Eo Nín Thở, ngày ấy - bây giờ…
18:51', 1/2/ 2010 (GMT+7)

“Anh nín thở vòng qua eo Nín Thở”- câu thơ cũ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được truyền tai nhau qua nhiều thế hệ sinh viên đến với Quy Nhơn. Câu thơ làm ta nhớ đến eo Nín Thở của một thời nhếch nhác, hôi nồng. Giờ đây, những hình ảnh ngày cũ đã không còn. Thay vào đó là một eo Nín Thở thoáng đãng, tươi sáng…

 

Eo Nín Thở lúc bình minh. Ảnh: Lê Hoàng

 

1.

Theo lời giới thiệu của các cán bộ UBND phường Trần Phú, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Ngọc Lánh, khu vực phó khu vực 4, phường Trần Phú. Cụ già ngoài thất thập này được coi là “nhân chứng sống”, chứng kiến gần như trọn vẹn những đổi thay của eo Nín Thở suốt nửa thập kỷ qua. “Tên gọi trên giấy tờ hành chính của eo Nín Thở là eo Sân Bay, bởi nó nằm cạnh sân bay, phi cơ bay lên bay xuống suốt ngày”- ông Lánh mở đầu câu chuyện; dường như những tiếng động cơ ầm ào ngày xưa còn vang vọng trong ông.

Theo trí nhớ của ông Lánh, vào thời Ngụy, khu vực dân cư sống gần eo Nín Thở mang tên ấp Nguyễn Huệ, phường Trung Cường; sau giải phóng, là khu vực 5, phường Trần Phú. Từ tháng 7.2007, khu vực 5 sáp nhập với khu vực 4 thành khu vực 4 mới, là một vùng dân cư hình tam giác, 3 mặt là 3 tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông - Nguyễn Huệ - Xuân Diệu.

Dân cư sống cạnh eo Nín Thở chủ yếu sống bằng nghề biển, số khác bán xăng dầu cho các chủ thuyền. Ngày ấy, chẳng nhà nào có khu vệ sinh, bãi biển là nơi người dân “giải quyết nỗi buồn”. Chưa hết, đây còn là nơi tập trung rác thải của thành phố. Chiều chiều, từng đoàn xe GMC chất đầy rác thải nối đuôi nhau tống tháo ra biển. Những khối rác chất chồng bốc mùi xú uế, những bầy ruồi vù bay như... bão tố. Dần dần, “eo Nín Thở” trở thành tên gọi quen thuộc trong nỗi ám ảnh ô nhiễm, nhếch nhác, đặc biệt là thời điểm vài năm trước 1975. “Tuy nhiên, vẫn còn một cách lý giải khác về tên gọi eo Nín Thở. Lúc điện chưa thắp sáng eo đất này, tối đến, các cặp trai gái thường tập trung ra đây, “tay ôm ngang eo - cùng nhau nín thở”, nên “chết” cái tên eo Nín Thở luôn”- ông Lánh hóm hỉnh kể.

 

Toàn cảnh eo Nín Thở ngày nay. Ảnh: Văn Lưu

 

2.

Bộ mặt eo Nín Thở thực sự đổi thay khi thành phố khởi động dự án đường ven biển Xuân Diệu năm 2001. Mở đầu cho dự án, một bài toán vô cùng hóc búa được đặt ra là phải giải tỏa, bố trí tái định cư cho 2.530 hộ dân. 8 năm đã trôi qua, dù số hộ dân được an cư ở những khu nhà mới vẫn chưa đạt con số 100%, con đường Xuân Diệu vẫn dần lộ diện. Từ ngày mới hoàn thành, con đường rộng rãi, khang trang nằm bên bờ cát vàng đã thu hút sự quan tâm của khách du lịch khi đến với Quy Nhơn. Và, ở đầu con đường mới, eo Nín Thở nhếch nhác ngày xưa đã không còn. Con đường nhựa cong cong và bờ thành bê tông sáng mới như rực lên mỗi bình minh. Vẫn còn đó những trụ cầu chơ vơ nơi bờ sóng, nhưng không còn cái mùi xú uế của rác rưởi ngày cũ. Sáng sớm, người đi tập thể dục sải đều bước chân, vươn ngực hít thở. Đêm về, người bách bộ, hóng mát chen chân…

Còn nhớ, cách đây dăm năm, khu đất trống cạnh eo Nín Thở còn là nơi tập kết của gần chục quán nhậu. Từ hai ba giờ chiều đã có người đến cụng ly cạn chén. Giờ, trên khu đất ấy là một công viên cây xanh mát mắt. Thằng bạn học chung hồi đại học xa Quy Nhơn hơn năm năm trời, gọi điện hỏi: Quy Nhơn có gì thay đổi không? Tôi chụp ảnh eo Nín Thở, công viên xanh và con đường dài ngút ngát, mail cho bạn thay câu trả lời…

3.

Năm 1975, Quy Nhơn chỉ có vỏn vẹn 60 đường phố với 12 km vuông nội thành. Quy mô khiêm tốn ngày ấy qua những năm tháng nỗ lực dựng xây đã được nâng cấp, mở rộng gấp cả chục lần. Những cao ốc không ngừng vươn cao. Những tuyến phố, quảng trường, công viên thênh thang. Những dự án lớn đang dần định hình… Có thể gọi kết quả sau bao năm vượt qua bao khó khăn, tạo dựng nên diện mạo đô thị mới như hôm nay là một kỳ tích.

Trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là xu thế phát triển tất yếu của Quy Nhơn. Không bao lâu nữa, Quy Nhơn sẽ trở thành đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Khi ấy, Quy Nhơn sẽ hiện ra với một tầm vóc mới với đầy đủ thế và lực…

Và, eo Nín Thở cùng những công trình phụ cận sẽ vẫn là minh chứng trên hành trình thay da đổi thịt của thành phố…

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới  (01/02/2010)
CLB Xuân Bình Định  (01/02/2010)
Nghĩa tình đồng đội của lực lượng vũ trang Hoài Ân  (04/01/2010)
Công tác hậu phương quân đội ở Cảng Quy Nhơn  (04/01/2010)
Lính trẻ dân vận  (04/01/2010)
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (05/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (05/01/2010)
Đi trong tình người  (05/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)
Thơ  (04/01/2010)
Hai người tài xế (*)  (04/01/2010)
Chõng tre  (01/01/2010)
Dũng cảm cứu người trong lũ dữ  (01/01/2010)