Di tích Lịch sử-Văn hóa và Danh lam thắng cảnh là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Trong những năm qua, công tác quản lý di tích, cũng như hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phục vụ khách tham quan, du lịch trên cả nước nói chung và Bình Định nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đảm bảo sự an toàn lâu dài cho công trình và người sử dụng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tham quan du lịch của nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
|
Thắng cảnh Hầm Hô (Tây Sơn). Ảnh: H.Hân
|
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tại các điểm tham quan du lịch là di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh nhiều hơn nữa. Chẳng hạn như di tích thắng cảnh Ghềnh Ráng là loại hình du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DLs) xếp hạng ngày 15.11.1991 với diện tích 168 ha. Hiện nay, Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn - Quy Nhơn quản lý, đã đầu tư giai đoạn I với diện tích 14ha và đã được UBND tỉnh phê duyệt tổng thể ngày 26.11.2004; Giai đoạn II diện tích còn lại 154 ha đang chuẩn bị đầu tư. Với một diện tích khá rộng, di tích lại nằm trên một địa bàn khá phức tạp, nơi thường xuyên xảy ra các vụ gây rối trật tự công cộng, xâm phạm cảnh quan môi trường, mặc dù trong những năm qua Công ty đã có sự phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương như lực lượng kiểm lâm, công an, chính quyền địa phương truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng, khai thác lâm sản, xây dựng trái phép… Bên cạnh đó, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty Tư vấn công nghệ môi trường và xây dựng MTC lập báo cáo đánh giá tác động của môi trường đến dự án đầu tư khu du lịch. Hợp đồng với Công ty Môi trường đô thị Quy Nhơn thu gom xử lý rác thải. Công ty đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hướng dẫn về bảo vệ môi trường cho tất cả cán bộ công nhân viên của đơn vị, tổ chức trồng cây xanh, đặt các thùng rác ở xung quanh khu du lịch, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Đưa ra quy chế hoạt động của ban chỉ huy về các vấn đề cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy. Tăng cường công tác kiểm tra hướng dẫn, yêu cầu tổ chức- cá nhân có hoạt động tại điểm tham quan du lịch, khu văn hóa, khu du lịch thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc. Song cũng cần lưu ý đối với đơn vị quản lý và sử dụng di tích này, đây là di tích danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, việc xây dựng các công trình dù nhỏ hay lớn đều phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản văn hóa, phải được Bộ VH-TT & DL chấp thuận thì mới được triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải cố gắng không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên vốn có của di tích. Có như vậy thì di tích mới sống trường tồn theo thời gian, hiệu quả kinh tế- văn hóa thu được sẽ ngày càng cao.
Tại di tích danh thắng Hầm Hô-Tây Sơn, trong những năm qua, cùng với công tác kinh doanh các dịch vụ phục vụ du khách đến tham quan tại di tích, Công ty quản lý Khu du lịch Hầm Hô cũng đã chú trọng công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan trong khu vực hơn 40 ha rừng. Trong khu du lịch đã xây dựng 4 điểm vệ sinh công cộng phục vụ du khách; đặt các thùng để thu gom rác thải, sau đó thuê xe vận chuyển về nơi tập kết rác thải của địa phương để xử lý. Khu vực nhà hàng có hệ thống thu gom nước thải xuống các hầm rút tại chỗ. Ngoài ra, Công ty còn hợp đồng với Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Sơn bảo vệ 5,3ha rừng đầu nguồn Hầm Hô, trồng mới và chăm sóc hơn 30.000 cây xanh tạo cảnh quan trong khu du lịch. Tổ bảo vệ chuyên trách của Công ty thường xuyên tuần tra khu vực do Công ty quản lý để kịp thời ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép và đào bới cây cảnh... Công ty cũng phối hợp cùng với địa phương làm công tác vệ sinh môi trường trên tuyến đường vào khu du lịch; không để du khách giết mổ gia súc, gia cầm; không được dùng xung điện và chất nổ đánh bắt cá trong khu du lịch. Đây là thành quả rất đáng trân trọng của đơn vị đang quản lý và khai thác di tích danh thắng Hầm Hô trong những năm qua. Nhưng để di tích này phát huy hiệu quả bền vững hơn nữa, Công ty cũng cần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương huyện Tây Sơn, Vân Canh không cho dân khai thác lâm sản, vì nó sẽ làm xói mòn, trôi bùn đất làm ô nhiễm nguồn nước sông Hầm Hô dẫn đến phá hoại cảnh quan di tích. Đồng thời cắm biển báo không cho du khách vứt các chai, lọ xuống sông và trong khu du lịch.
|
Thắng cảnh Ghềnh Ráng Tiên Sa. Ảnh: Trần Sự
|
Đối với hệ thống tháp Chăm Bình Định- là những điểm tham quan du lịch hấp dẫn của du khách- các khu tháp hầu hết cao, lớn, hoành tráng, còn khá nguyên vẹn, mang đậm phong cách Bình Định. Chẳng hạn như tháp Dương Long là một trong những tháp gạch cao nhất Đông - Nam Á. Trong những năm qua, được sự đầu tư của Trung ương và của tỉnh, các tháp như tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Dương Long, tháp Cánh Tiên được trùng tu; các tháp còn lại đang tiến hành quy hoạch và lập hồ sơ dự án trình các cấp để được đầu tư trùng tu, tôn tạo trong thời gian đến. Bên cạnh việc trùng tu cũng cần chú ý về công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan trong khu vực di tích, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nhưng phải giữ được các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động du khách cùng giữ vệ sinh chung khi đến tham quan di tích, tuyệt đối không được mang bia rượu vào khu vực đền tháp để liên hoan, ăn nhậu. Luôn luôn phải nhắc nhở du khách không được viết các dòng chữ lưu niệm trên thân tháp… nhằm giữ cho các khu đền tháp luôn luôn sạch đẹp nhằm thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan- nghiên cứu.
Hiện nay, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ VH-TT&DL cùng với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động, Bình Định cũng như cả nước, các ngành chức năng nên tận dụng cơ hội này để phối hợp tuyên truyền ý nghĩa lịch sử - văn hóa - nghệ thuật của di tích đến các cháu học sinh các cấp và đoàn viên, thanh niên nơi có di tích để cùng nhau tìm hiểu-chia sẻ, cùng nhau bảo vệ, cùng nhau chăm sóc di tích. Làm được như vậy, chúng ta tin chắc rằng môi trường cảnh quan các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh ngày càng đẹp hơn, du khách sẽ hài lòng hơn khi đến tham quan - nghiên cứu. Đó là một trong những việc làm thiết thực để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
|