Đi Hội Đống Đa, nhớ mua chiếc nón…
20:45', 1/2/ 2010 (GMT+7)

Cũng không ai chắc được, có phải ngày xưa lính Quang Trung đội nón ấy hay không, nhưng có một điều chắc chắn là chiếc nón nhỏ xinh màu đỏ bày bán rất nhiều tại Tây Sơn vào ngày mùng 5 tháng Giêng âm lịch hàng năm đã trở thành một phần không thể thiếu của Lễ hội Đống Đa. Và, có thể nhiều người chưa biết về sự ra đời của chiếc nón ấy…

 

Ông giáo làng Nguyễn Đình Lương kể lại chuyện ông nghĩ ra chiếc nón Quang Trung. Ảnh: N.S

 

* Đội nón vừa xinh vừa mát

Một ngày tháng 11 âm lịch, đi ngang qua thị trấn Phú Phong, tôi bắt gặp một phụ nữ ngồi ở vỉa hè trên đường Quang Trung vừa trông hàng nước vừa tỉ mẩn làm nón. Ngừng tay, bà Hiệp - tên người phụ nữ - kể, bà làm nón mới chỉ 5 năm. Mùa làm nón Quang Trung để bán trong lễ hội Đống Đa thường bắt đầu từ sau Tết và kéo dài đến Tết năm sau. Hay nói đúng hơn, công việc làm nón được tiến hành quanh năm. Tranh thủ lúc trông hàng, khi chờ khách, bà Hiệp lại lấy dụng cụ ra làm nón.

Bà Hiệp làm 1 thiên nón (1.000 cái)/năm, nhưng hàng xóm của bà là chị Hồ Thị Tuyết thì được xếp vào loại làm nhiều nhất nhì Phú Phong, bởi chị có thâm niên 15 năm trong nghề và mỗi mùa lễ hội cung cấp cho thị trường 4-5 thiên nón.

Cả khu vực thị trấn Phú Phong có 4- 5 nhà chuyên làm nón binh Quang Trung với sản lượng khoảng 10 thiên nón/năm và bỏ sỉ là chủ yếu. Nón có hai loại: loại lớn có 12 sườn nón và loại nhỏ có 10 sườn. Chỉ tay vào chồng nón vừa may xong, chị Tuyết kể: “Bắt đầu từ năm trước, mấy hộ làm nón chúng tôi bàn nhau phải thay đổi mẫu mã để chiếc nón bắt mắt hơn”. Từ đó, thay vì chỉ sơn màu đỏ, nón binh Quang Trung được phủ thêm bên ngoài lớp vải đỏ in hình tượng đài Quang Trung và dòng chữ “Bảo tàng Quang Trung”, hoặc “Nghĩa binh Tây Sơn”, “Lễ hội Đống Đa”, viền nón bằng vải và tua len trên chóp đều có màu vàng. Kể chuyện làm nón xong, lại kể chuyện đi bán nón, chị Tuyết cười tươi: “Cứ túc ta túc tắc mà làm nên đâu có mệt, khi đi bán thì vừa bán vừa xem hội, nên vừa vui mà lại có tiền. Mà cái nón binh Quang Trung này không phải chỉ đội chơi đâu nghen. Dân Gia Lai đi lễ hội mua nón đội cho đẹp, sau đó về lại mua thêm để tặng bạn bè, người thân, vừa làm quà kỷ niệm vừa để đội đi làm rẫy cà phê vì nón gọn và mát”.

Nhưng ai là người đã nghĩ ra chiếc nón vừa xinh, vừa tiện ấy?

 

Đông đảo du khách đi Hội Đống Đa - Tây Sơn. Ảnh: Văn Lưu

 

* “Cha đẻ” của nón binh Quang Trung

Tôi tìm đến nhà thầy Lương, cũng ngay tại thị trấn Phú Phong, theo chỉ dẫn của những người làm nón. Hỏi ông có phải là người đầu tiên làm chiếc nón binh Quang Trung không, ông cười nheo mắt: “Trúng địa chỉ rồi đó”.

Dạo ấy, ông giáo làng Nguyễn Đình Lương thấy người ta đi hội Tây Sơn mà cứ phải lấy báo che nắng, bèn nghĩ phải làm ra một sản phẩm nào đó để khách phương xa đi hội vừa có cái che nắng, vừa làm quà lưu niệm, như kiểu bây giờ đi Nha Trang, Hạ Long thì mua áo thun có in chữ “Kỷ niệm Nha Trang”, “Kỷ niệm Hạ Long” vậy.

Nghĩ vậy, rồi ông liên tưởng, xứ mình lá kè nhiều, việc gì hồi đó Nguyễn Huệ không chằm cái nón lá cho quân lính đội nhỉ? Mà cũng có thể hồi đó lính Tây Sơn đội nón là vì nước mình bị ảnh hưởng của triều nhà Thanh bên Trung Hoa cũng nên? Vậy là hình dung ban đầu về một món quà lưu niệm trong lễ hội Tây Sơn đã có. Nhưng chiếc nón đó như thế nào?

Ông giáo nhớ lại: “Hoàng Lê Nhất thống chí gọi quân Tây Sơn là giặc ó, giặc xích mao - tức giặc tóc đỏ. Tôi suy ra, trên đầu nghĩa binh Tây Sơn lúc bấy giờ có một cái gì đó màu đỏ, có thể là dây buộc tóc, hoặc khăn đỏ. Vậy, phải là cái nón màu đỏ, nhỏ gọn chứ không như nón lá thông thường”. Rồi lại nhớ nón ngựa hồi xưa có chóp nhọn bằng bạc hoặc đồng, ông Nguyễn Đình Lương liên tưởng, vậy nón nghĩa binh Tây Sơn chắc cũng có hình dạng tương tự, dù chóp nón chẳng thể bằng bạc hay đồng (vì bạc, đồng đâu mà làm cho phỉ). Như vậy, đó sẽ là chiếc nón nhỏ, chóp nhọn sơn màu vàng (giả đồng) có cột dây vải đỏ, phần còn lại của nón cũng sơn màu đỏ, trên có dòng chữ Hán “Tây Sơn nghĩa binh”. Quai nón là hai dây vải đỏ hai bên để người đội tự cột cho vừa.

 

Nón binh Quang Trung đội vừa mát vừa xinh. Ảnh: N.S

 

Phác thảo về chiếc nón của nghĩa quân Tây Sơn xong, ông Lương thuê một phụ nữ có nghề chằm nón từ xã Bình Tân ra Phú Phong, ở nhà ông để làm nón theo đúng mẫu thiết kế của mình. Năm đầu tiên, đúng vào dịp kỷ niệm 200 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, ông làm 200 cái, “ký gởi” cho đám học trò đi hội vừa chơi vừa bán. Không ngờ người ta mua rầm rầm. Năm thứ hai, ông sản xuất 1 thiên nón, cũng bán hết veo. Những năm sau, mỗi năm ông làm 5 thiên. Làm như thế, được đúng 10 năm thì ông giáo làng bỏ nghề, dù có lúc ông cũng tính chuyện hùn hạp với bạn bè để “làm ăn lớn”. Hỏi sao nghỉ, ông đáp gọn lỏn: “Tôi ghét người ta bắt chước mình làm, mà làm sai mới nói chứ. Nón Quang Trung bây giờ như cái nón lá bình thường (chóp tà), đâu có giống cái nón hồi tôi nghĩ ra làm (chóp nhọn, có dải đỏ)”. Rồi nói thì nói vậy, nhưng có ai đặt hàng thì ông vẫn làm. Như Festival Tây Sơn - Bình Định năm 2008, ông sản xuất 5 thiên nón theo yêu cầu của một khách hàng ở Quy Nhơn, và làm theo mẫu mới như hiện tại.

Dù theo mẫu cũ như lúc mới “khai sinh” hay mẫu mới thì bây giờ, những chiếc nón nhỏ xinh màu đỏ treo dọc đường ở Tây Sơn vào những ngày hội Đống Đa cũng đã trở thành một phần không thể thiếu của lễ hội.

  • Nguyên Sương
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phim lịch sử cổ trang Việt Nam hoành tráng nhất  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2009  (01/02/2010)
Áo đẹp cho kiểng  (01/02/2010)
Võ sư Phi Long - một con rồng quy ẩn  (01/02/2010)
Giữ gìn cho mai sau  (01/02/2010)
Con cọp trong ca dao, tục ngữ  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2009  (01/02/2010)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2009  (01/02/2010)
Eo Nín Thở, ngày ấy - bây giờ…  (01/02/2010)
Phong tục đón Tết khắp nơi trên thế giới  (01/02/2010)
CLB Xuân Bình Định  (01/02/2010)
Nghĩa tình đồng đội của lực lượng vũ trang Hoài Ân  (04/01/2010)
Công tác hậu phương quân đội ở Cảng Quy Nhơn  (04/01/2010)
Lính trẻ dân vận  (04/01/2010)
Bà tôi ăn trầu  (04/01/2010)