được tặng Thọ một món quà. Nhưng anh nhất quyết không nhận với suy nghĩ, thấy người hoạn nạn, cứu giúp là chuyện bình thường…

Còn bao nhiêu con người có hành động “bình thường” trong những hoàn cảnh “không bình thường” như thế, mà chúng tôi chưa được gặp? Chuyến đi cứu trợ hôm ấy, sẽ luôn là bài học đáng nhớ đối với những người làm báo chúng tôi.

  • Cẩm Ly
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)
Vị thành niên và những vụ án đau lòng  (01/01/2010)
Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài  (03/01/2010)
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)
Trống đồng Bình Định với mùa xuân văn hóa Việt Nam  (31/12/2009)
Hướng tới nhu cầu đa dạng của người dân  (31/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/12/2009)
Sau tiếng “Cha” là tiếng “Thầy”  (04/12/2009)
Nhớ về một người thầy  (04/12/2009)
Tình người trong lũ  (04/12/2009)
Rách lành đùm bọc  (04/12/2009)