Giữ gìn cho mai sau
19:41', 1/2/ 2010 (GMT+7)

Gần ba tháng qua, các thành viên của Dự án Bảo tồn võ cổ truyền Bình Định đã rong ruổi khắp nơi, tìm gặp các lão võ sư, võ nhân trên 60 tuổi trong tỉnh, để thu thập tư liệu, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các sản phẩm của Dự án. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong hành trình dài phục hồi, chấn hưng, bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Bình Định.

 

Hơn ba tháng qua, Đoàn làm phim đã tìm gặp 20 võ sư, võ nhân trên 60 tuổi trong tỉnh. Ảnh: N.T

 

* “Đãi cát tìm vàng”

Dự án này có tổng kinh phí là 100 triệu đồng (do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam thuộc Bộ VH-TT & DL cấp), gồm 4 gói sản phẩm: báo cáo khoa học dài khoảng 200 trang, bộ ảnh khảo tả từ 100-150 bức, phim tư liệu 60 phút ghi hình 20-25 võ sư, võ nhân và băng ghi âm thu lời nói của họ. Người được chọn phải trên 60 tuổi, từng vang bóng trong giới võ lâm và trên các đấu đài (toàn tỉnh hiện có gần 50 người như vậy). Bởi lẽ ở độ tuổi đó, miếng nghề của họ mới còn đậm nét truyền thống địa phương.  

Từ ngày 10.9, một tuần từ 2 đến 3 lần, 6 thành viên là cán bộ chuyên môn các phòng ban của Sở VH-TT & DL Bình Định cùng tổ phóng viên Phòng chuyên đề Đài PT-TH Bình Định lại khăn gói lên đường “đãi cát tìm vàng”.

Trừ một số ít mở được võ đường, chiêu mộ nhiều học viên, nên có đời sống khấm khá, đa số võ sư, võ nhân sống rất thanh bần, vui thú điền viên, nhận dạy một vài đám trò lẻ cho đỡ nhớ nghề.

 

Võ sư Hồ Sừng. Ảnh: Huyền Trân

 

* Chân dung võ sư, võ nhân

20 võ sư, võ nhân nhóm nghiên cứu tìm gặp lần này đều ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng trí lực và thần lực vẫn rất dồi dào. Đa số họ đến với nghiệp võ khi còn rất trẻ, chỉ mới 15, 17 tuổi. Họ cho biết thời đó, học võ là để phòng thân, giữ nhà, cứu người, cứu đời khi cần thiết. Võ sư, võ nhân Bình Định có cuộc sống rất bình dị, tài võ nghệ ẩn trong cái vẻ bề ngoài chân chất, hiền lành. Đặc biệt, ai cũng ra sức gìn giữ nét đẹp võ đạo cho mình. Vào nhà người nào cũng thấy treo đầy các loại binh khí như roi, đao, kiếm, găng. Ít ai treo giấy chứng nhận võ sư hoặc bằng khen. Những hình ảnh, kỷ vật liên quan thời vàng son, đến những học trò ruột của mình được họ giữ gìn rất cẩn thận. 

Ngoài những tên tuổi lâu nay được nhiều người biết đến như Hồ Sừng, Phan Thọ, Trần Dần (Tây Sơn), Phi Long Vịnh (Tuy Phước), còn có những võ sư, võ nhân ẩn dật như Phạm Thi, Nguyễn Trá (Tây Sơn), Đào Thanh (An Nhơn), Nguyễn Tựu, Trần Đình Chẩn (Tuy Phước), Xuân Mai, Huỳnh Thạch Đạt (Phù Mỹ)… Họ cất giữ những miếng “võ vườn” quý báu, rồi truyền dạy cho những người có đam mê. Gặp võ sư Đào Thanh (ở xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn), ông vui vẻ cho biết, một người học trò đi làm ăn xa vừa gởi thư hỏi thăm và biếu ông vài ba lạng trà ngon. Nghĩa cử “tôn sư trọng đạo” như vậy thật đáng quý biết bao. Mới thấy, các võ sư vườn Bình Định dù nghèo vật chất, nhưng niềm vui tinh thần luôn được đong đầy. Tuy đã 86 tuổi, nhưng một tuần hai buổi, ông Thanh vẫn cọc cạch đạp xe sang một số xã lân cận dạy học trò. Ông tâm sự, đi dạy là để tạo niềm vui cho tuổi già và thấy mình vẫn còn có ích, còn gắn bó với tâm huyết cả đời là nghiệp võ.

 

Võ sư Phi Long Vịnh. Ảnh: Huyền Trân

 

* Danh tiếng - Thực lực

Chuyến khảo sát trên đã cho thấy phần nào thực lực hiện nay của võ cổ truyền Bình Định. Đáng quý nhất là các võ sư, võ nhân ở Tây Sơn còn giữ lại khá nhiều tinh hoa của võ lý, võ y, võ thuật, võ nhạc của tổ tiên. Ở An Nhơn, xu hướng thiên về đối kháng và có sự giao thoa chút ít với các dòng võ khác. Võ sư, võ nhân ở Tuy Phước còn giữ lại nhiều bài quyền quý giá như bài Ngọc Trản của võ sư Phi Long Vịnh; tuy nhiên, cũng như An Nhơn, Tuy Phước đã có sự lai tạp. Càng về phía Bắc như các huyện Phù Mỹ, Hoài Nhơn, cái chất Bình Định trong võ bị lợt dần vì đa số võ sư, võ nhân những nơi này từng có thời gian vào Nam lập nghiệp, nên đã học hỏi và pha trộn.

Dù võ cổ truyền Bình Định vẫn chiếm ưu thế trên các sàn đấu trong nước nhưng người chuyên tâm học võ đã dần thưa vắng, không còn nhiều những khát khao trở thành võ sư, võ nhân lừng danh. Các bộ môn độc đáo, đòi hỏi nhiều công phu như đao, kiếm, kích, thương, cung, phủ… rất ít người học. Một khi nhu cầu học võ không cao thì việc truyền nghề cũng không được chú trọng, kỹ lưỡng như thuở một thầy một trò. Những miếng võ bí truyền vì đó mà có nguy cơ bị mai một.

 

Võ sư Trần Đình Chấn. Ảnh: H.T

 

* Vĩ thanh

Cái hay của võ cổ truyền Bình Định là sức sống trong dân, ở các làng võ. Nhưng cũng vì vậy mà các môn phái, dòng võ khó phát triển, phổ biến rộng rãi, tạo thành thương hiệu võ Bình Định. Thực hiện những gói sản phẩm trên là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Mong rằng võ cổ truyền Bình Định được quan tâm nhiều hơn, nhất là sự chung sức của các ban ngành hữu quan, đặc biệt là Liên đoàn Võ cổ truyền Bình Định, để đất Võ ngày càng rạng danh.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Con cọp trong ca dao, tục ngữ  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2009  (01/02/2010)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2009  (01/02/2010)
Eo Nín Thở, ngày ấy - bây giờ…  (01/02/2010)
Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới  (01/02/2010)
CLB Xuân Bình Định  (01/02/2010)
Nghĩa tình đồng đội của lực lượng vũ trang Hoài Ân  (04/01/2010)
Công tác hậu phương quân đội ở Cảng Quy Nhơn  (04/01/2010)
Lính trẻ dân vận  (04/01/2010)
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (05/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (05/01/2010)
Đi trong tình người  (05/01/2010)
Gập ghềnh đường phát triển  (04/01/2010)