KỶ NIỆM 65 NĂM, NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22.12.1944 – 22.12.2009)
Nghĩa tình đồng đội của lực lượng vũ trang Hoài Ân
18:51', 4/1/ 2010 (GMT+7)

Dẫu rằng sau 34 năm giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Hoài Ân vẫn không ngừng chăm lo và thực hiện hiệu quả công tác hậu phương quân đội, trong đó coi trọng công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ. Việc triển khai quy tập mộ liệt sĩ đã được các cấp các ngành, mọi lực lượng đồng hành tìm kiếm. Và, đã có hàng trăm ngàn mộ liệt sĩ được đưa về Nghĩa trang các xã, thị trấn để chăm sóc.

 

Cán bộ, nhân dân và LLVT huyện Hoài Ân tổ chức Lễ truy điệu các liệt sĩ tại Nghĩa trang xã Ân Tín.

 

Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn ẩn khuất chỗ các anh nằm chưa tìm thấy được. Người thân, người mẹ trên mọi miền đất nước còn “khóc thầm lặng lẽ” ngóng trông chờ tin con trở về. Nỗi day dứt đó đã thôi thúc lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện, nhất là cán bộ, chiến sĩ Tổ quy tập mộ liệt sĩ thuộc Cơ quan Quân sự huyện Hoài Ân. Hàng chục năm qua, Tổ quy tập mộ liệt sĩ đã không ngại khó khăn, gian khổ, bám địa bàn, tìm hiểu, nắm bắt thông tin, vượt hàng trăm ngàn cây số, đường rừng đèo núi, sông suối, không kể nắng mưa, tìm đến những nơi căn cứ ngày xưa, nơi đã từng diễn ra chiến trận để tìm hài cốt liệt sĩ.

Anh Nguyễn Thanh Thủy - cán bộ Cơ quan Quân sự huyện Hoài Ân, thành viên của Tổ quy tập - cho biết: Trong hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ của tổ có nhiều câu chuyện cảm động xảy ra bất ngờ và cũng có những kết quả bất ngờ. Năm 2001, tổ đi tìm hài cốt của 8 liệt sĩ Tiểu đội trinh sát hy sinh tại cầu Bến Muồn vào năm 1967. Dù mất nhiều thời gian, tổ chức khai quật nhiều địa điểm, cuối cùng hài cốt của các anh đã được tìm thấy, tuy không thể đủ khả năng phân biệt hình hài riêng của từng người nhưng cũng đã làm ấm lòng những người thân.

Trong 5 năm (2004-2009), cán bộ, nhân dân, Lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân đã tổ chức tìm kiếm, quy tập 160 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; hướng dẫn cho trên 120 gia đình thân nhân liệt sĩ về địa phương tìm mộ; trả lời hồi âm 195 lá thư trên mọi miền đất nước gửi về tìm mộ liệt sĩ.

Còn việc đi tìm hài cốt của liệt sĩ Trần Viết Chương – Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 3 (quê Hà Nội) và liệt sĩ Cao Ngọc Tiến, Thượng úy Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 3 (quê Nam Định), cùng hy sinh ngày 15.4.1972 tại Gò Gai, thôn An Hậu (Ân Phong) do đồng đội và thân nhân gia đình 2 đồng chí cung cấp thông tin là một câu chuyện dài. Tháng 4.2009, gia đình và đồng đội của 2 liệt sĩ này đến huyện nhờ tìm hài cốt. Tổ quy tập đã phối hợp cùng chính quyền xã Ân Phong tiến hành nhiệm vụ. Vùng núi Gò Gai rộng lớn, hơn nữa, 37 năm có nhiều đổi thay, các đồng đội của 2 anh không thể xác định vị trí, chỉ nhớ lại là 2 anh hy sinh trong hầm pháo. Tổ quy tập và hàng chục dân quân xã Ân Phong vào cuộc phát quang mấy ngọn đồi nhưng không tìm thấy. Một tuần trôi qua, đoàn phát quang chuyển qua ngọn đồi khác và ở đó như có sự mách bảo từ linh hồn các anh. Trên đường vạch cây rẽ lối đi tìm, Tổ quy tập sụp chân vào một hố pháo cũ, tổ quyết định đào tìm và sự thật các anh đã nằm ở đó. Hai anh đã được đưa về trong niềm vui của thân nhân, gia đình và đồng đội.

Một lần khác, Tổ quy tập lên đồi Không Tên (xã Ân Mỹ) tìm mộ liệt sĩ Đỗ Công Phong (quê Vũ Thư, Thái Bình) và liệt sĩ Đỗ Văn Bản (quê An Lão, Hải Phòng), cùng hy sinh ngày 27.11.1974. Cuộc tìm kiếm gặp nhiều trở ngại, dấu hố, hầm công sự đã bị xói mòn theo năm tháng. Qua nhiều ngày khai quật vất vả, dù có lúc thiếu cơm, khát nước, nhưng với tình cảm đồng đội mãnh liệt, trước sự bùi ngùi đầy xúc động của thân nhân, gia đình, tổ đã đào hết hố này đến hố khác và thật bất ngờ, chúng tôi cũng đã phát hiện được hài cốt của các anh. Các anh vẫn ngồi trong tư thế chiến đấu, tay còn ôm khẩu B40…

Cuộc hành trình đi tìm mộ các liệt sĩ trên địa bàn Hoài Ân đã có nhiều điều bất ngờ và đầy cảm động. Dù gặp không ít khó khăn, nhưng cái tình đồng chí, cái nghĩa đồng bào mà Đảng bộ, nhân dân, nhất là Lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân đã khắc phục vượt qua. Tâm niệm lớn nhất của những người đi tìm mộ liệt sĩ là làm sao “đưa hết hài cốt các anh về với người thân, về nơi nghĩa trang” để linh hồn các anh được sưởi ấm những nén tâm nhang.

  • Võ Chí Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Công tác hậu phương quân đội ở Cảng Quy Nhơn  (04/01/2010)
Lính trẻ dân vận  (04/01/2010)
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (04/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (04/01/2010)
Đi trong tình người  (04/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)
Vị thành niên và những vụ án đau lòng  (01/01/2010)
Xây dựng, tôn tạo di tích Nhà tù Phú Tài  (03/01/2010)
Tấm lòng chiến sĩ Bình Định với các làn điệu dân ca quê hương  (31/12/2009)