Áo đẹp cho kiểng
20:1', 1/2/ 2010 (GMT+7)

Chơi cây cảnh nghệ thuật, một nghề chơi được nhiều người cho là lắm công phu. Mà không công phu làm sao được; bởi cây cảnh nghệ thuật luôn là một tác phẩm sống động, ngày một phát triển và hoàn thiện dần. Tạo lại dáng cây, phối đá, ghép tiểu cảnh cho một tác phẩm sinh vật cảnh (SVC), nghệ nhân như nhà thiết kế thời trang, tạo nên những chiếc áo đẹp cho cây.

 

Cây sanh sau khi cắt bỏ một số cành, tạo lại dáng, nghệ nhân Phước Lộc cho bám đá và đặt vào khay cạn. Ảnh: Ngọc Diên

 

* Những cú “vật”... đắt giá

Mỗi một loại hoa, loài kiểng đều có cốt cách, vẻ đẹp tự nhiên của nó, như: sanh tràn trề sức sống, đặc biệt bộ rễ phát triển một cách mãnh liệt, tạo nên sự bề thế, vững chãi bám vào đất, đá; phi lao (dương liễu) thân, gốc sần sùi, nhưng cành lá lại mềm mại lụa là trong nắng gió; mai xuân vốn thân cành khẳng khiu, xương xẩu nhưng mỗi độ xuân về, trút hết lá, lại bừng tỉnh, rực rỡ sắc vàng của hoa; linh sam khô khốc, thô mộc và chi chít gai là thế, nhưng sắc hoa tím và mùi hương quyến rũ đã làm say đắm bao người… Nhưng nếu để nguyên bản của từng loại hoa, kiểng thì chúng ta chỉ thưởng ngoạn được một phần vẻ đẹp của thiên tạo. Các nghệ nhân đã biết biến hóa những nét đẹp hoang sơ bất biến của cây, của cảnh vật thành nét đẹp vạn biến, sinh động, có chủ đích, mang dáng dấp cổ thụ, thu nhỏ trong một không gian đẹp, có sự sắp đặt, bài trí của con người. Và nghệ thuật bonsai, tiểu cảnh, phối đá, tạo đôn chậu… cũng hình thành và phổ biến trong giới chơi SVC.

Ngày nay, giới chơi SVC tạo dáng kiểng, làm đẹp cho kiểng bằng cái nhìn tinh tế hơn và các thủ thuật cũng sáng tạo hơn so với cách đây một vài thập kỷ. Ở Bình Định với lực lượng hội viên SVC hùng hậu (hơn 9.000 hội viên) đã có gần 200 nghệ nhân thành thục trong việc tạo kiểng thế, nghệ thuật bonsai và tiểu cảnh. Vì vậy, số lượng tác phẩm SVC nghệ thuật ở Bình Định cũng rất đa dạng, phong phú và nổi tiếng khắp cả nước.

 

Cây sam dáng cổ thụ được đưa lên đá và tạo tiểu cảnh. Ảnh: Ngọc Diên

 

Một tác phẩm SVC nghệ thuật bao giờ giá trị thẩm mỹ và giá trị vật chất cũng cao gấp nhiều lần so với một tác phẩm SVC trang trí thông thường. Bởi thế, các nghệ nhân thường kháo nhau rằng nghệ nhân A, nghệ nhân B… vừa mới “vật” cây sanh, hoặc “đốn” cây mai… đáng bạc trăm (trăm triệu đồng - PV); “vật” ở đây có nghĩa là đổi dáng thế cho cây, “đốn” là cắt bỏ một số thân, cành, tạo lại dáng, thế. Thực tế là một số gốc nguyên liệu (còn gọi là phôi) khi chưa khai thác, nghệ nhân đã nhìn thấy trước dáng trực, huyền, thác đổ, bạc phong… để tạo thế cho cây. Nhưng cũng không ít cây phôi, chưa nổi bật đường nét, dáng thế; nhiều khi nghệ nhân khai thác về để “nghiên cứu sau”, để rồi dằng vặt, đắn đo nhiều ngày, vật đi, vật lại gốc cây cố tìm ra thế hợp lý để vào chậu. Có khi nghệ nhân phải đổi đi, đổi lại dáng, thế cho kiểng nhiều lần, và mỗi lần như thế phải tạo lại tàng, chi cho phù hợp. Đánh giá tay nghề của mỗi nghệ nhân ở chỗ, dưới bàn tay khéo léo, óc sáng tạo phong phú của nghệ nhân, họ đã biến những gốc cây tưởng chừng như không thể làm gì được, thành những tác phẩm rất ấn tượng.

Nghệ nhân Nguyễn Nghĩa Đàn (Quy Nhơn), người sở hữu vườn kiểng hàng chục tỉ đồng, chia sẻ kinh nghiệm: “Đã có những cây kiểng dáng trực, được nuôi hàng nửa đời người, thậm chí bằng một đời người và đương nhiên là có giá trị cao, nhưng người chơi vẫn chưa hài lòng với dáng thế hiện tại. Rồi bỗng nhiên một ngày nào đó, nghệ nhân đưa ra quyết định cực kỳ táo bạo, dù biết đó là một quyết định rất khó khăn - phải vật nghiêng, vật đổ và “tùng xẻo” ba phần tư hoặc một nửa thân cây để tạo dáng, thế mới. Cú vật đó, nhát cắt đó có khi giá trị đến bạc trăm”.

 

Nghệ nhân Nguyễn Thọ đang làm tiểu cảnh và cho cây lên đá. (Ảnh: ND)

 

Một nghệ nhân khác ở Quy Nhơn rất nổi tiếng với phép biến hóa cho những tác phẩm SVC trở nên mới mẻ, sinh động và dĩ nhiên là độc đáo hơn. Đó là nghệ nhân Nguyễn Phước Lộc, còn gọi là Lộc Nhà đèn (đường Đoàn Thị Điểm, phường Trần Hưng Đạo), thành viên của CLB Trúc Lan Viên. Anh Lộc có quan điểm là không bao giờ mua những tác phẩm đã hoàn chỉnh, bởi người khác đã làm sẵn thì mình chơi không hứng thú. Thậm chí những cây kiểng bị đưa vào xó rào, nhưng anh nhìn thấy nét độc đáo ẩn khuất trong nó, là anh quyết định tậu về cho bằng được. Chỉ sau một tuần xô nghiêng, vật đổ, cưa cắt cành nhánh, phối đá… là đôi tay tài hoa của anh đã tạo ra một tác phẩm mới hoàn toàn và độc đáo; có khi chủ cũ của cây kiểng cũng không thể nhìn ra.

* “Lên đời” cho kiểng

Trong một không gian sống hiện đại, bó buộc bởi nhà tầng, nhà ống thì nhu cầu có một khoảnh thiên nhiên để thư giãn ngày càng lớn. Dù là một góc nhỏ, một tiểu cảnh hoặc chỉ là một chậu kiểng đặt trong sân nhà đều đem đến cho chúng ta cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Đã có những nghệ nhân làm tiểu cảnh, non bộ, đôn chậu nghệ thuật thành danh ở Bình Định, như ông Ngô Xuân Cảnh (An Nhơn), ông Sáu Sụt (Quy Nhơn), ông Quy Đông, ông Mười Hiền (Tây Sơn)... Nghệ thuật tiểu cảnh, non bộ truyền thống thì xem đá và nước là hai nguyên liệu chính để tạo ra tác phẩm; cây cỏ, hoa lá chỉ là những phụ kiện để làm sinh động hơn cho tiểu cảnh, non bộ.

 

Nghệ nhân Phước lộc với những tác phẩm nghệ thuật do anh tạo.(Ảnh: ND)

 

Nghệ nhân Nguyễn Thọ ở 582/12 Trần Hưng Đạo (điểm SVC tại Nhà văn hóa TP. Quy Nhơn), trước là thủy thủ viễn dương, có 15 năm lênh đênh trên biển cả, gắn bó với đại dương và đảo xa. Đến năm 1990 anh giải nghệ, nhưng những hình ảnh đẹp của biển nước, ốc đảo luôn gợi nhớ trong anh. Sẵn có tư chất nghệ sĩ, cộng một chút năng khiếu, nên anh tạo ra những tiểu cảnh, đá cảnh có liên quan đến mặt nước để tiêu dao. Dần dần những tác phẩm của anh được người chơi SVC chấp nhận và anh theo đuổi nghề này gần 20 năm nay. Nhiều tác phẩm tiểu cảnh, ghép đá, tranh đá, chậu đôn giả gỗ, phù điêu, phong cảnh nội thất… của anh đạt giá trị nghệ thuật cao. Theo anh Thọ: “Ngày nay, các nghệ nhân đã có sáng kiến tạo tiểu cảnh ngay trong một tác phẩm SVC nghệ thuật; ngoài ra còn ghép đá, lên đá cho kiểng…; các thủ thuật này còn gọi là “lên đời” cho kiểng”. Hiện ở Bình Định đã có một lực lượng khá đông đảo và trẻ đang tiếp cận và phát triển với nghề “lên đời” cho kiểng, như Vũ Thanh, Nguyên Vũ, Trần Long, Văn Đức, Văn Nhân, Thế Mỹ …, đã có những tác phẩm rất ấn tượng.

 

Tiểu cảnh và tranh đá của nghệ nhân Nguyễn Thọ. (Ảnh: ND)

 

SVC Bình Định có phong trào rộng lớn, một phần cũng nhờ sự kế thừa của các thế hệ trẻ hơn. Các nghệ nhân trẻ như RôBi - Tuấn (điểm SVC tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quy Nhơn) đã tạo nên một phong cách chơi hoàn toàn mới, với thương hiệu Bonsai RôBi - Tuấn. Trên 500 tác phẩm của nhóm nghệ nhân trẻ này đều là kiểng bonsai, kiểng thế; kể cả mai xuân cũng tạo dáng bonsai. Và đương nhiên giá trị nghệ thuật lẫn giá trị kinh tế cũng tăng lên.

Một tác phẩm SVC nghệ thuật bao giờ giá trị thẩm mỹ và giá trị vật chất cũng cao gấp nhiều lần so với một tác phẩm SVC trang trí thông thường.

Vừa mới toanh gia nhập “làng kiểng”, hai anh em Hà Nguyễn Sơn (1987) và Hà Nguyễn Bình (1989), ở tổ 7, KV 2, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn cũng đã có việc làm “lên đời” cho kiểng quanh năm. Hà Nguyễn Sơn vừa làm, vừa học hỏi và nghiệm ra rằng: Ghép đá cho kiểng là để bù gốc đối với những kiểng có khiếm khuyết về độ vững chãi của gốc rễ; cho kiểng lên đá là để khoe gốc đối với những kiểng có bộ rễ đẹp, hoành tráng. Cho nên, khi tạo dáng cho cây cũng cần đắn đo, cân nhắc là nên ghép đá hay là lên đá cho kiểng.

Tạo tiểu cảnh cho kiểng, nghệ nhân phải hội đủ các yếu tố kiến thức xã hội, cái nhìn thẩm mỹ và độ tinh xảo của đôi tay. Nghệ nhân Nguyễn Thọ cho biết: “Non bộ, tiểu cảnh phải kết hợp với không gian, thời gian, sự tích, điển tích mà tạo thành. Ở đó là một vùng non nước trời mây thu nhỏ lại, vẫn hiển hiện cảnh thiên nhiên hùng vĩ với hang động, ghềnh thác, núi cao biển rộng, được bàn tay nghệ nhân khéo léo bày xếp, giũa tạc, đục đẽo, để đưa vào không gian hẹp; các hình tượng mục đồng, ngư ông, tiều phu, tiên ông, đạo sĩ, chùa tháp, ghe thuyền, muông thú... được nghệ nhân bài trí, hầu diễn tả một sự tích, một câu chuyện làm tác phẩm SVC có nội dung và sinh động, lôi cuốn người xem.

  • Ngọc Diên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Võ sư Phi Long - một con rồng quy ẩn  (01/02/2010)
Giữ gìn cho mai sau  (01/02/2010)
Con cọp trong ca dao, tục ngữ  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2009  (01/02/2010)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2009  (01/02/2010)
Eo Nín Thở, ngày ấy - bây giờ…  (01/02/2010)
Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới  (01/02/2010)
CLB Xuân Bình Định  (01/02/2010)
Nghĩa tình đồng đội của lực lượng vũ trang Hoài Ân  (04/01/2010)
Công tác hậu phương quân đội ở Cảng Quy Nhơn  (04/01/2010)
Lính trẻ dân vận  (04/01/2010)
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)
Bảo vệ môi trường các di sản văn hóa dân tộc phục vụ tham quan, du lịch  (05/01/2010)
Giao thông mở đường cho phát triển  (04/01/2010)
Góp thêm màu xanh cho rừng  (05/01/2010)