Góp thêm màu xanh cho rừng
14:43', 5/1/ 2010 (GMT+7)

Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp tỉnh Bình Định (gọi tắt là Dự án WB3) do Ngân hàng Thế giới và các tổ chức song phương tài trợ được triển khai từ năm 2005. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, các cánh rừng ngày càng thêm xanh, người dân tham gia dự án đã có thêm thu nhập từ việc tham gia trồng rừng…

 

Một cánh rừng thuộc Dự án Lâm nghiệp WB3 trên địa bàn huyện Tây Sơn.

 

* Kết quả khả quan

Theo ông Hồ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án WB3 tỉnh: Sau 4 năm triển khai dự án (2005-2009), toàn tỉnh đã có trên 4.000 hộ ở các xã của các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước và TP Quy Nhơn tham gia và trồng hơn 7.800 ha rừng, trong đó năm 2009 đã trồng được gần 2.000 ha, với số tiền được giải ngân đạt hơn 40 tỉ đồng. Các loại cây lâm nghiệp chính được đưa vào trồng rừng là keo lai và bạch đàn cấy mô. Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đều thực hiện có hiệu quả dự án, cây rừng phát triển tốt, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo thu nhập đáng kể cho người dân.

Để tạo thuận lợi cho các hộ tham gia trồng rừng, ngay từ khi triển khai dự án, các địa phương đã tiến hành quy hoạch đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân cho vay ưu đãi đối với các hộ được chọn tham gia trồng rừng với số tiền từ 10-15 triệu đồng/ha, tạo điều kiện cho các hộ nông dân nghèo thiếu vốn, đầu tư mua cây giống, phân bón, thuê mướn nhân công lao động… phục vụ công tác trồng và chăm sóc rừng hiệu quả.

Điều đáng ghi nhận là qua 4 năm thực hiện Dự án WB3 ở các địa phương, các hộ tham gia dự án đã được Ban Quản lý dự án hỗ trợ kịp thời về kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, ngân hàng giải ngân nhanh nguồn vốn vay, giúp người dân yên tâm trồng và chăm sóc rừng. Nhờ đó, số diện tích rừng trồng được áp dụng đúng quy trình rừng thâm canh, hằng năm được chăm sóc theo dõi đúng chu kỳ, nên hầu hết đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ cây sống đạt cao. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và tổ chức tham gia dự án được chính quyền các địa phương quan tâm thực hiện kịp thời, tạo sự phấn khởi và an tâm trong việc đầu tư thâm canh rừng.

Ngoài ra, được sự hỗ trợ của Ban thực hiện dự án huyện, cán bộ khuyến lâm, tổ công tác xã hướng dẫn mua cây giống thông qua các hình thức chào hàng cạnh tranh, kiểm tra chất lượng cây giống cung ứng, nên số lượng cây giống luôn đảm bảo đạt chất lượng cao. Công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng được thực hiện thường xuyên, các hộ gia đình đã hợp tác tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, phòng chống gia súc phá hại và hạn chế thấp nhất cháy rừng, đã làm cho những cánh rừng của dự án phát triển tốt. Các diện tích đất trống, đồi núi trọc, diện tích đất rừng kém hiệu quả trước đây đã được người dân chuyển đổi đưa vào trồng rừng đem lại hiệu quả, đồng thời, tạo thêm nhiều việc làm mới và tăng thu nhập cho người dân vùng hưởng lợi…

 

Rừng keo lai của ông Trần Đình Tú ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (Phù Cát).

 

* Làm giàu từ trồng rừng

Nhờ phát triển trồng rừng WB3, những năm gần đây ở nhiều địa phương trong tỉnh ngày càng xuất hiện khá nhiều nông dân sản xuất giỏi, hằng năm có thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Ông Trần Đình Tú- một triệu phú trồng rừng ở thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (Phù Cát)- cho biết: Diện tích rừng trồng của tôi rộng hơn 6ha, được trồng từ năm 2005 theo Dự án trồng rừng WB3. Đến nay, rừng đã sắp đến thời kỳ khai thác, nhiều thương lái đã đến xem và trả lãi 25 triệu đồng/ha nhưng tôi chưa đồng ý, chờ thêm thời gian nữa để cây phát triển thêm. Nếu như các năm trước, giá gỗ nguyên liệu tăng cao, với diện tích rừng như hiện nay, tôi chắc chắn có khoản lãi 400 triệu đồng…

Ông Trần Văn Mỹ, một nông dân tham gia trồng rừng kinh tế ở xã Cát Hiệp, cho biết thêm: Trước đây gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do nguồn thu nhập chủ yếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán. Từ khi trồng rừng kinh tế, với diện tích 6 ha rừng, cứ sau mỗi chu kỳ 4-5 năm gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng. Nhờ vậy mà có điều kiện để chi phí xây dựng nhà cửa, nuôi dạy con ăn học.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Hiệp, khẳng định: Phong trào trồng rừng WB3 đã tạo thêm việc làm, đem lại thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng số hộ khá giàu ở địa phương. Tính đến cuối năm 2009, trên địa bàn xã đã có 534 ha rừng trồng theo Dự án WB3, với 410 hộ gia đình tham gia, bình quân mỗi hộ trồng từ 1-3 ha rừng. Hiện nay, Dự án trồng rừng WB3 được xem là dự án xóa đói, giảm nghèo hiệu quả nhất ở địa phương.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh, không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, Dự án trồng rừng WB3 triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh ta còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác, như tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp của địa phương, tránh được tình trạng ao hồ cạn kiệt trong mùa khô hạn…

Bình Định là một trong 4 tỉnh của cả nước được tham gia Dự án WB3, với mục tiêu đến năm 2010 sẽ trồng 24.400 ha rừng sản xuất, với tổng số vốn đầu tư 19 triệu USD. Mục tiêu chung của Dự án WB3 là trồng rừng sản xuất, chủ yếu là rừng nguyên liệu đạt năng suất cao, tăng khả năng sản xuất gỗ bền vững, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ trồng rừng để tạo điều kiện cho nông dân tự nguyện tiếp cận với tín dụng trọn gói, với lãi suất ưu đãi. Nghiên cứu phát triển thể chế và thị trường, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực hiện dự án…

  • N.Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đi trong tình người  (04/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)
Vị thành niên và những vụ án đau lòng  (01/01/2010)
Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài  (03/01/2010)
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)
Trống đồng Bình Định với mùa xuân văn hóa Việt Nam  (31/12/2009)
Hướng tới nhu cầu đa dạng của người dân  (31/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/12/2009)
Sau tiếng “Cha” là tiếng “Thầy”  (04/12/2009)
Nhớ về một người thầy  (04/12/2009)
Tình người trong lũ  (04/12/2009)