KỶ NIỆM 65 NĂM, NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22.12.1944 – 22.12.2009)
Lính trẻ dân vận
18:35', 4/1/ 2010 (GMT+7)

Thế là đã hơn hai mươi năm, tôi chưa có dịp trở lại thăm mảnh đất Xam Khuội, thuộc huyện Xê Xan, tỉnh Stungtreng của nước bạn Campuchia. Cái nơi mà một thời tôi đã cùng đồng đội- những chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam - gối đất nằm sương góp chung từng kỷ niệm.

 

Bên tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Ảnh: ST

 

Năm 1986, tôi cùng y sĩ Lê Đình Phan và chiến sĩ Nguyễn Văn Đông, được giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia giúp bạn, xây dựng xã Xam Khuội, một xã nằm cách Bộ Tư lệnh mặt trận chừng 35 km về hướng Đông Bắc. Đội công tác chúng tôi ngược dòng sông Xê-Xan trên chiếc thuyền nhỏ. Hơn ba giờ, khó khăn lắm thuyền mới tới ngã ba sông. Trước mặt chúng tôi, một ngôi làng hiện ra trải dọc bờ sông. Thấp thoáng sau đám cỏ mọc um tùm cao hơn đầu người là những ngôi nhà sàn đơn sơ lẩn khuất.

Hỏi mấy người đánh cá trên sông mới hay dân ở đây đã dọn vào trong đồng, khi nào xong vụ mùa họ mới trở về làng cũ. Những ý nghĩ nặng trịch đè tôi bệt xuống bên gốc dừa: làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở mà không có dân thì vận động ai, xây dựng cái gì?

Ba anh em chúng tôi bàn nhau tìm đến nơi dân ở. Những cây dừa già rễ trồi lên gốc hơn một mét chẹt cả lối đi. Những túp lều tuềnh toàng dựng rải rác quanh cánh đồng lúa đã chín vàng. Gặp chúng tôi, biết là bộ đội Việt Nam, họ không dám hỏi và luôn tìm cách né tránh, trông có vẻ sợ sệt. Qua đám gặt lúa bên kia con mương nội đồng, một nông dân vạm vỡ chừng năm mươi tuổi, mình trần, đầu quấn khăn crò-ma, mời chúng tôi vào trại. Đó là ông Mao Hiêng, chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Chúng tôi giới thiệu với ông về từng người và nhiệm vụ của đội.

Ông Mao Hiêng đưa chúng tôi đi thăm bà con. Đến nhà nào cũng thấy có người sốt rét, trên bếp có nồi nước vỏ cây xà cừ nấu cô. Chúng tôi nhanh chóng tổ chức kiểm tra sức khỏe cho bà con, vừa khám vừa sử dụng thuốc đem theo cấp cho những người bệnh và hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh. Với thái độ chân thành và việc làm cụ thể ấy đã khiến nhiều người tò mò đến xem mỗi lúc một đông. Tranh thủ, tôi giải thích rõ cho bà con hiểu đội công tác về đây để giúp nhân dân sản xuất, đánh giặc bảo vệ làng. Trước lúc đến đây, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện gởi lời thăm hỏi, chúc bà con mạnh khỏe, thu hoạch vụ mùa thắng lợi, nhanh chóng chuyển hết lúa về làng.

Mọi người cùng chắp tay trước ngực đồng hô “Xà Thụ” (mô Phật), một cử chỉ tôn trọng bề trên. Chợt một cụ già thắc mắc, năm nào cấp trên cũng về xã vài ngày tổ chức cho dân học tập. Họ khuyên nhân dân phải cùng với bộ đội đánh tụt quân số địch. Dân không có súng, chỉ có con dao, con dao làm sao chống lại cái súng, tụt là tụt thế nào, mình không biết.

Đêm hôm ấy, tôi bàn với Ủy ban xã tổ chức cho dân quân thường xuyên tuần tra, canh gác và phân công giúp đỡ những gia đình khó khăn. Mọi người đã dần dần tự giác, không ai bảo ai, họ lao động khẩn trương, tất bật chuyển lúa và rời trại trở về làng cũ. Ông Mao Hiêng cho biết, năm nay nhân dân về làng sớm hơn một tháng so với mọi năm. “Lục Thơm” (ông lớn) về đây giúp đỡ, Pôn Pốt không dám cướp lúa. Thế nhưng bọn địch ngầm “hai mặt” chưa phát hiện được, một bộ phận nhân dân còn lo âu, chưa dám nói thật.

Đội công tác họp bàn cả ngày với Ủy ban xã và các ngành, để xây dựng tổ chức đoàn kết. Chúng tôi đang ngồi nghỉ và chuẩn bị bữa cơm chiều thì Nú Chăn, du kích xã, hớt hải chạy đến:

- “Lục” (ngài) ơi! Ơi Lục ơi! Vợ mình nó chửa lần đầu, chuyển dạ từ gà gáy đến bây giờ. Bà con hàng xóm đến cúng xin con ma cho nó, nhưng nó vẫn chưa sinh được. Lục giúp mình với!

Tôi liếc nhìn đồng hồ đã gần năm giờ chiều. Biết Phan là y sĩ, ít nhiều đã học qua phương pháp sinh đẻ, thấy anh đang đun nước trong bếp. Tôi ra lệnh: “Phan, đi ngay với tôi, đến nhà Nú Chăn giúp cho vợ nó sinh”.

Phan vội vàng tắt lửa, xách thuốc đưa cho tôi, quơ chiếc áo khoác lên người, lấy khẩu súng và chạy đi ngay. Vừa bước chân đến nhà, tiếng rên la của Chăn Xay mỗi lúc một to. Thấy tôi, mọi người đều nhích lùi ra ngoài. Chăn Xay nằm trên mảnh chiếu rách ở giữa sàn nhà, mặt tái nhợt, mồ hôi đầm đìa.  Phan bước lại, ngồi xuống, lấy các dụng cụ ra và làm công tác kiểm tra bệnh nhân. Tôi khuyên mọi người nên ra ngoài bớt, chuyện sinh đẻ bây giờ không phải cúng nữa, cái thai nó có ra đâu. Để chúng tôi giúp cho.

Chăn Xay càng lúc càng đau thét, tay hết cấu vào sàn nhà lại kéo chân tôi, nắm áo Phan giựt ngược. Tôi lo lắng hỏi Phan: “Cậu kiểm tra lại, nếu không được thì chuyển đi bệnh viện 21 của mặt trận ngay nhé”. Phan nói: “Gần sinh rồi. Chuyển dạ lâu quá cô ấy kiệt sức”.

Tôi thấy Phan mồ hôi cũng ướt đẫm. Nhớ lại, ngày sinh đứa con đầu lòng cũng giống như trường hợp này, nhưng lại có đủ điều kiện của một bệnh viện, còn ở đây khó khăn đủ thứ. Bằng chút ít kinh nghiệm, tôi nhắc Phan tiêm cho cô ấy mũi thuốc trợ sức. Chăn Xay khỏe lên la hét càng lớn, hai tay không ngớt cào cấu. Phan nói: “Sắp sinh đấy!”. Tôi ngồi xuống theo tư thế quỳ bắn, hai tay vừa nén bụng tiếp sức cho Chăn Xay. Tiếng khóc cháu bé cất lên oa oa. Tôi thở phào nhẹ nhõm, như vừa mới hoàn thành xong một nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Chăn Xay thiếp đi. Mọi người đứng bên ngoài chắp tay “Xà Thụ”. Sửa soạn xong xuôi cho mẹ con cháu bé, chúng tôi giao lại cho Nú Chăn.

Ngoài trời đã tối mịt. Nú Chăn một mực mời ở lại để tạ ơn, nhưng chúng tôi bận việc phải về. Sau ca phụ sản bất đắc dĩ ấy, đội công tác chúng tôi làm nhiệm vụ rất thuận lợi. Bà con làng Xam Khuội yêu quý chúng tôi như con cháu của họ.

Giờ đây đã rời xa chiến trường K, nhưng kỷ niệm khó quên ấy vẫn còn nhắc nhở chúng tôi sống xứng đáng với danh nghĩa “Bộ đội Cụ Hồ” mà người dân nước bạn mỗi lần gặp gỡ luôn chắp tay “Xà Thụ” ông “Lục Thơm”.

  • Nguyễn Dự
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (04/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (04/01/2010)
Đi trong tình người  (04/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)
Vị thành niên và những vụ án đau lòng  (01/01/2010)
Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài  (03/01/2010)
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)
Trống đồng Bình Định với mùa xuân văn hóa Việt Nam  (31/12/2009)
Hướng tới nhu cầu đa dạng của người dân  (31/12/2009)