Bà tôi ăn trầu
18:28', 4/1/ 2010 (GMT+7)

* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu

Sáng nào, bà tôi cũng ăn trầu. Sau khi đã giúp má tôi dọn dẹp xong nhà cửa để má bắt đầu công việc tất bật của một ngày mới, bà tôi tới ngồi bên cơi trầu đặt trên giường của bà. Cơi trầu của bà là một hộp sơn mài cũ kỹ, nắp hộp to bằng cái đĩa bàn thường sắp đồ cúng ngày nhà có giỗ.

 

Cơi trầu. Ảnh: T.M

 

Bà đựng đủ thứ trong cơi trầu: vài thếp trầu xanh, mấy quả cau tươi, chừng một nắm rễ khô cắt sẵn dài bằng đốt ngón tay, một dao xếp, bộ cối giã trầu bằng đồng cùng mấy viên thuốc lá rê to bằng quả trứng gà gói trong một lớp lá chuối xanh... Bà còn đặt trên giường “ông” bình vôi bằng đất nung màu đỏ khé và cái ống nhổ đồng thau luôn được chùi sáng. Đôi tay bà khẳng khiu, một tay bà cầm lá trầu, tay kia cầm dao chìa vôi rọc theo sống lá để chia đôi lá trầu. Xong, bà lấy một nửa lá trầu, dùng bàn tay ũi ũi cho thẳng trước khi quệt vôi, têm trầu. Bà bỏ miếng trầu vừa têm kèm với vài miếng rễ, miếng cau tươi (có khi là cau khô bà ngâm nước trước cho mềm) vào cối giã trầu. Bà giã giã, xoáy xoáy một hồi cho cối trầu nhuyễn, rồi dùng chày giã trầu lùa hết trầu vào miệng. Bà ngồi ăn trầu với tư thế một chân xếp trên chiếu, một chân dựng đầu gối, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Những lúc này, tôi thương bà lắm và thầm mong bà sống lâu. Bà nhai trầu cho tới khi miệng bà ứa nước cổ trầu, và bà đưa tay cầm ống nhổ, nhổ cổ trầu vào đó. Bà còn dùng khăn trầu quệt ngang miệng, cho sạch. Lũ con cháu chúng tôi vẫn “chê” cái khăn đỏ quạch cổ trầu của bà, nhưng bà thì không giận, nghe xong chỉ tức cười mắng yêu một câu quen thuộc: “Tổ cha bay”. Bữa trầu của bà kết thúc khi bà ném bã trầu vào ống nhổ và cầm ly nước súc miệng.  

Tuy không thường ăn trầu, nhưng có khi má tôi cùng ngồi ăn trầu chầu hầu bà tôi. Má têm trầu, giã trầu cho bà, rồi mời bà ăn trầu và má cũng ăn một miếng với bà. Họ cùng nhai nhai, nhổ nhổ và chuyện trò thật vui vẻ. Câu chuyện giữa bà với má thường là chuyện bà thương má tảo tần, chuyện mấy đứa cháu của bà ngoan, còn má thì ngồi nghe… Những khi bà tôi ngồi ăn trầu một mình, bà có vẻ nghĩ ngợi. Lũ con Thơ, con Ngây - con cậu tôi- cứ bảo bà đang “ôn” lại chuyện cổ tích để sẵn sàng kể cho chúng nghe. Ai cũng bảo, bà tôi có cả một kho truyện cổ tích. Bà tôi không dùng thuốc lá rê đánh răng như má tôi, vì răng bà đâu còn nữa. Má cầm viên thuốc lá rê (vê tròn bằng đầu ngón tay út) giữa ngón tay cái và ngón trỏ. Má đánh dịu nhỉu viên thuốc lá rê trên hai hàm răng nhuộm thuốc rỏi của má. Ăn trầu với ngoại xong, trông má tôi xinh hơn, má có “Nét cười đen nhánh sau tay áo” (Thơ Lưu Trọng Lư). Mỗi khi bà tôi bổ xong miếng cau tươi, thả cái vỏ cau ra chiếu, thế là mấy chị em chúng tôi đang vây quanh bà tranh nhau nhặt để đánh răng. Con Ngây cầm miếng vỏ cau miết trên hai đường răng trắng của nó, được mấy lượt thì trông răng nó trắng ngời lên.

Mỗi khi đi đâu, bà “dỡ” trầu theo, gói gọn trong chiếc khăn trầu. Bạn ăn trầu của bà là những bà Kỷ, bà Ngôn, bà Nhẫn… hàng xóm, bà và họ thường sang chơi nhà nhau. Đôi khi ông Ngôn, ông Ngữ, cũng là bạn già hàng xóm của bà, đem biếu bà thếp trầu xanh, nắm hạt cau khô, rồi cùng ngồi “ăn” trầu với bà. Má tôi ra chào và thường than giùm cho họ: “Đi đâu, giở những cối cùng chày” (Thơ Nguyễn Khuyến), còn họ thì phân bì với ông Huyện Lệ. Huyện Lệ ra đi là có người theo võng giá, điếu đóm miếng trầu, điếu thuốc. Lâu lâu bà lại thay “ông” bình vôi, vì ông đã ăn đầy “bụng” chất cặn bã… của vôi, còn miệng thì bé lại. Ông Ngôn cứ bảo: “Ông bình vôi như thế giống ông quan tham quá!”. Nghe vậy, ai cũng cười tán thưởng ông Ngôn. Bà vẫn chờ đến ngày má đi chợ phiên Phú Đa, giao “nhiệm vụ” cho má đem ông bình vôi cũ ra đặt ở gốc cây đa đầu làng, bên cạnh những hỏa lò, ông táo sứt đầu mẻ trán, và mua cho bà bình vôi mới.  

    

Ăn trầu. Ảnh: T.M

 

Cũng như nhiều nhà khác, nhà bà tôi trồng một hàng cau quanh vườn và cho leo chằng chịt mấy dây trầu không, để “tự túc” món trầu cau. Nghề buôn trầu là sinh kế của nhiều gia đình quê tôi. Nguồn trầu dồi dào nhất ở đây là trầu nguồn, do các thuyền buôn từ An Khê, Tây Sơn xuôi dòng sông Côn chở xuống. Thường các thuyền này còn chở kèm theo măng le, mật ong và nhiều sản vật khác của vùng thượng du và trung du. Trong các chợ Gò Chàm, Đập Đá và các chợ quê, chợ nào cũng có hàng trầu cau. Tương truyền, ông Biện Nhạc, tức Nguyễn Nhạc – lãnh tụ phong trào nông dân Tây Sơn, thời chưa dấy nghiệp, đã sinh sống bằng nghề buôn trầu và dấu tích còn lưu lại đến giờ là bến Trường Trầu. Chợ Gò (Tuy Phước) mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng mồng một Tết để người ta đi mua lộc Bà là những thếp trầu mướt rượt, quả cau tươi... Bà tôi già yếu mà Chợ Gò thì xa, cho nên bà không đi chợ được, nhưng bà vẫn có nhiều lộc Bà, do mấy người trong làng đi chợ mua về đem biếu bà. Phiên chợ này, nay thành lễ hội truyền thống ở địa phương.

Cây cau với dây trầu quấn chặt là biểu tượng của tình yêu chung thủy vượt lên trên số phận để còn yêu muôn đời muôn kiếp. Người ta ăn trầu để thưởng thức mùi thơm, vị ngót và cho thắm đỏ đôi môi. Đó cũng là biểu tượng của tình yêu ngọt ngào, sống chết có nhau của tình anh em ruột thịt (theo “Sự tích Trầu – Cau”). Người phụ nữ ăn xong miếng trầu, chắc là thêm duyên đằm thắm mặn mà. Nhà nào mà chẳng có khay cẩn, hộp trầu để có sẵn “miếng trầu là đầu câu chuyện” mỗi khi tiếp khách, cái hộp thau để dâng trầu cúng gia tiên. Lễ cưới, lễ hỏi, dẫu cho đủ lễ vật đến đâu, cũng không thể thiếu trầu cau để chúc mừng sự hạnh phúc bền lâu của lứa đôi: “Cưới em một thúng xôi vò / Một con lợn béo, một vò rượu tăm / Cưới em đôi chiếu em nằm / Đôi chăn em đắp đôi trằm em đeo / Cưới em quan tám tiền cheo / Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau” (Ca dao). Lần nào cũng vậy, đến ngày giỗ ông, bà cũng lo tinh tươm, đẹp mắt hộp trầu dâng cúng ông, do chính bàn tay khéo léo của bà sắp đặt. Má tôi vẫn bảo: “Bà vẫn dạy má têm trầu cánh phượng và cách lễ phép mời trầu để cho ba bay yêu suốt đời”.

Bà tôi mất đã lâu. Cảnh quê ngày nay đã thay đổi nhiều, cuộc sống quê cũng khác trước. Các bà, các bác gái, các chị mặc đồ bộ thong thả thoải mái, không ai còn mặc bộ bà ba nhuộm đen thô dày, sẫm tối như hồi xưa nữa. Tìm đâu ra người răng đen, ăn trầu? Mới rồi tôi về quê, ngồi trên thềm cũ của nhà ngoại, tôi nhớ thuở ngày xưa: Nhớ bà tôi miệng ăn trầu và cái khăn trầu vắt vai của bà, nhớ hình bóng một cậu bé - vẫn ham thích trò chơi cưỡi ngựa tàu cau chạy lông nhông trong sân nhà ngoại mình. Cậu bé ấy, chính là tôi - cách đây mấy mươi năm về trước. Tôi nhớ những hôm tôi, Thơ và Ngây tranh nhau giã trầu cho bà, vì ai cũng yêu bà lắm.

  • H. K. B
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (04/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (04/01/2010)
Đi trong tình người  (04/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)
Vị thành niên và những vụ án đau lòng  (01/01/2010)
Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài  (03/01/2010)
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)
Trống đồng Bình Định với mùa xuân văn hóa Việt Nam  (31/12/2009)
Hướng tới nhu cầu đa dạng của người dân  (31/12/2009)
Câu lạc bộ Bình Định Nguyệt san  (31/12/2009)