Tuổi thơ với những đêm say mê xem hát bội đã gieo vào tâm hồn Lê Duy Hạnh ước mơ nghệ thuật. Niềm say mê ấy trở thành “cội nguồn” vững chắc nâng đỡ ông trong hành trình trở thành một trong những tác giả sân khấu hàng đầu Việt Nam.
|
Tác giả Lê Duy Hạnh tại phòng làm việc ở trụ sở Hội NSSK TP HCM. Ảnh: Hoài Thu
|
* Xem hát bội từ trong... bụng mẹ
Lê Duy Hạnh sinh năm 1947 tại ấp An Vinh, xã Bình An (nay là xã Tây Vinh), huyện Tây Sơn. Sau khi tốt nghiệp trung học Trường Cường Để và thi đậu vào Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học KHTN TP HCM), ông tham gia phong trào sinh viên – học sinh đấu tranh ở Sài Gòn và được kết nạp vào Đảng năm 20 tuổi.
- Tuổi thơ ở quê hương đã để lại cho ông ký ức sâu đậm gì ?
+ Mẹ tôi rất mê hát bội và khi mang bầu vẫn thường xuyên đi xem, nên tôi thưởng thức hát bội ngay từ trong bụng mẹ (cười). Sân khấu hát bội đối với tôi còn hơn cả sự say mê, nó là một thế giới lãng mạn và huyền bí. Ông nội tôi rất thích truyện Tàu, hay bảo tôi đọc cho ông nghe. Sân khấu hát bội lúc bấy giờ chủ yếu là diễn các tuồng tích Tàu, nên tôi đã thấy được sự liên kết giữa văn học với sân khấu. Làng tôi có phong trào xướng thơ Đường phát triển mạnh, nên tôi cũng có điều kiện để hiểu thêm các điển tích. Từ những hiểu biết này, khi xem các vở tuồng, tôi thấy dùng chữ Hán nhiều quá và không chuyển tải hết nội dung tác phẩm văn học. Năm 9 tuổi, tôi đã thử chuyển một số tuồng qua chữ Nôm dễ tiếp nhận hơn. Tôi cũng đứng ra tập hợp bạn cùng lứa để lập nhóm hát bội Đồng Ấu đi diễn khắp trong làng… Tôi chọn con đường sân khấu với ảnh hưởng rất lớn từ tuổi thơ.
- Ông đã tham gia phong trào sinh viên - học sinh đấu tranh ở Sài Gòn như thế nào ?
+ Trong phong trào sinh viên - học sinh có phần văn nghệ thì Trần Long Ẩn và Trương Quốc Khánh chuyên về vấn đề tân nhạc, còn tôi nghiên cứu dàn dựng các lớp hát bội, vài bài cải lương, rồi thử viết một số kịch ngắn. Vào năm cuối đại học, hoạt động bị lộ nên tôi vào chiến khu của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, tiếp tục tham gia sáng tác kịch bản kịch, cải lương cho các hoạt động phong trào. Cuối năm 1973 - 1974, tôi ra Bắc theo học trường Nguyễn Ái Quốc và trường viết văn Quảng Bá (sau này là trường viết văn Nguyễn Du).
|
Một cảnh trong vở kịch “Nỏ thần” (kịch bản Lê Duy Hạnh) đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
* Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
Sau giải phóng, Lê Duy Hạnh về lại TP HCM tham gia hoạt động sân khấu. Từ năm 1988 cho đến nay, ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội NSSK TP HCM và Phó Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam. Lê Duy Hạnh hiện đã viết được hơn 50 kịch bản tuồng, cải lương, kịch. Trong đó có rất nhiều vở đã đoạt huy chương Vàng trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật lần đầu tiên vào năm 2001, Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2009.
- Ông chuẩn bị như thế nào để từ hoạt động phong trào trở thành tác giả kịch bản chuyên nghiệp ?
+ Sau giải phóng, tôi đã trải qua một giai đoạn cộng tác, học hỏi viết kịch bản chung với các diễn viên kịch, cải lương và nhà văn. Năm 1980, được Nhà nước cho đi Hungary để tham quan, nghiên cứu trong 2 tháng. Trở về nước, tôi viết kịch bản vở Tâm sự Ngọc Hân, thể hiện cách nhìn về hôn nhân giữa Ngọc Hân - Nguyễn Huệ là sự kết hợp giữa triều đại cũ - mới không hề đơn giản… Vở diễn này đã được đoàn Văn công TP HCM diễn cả ngàn suất, đánh dấu bước chuyển thực sự của tôi sang con đường sáng tác chuyên nghiệp.
- Trong điều kiện sân khấu thiếu thốn kịch bản hay như hiện nay, ông vẫn đều đặn cho ra đời các kịch bản có chất lượng cao. Phải chăng ông có “bí quyết”…?
+ Phải giải quyết cho được vấn đề quan hệ giữa kế thừa truyền thống và phát triển hiện đại. Nếu giữ truyền thống mà không tiếp nhận hiện đại thì bảo thủ, còn nếu bỏ truyền thống chỉ đi theo hiện đại thì lai căng. Tôi tiếp nhận cái hay của sân khấu quốc tế với một tư duy “khai phóng”. Quan niệm của tôi là tìm tòi và khai phá những sự mới lạ, nhưng phải trên cơ sở “dung hòa” và giữ vững được cái gốc của truyền thống. Cũng cần phải nói đến một “bí quyết” quan trọng rằng, ngôn ngữ hát bội đi vào tâm hồn tôi rất nhiều từ tuổi thơ, nên sau này viết kịch bản thì ảnh hưởng dữ lắm! Mà nghệ thuật hát bội gần như là chuẩn mực của sân khấu truyền thống Việt Nam.
|
Cảnh trong vở cải lương “Dời đô” (kịch bản Lê Duy Hạnh) đạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
* Phải tôn trọng tính chân thực của lịch sử
Nhiều kịch bản về đề tài lịch sử của tác giả Lê Duy Hạnh có góc nhìn riêng và gây được tiếng vang lớn. Gần đây phải kể đến vở cải lương Chiếc áo Thiên nga được dàn dựng năm 2008 với kinh phí kỷ lục 2 tỉ đồng, vở kịch Nỏ thần đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009…
- Ông quan niệm như thế nào khi viết về các nhân vật lịch sử ?
+ Phải tôn trọng chân thực lịch sử, biết hư cấu lịch sử theo tính thời đại vì khán giả hôm nay chứ không phải là bóp méo, xuyên tạc lịch sử theo cá nhân. Chẳng hạn như trong vở Nỏ thần, tôi xây dựng hẳn hình ảnh Trọng Thủy phản chiến, chống lại mưu đồ chính trị của Triệu Đà…
Nhân vật Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lê Duy Hạnh. Các kịch bản của ông về đề tài này đã được Nhà hát Tuồng Đào Tấn dàn dựng thành công rực rỡ như Mặt trời đêm thế kỷ, Bùi Thị Xuân hồi kết cuộc, Trời Nam.
- Ông đã có góc nhìn “lạ” về Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ trong các kịch bản của mình. Điều này xuất phát từ đâu ?
+ Tuổi thơ ở làng, tôi được nghe về Quang Trung - Nguyễn Huệ không phải như chính sử, mà là các giai thoại truyền miệng như chuyện Nguyễn Huệ học thầy giáo Hiến, chuyện ông cũng tham gia hát bội từ nhỏ… Quang Trung – Nguyễn Huệ đối với tôi vừa là sự ngưỡng mộ cao cả, vừa gần gũi, thân thiết một kiểu nào đó giống như Bác Hồ. Trong Tâm sự Ngọc Hân, tôi khai thác hình ảnh Nguyễn Huệ trong vai trò người chồng. Trong vở Mặt trời đêm thế kỷ, tôi đã xây dựng một cảnh thể hiện ý Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ mà đi theo nghiệp hát bội thì ông sẽ là một diễn viên giỏi…
- Đặt nhân vật anh hùng như Quang Trung - Nguyễn Huệ vào những hoàn cảnh quá bình thường, liệu có trở nên phản tác dụng khi “tầm thường hóa” họ ?
+ Điều này đòi hỏi phải có sự khéo léo trong sắp đặt tình huống bình thường để nhân vật thể hiện chất anh hùng. Bởi trong cùng một hoàn cảnh chung, thì người anh hùng luôn có suy nghĩ và hành động vượt lên trên số đông những người bình thường khác. Hồi nhỏ tôi được nghe giai thoại mỗi khi vượt sông Côn mùa nước lũ để qua nhà thầy giáo Hiến học, Nguyễn Huệ bao giờ cũng vượt trước thì người khác mới dám theo sau. Nên người làng tôi sau này có ai ngần ngại vượt sông Côn mùa lũ, thì hay động viên nhau là “lấy tinh thần ông Ba Thơm (Nguyễn Huệ) mà qua sông…”.
* “Hạnh phúc khi được sống như thế giới tuổi thơ mong muốn”
Hiện tại, mỗi kịch bản của tác giả Lê Duy Hạnh được các đơn vị nghệ thuật trả đến 100 triệu đồng. Nhưng ông vẫn đi chiếc xe cúp cũ từ sau giải phóng đến nay, không xài điện thoại di động, phòng làm việc vẫn còn chiếc tủ đã sử dụng được mấy chục năm…
- Sau bao nhiêu năm theo con đường tác giả chuyên nghiệp, ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại ?
+ Tôi hạnh phúc vì đã không đánh mất đi niềm đam mê nhen lên từ tuổi thơ. Tôi có một gia đình cũng tràn đầy hạnh phúc. Vợ tôi (Tiến sĩ triết học Hoàng Thị Hạnh) đồng cảm, chia sẻ với chồng. Con trai lớn của tôi là Tiến sĩ toán học đang giảng dạy tại Đại học Ankasas bên Mỹ, con trai út cũng đang học công nghệ thông tin bên đó. Tôi cũng có được những người bạn tốt bên cạnh.
- Là người có tư tưởng hiện đại khi viết kịch bản, nhưng có vẻ ông hơi “cổ điển” khi sử dụng các phương tiện vật chất ?
+ Tính tôi thích sự giản dị. Tôi không xài điện thoại di động vì những ai thực sự cần tìm mình thì sẽ tìm được và ngược lại…
- Xin cảm ơn ông !
|