Đến giờ, người mê tuồng Bình Định không còn mấy ai xa lạ với cái tên Hoàng Minh, một nghệ sĩ hát bội nông dân tài danh, “ông bầu” đoàn Tuồng Phước An (Tuy Phước). Song, ít người hiểu rằng, trong anh luôn đau đáu về con đường lưu truyền nghệ thuật cổ truyền của cha ông…
|
Nghệ sĩ Hoàng Minh (thứ hai từ phải qua) tại Liên hoan Kịch ngắn - Kịch vui toàn quốc lần thứ V tổ chức tại Quảng Ngãi. Ảnh: N.V.Trang
|
* Hai cánh đồng...
Hoàng Minh nói anh rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống hát bội. Ông ngoại anh là Chánh ca Đựng (Võ Đựng), một trong những học trò đầu tiên của ông tổ hát bội Đào Tấn. Các con của Chánh ca Đựng - con trai là bầu Thơm, hai con gái là Ngọc Sâm, Ngọc Cầm đều nối nghiệp cha tỏa sáng trong sân khấu tuồng. Hoàng Minh lớn lên trong sự bao bọc, nuôi dưỡng niềm đam mê tuồng của họ hàng bên ngoại.
Ngoại tứ tuần, Hoàng Minh đã gắn bó với tuồng trên ba chục năm. Ngoài gia đình, anh còn được tiếp xúc với tuồng từ con đường học tập bài bản. Bốn năm học tuồng ở Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, anh được các thầy Đinh Quả, Hoàng Ngọc Đình… tận tình dạy dỗ. Năm 1983 ra trường, anh “đầu quân” cho Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Ở nhà hát được hơn 5 năm, anh xin về đoàn Tuồng Hoàng Mai ở Phước An (do kép Cẩm - con rể của nghệ sĩ Ngọc Sâm lập nên), để đoàn tụ với người vợ - nghệ sĩ Ngọc Hương.
Từ dạo ấy đến nay, đôi vợ chồng ngoài đời, cặp nghệ sĩ ăn ý trên sân khấu ấy vẫn chung sống trong căn nhà nhỏ cạnh đồng lúa, ao cá. Hoàng Minh bảo, đời nghệ sĩ tuồng không chuyên mỗi năm chỉ có tháng Giêng được sống với tuồng, thời gian còn lại phải quần quật với ruộng đồng. Ngoài thời gian chăm hai sào ruộng, anh chị còn làm công nhân xưởng gỗ. Rảnh rỗi, anh thư giãn với thú vui chăm vườn cây cảnh. Nói về cuộc mưu sinh của những nghệ sĩ tuồng không chuyên, Hoàng Minh ngậm ngùi: “Chúng tôi cày ải trên hai cánh đồng, một cánh đồng lung linh, rực rỡ ánh đèn sân khấu; một cánh đồng ướt đẫm mồ hôi và mùi bùn non lam lũ”…
|
Một cảnh trong vở tuồng “Tam Hạ Nam Đường” do các nghệ sĩ không chuyên ở Tuy Phước biểu diễn. Ảnh: Hoàng Vân
|
* Là hơi thở, là máu thịt...
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đoàn Tuồng Hoàng Mai bắt đầu tan rã. Số diễn viên “đồng ấu” ngày xưa đã trưởng thành, không thể mưu sinh bằng nghiệp hát, họ đành “bỏ cuộc chơi”.
Năm 1996, với sự giúp đỡ của các “bậc tiền bối” như Hoàng Ngọc Đình, Nguyễn An Pha…, Hoàng Minh bắt tay khôi phục lại đoàn Tuồng Hoàng Mai, đổi tên thành đoàn Tuồng Phước An. Từ đó, không chỉ là một diễn viên, anh còn kiêm luôn nhiệm vụ đạo diễn, đồng thời là “ông bầu” của đoàn. Từ một nghệ sĩ nông dân, anh phải tự học hỏi, rèn luyện, trang bị cho mình những tố chất của một “ông bầu”. Giữa thời buổi nghệ thuật tuồng khó đủ đường, anh cố gắng chăm chút cho đoàn Tuồng gần ba chục thành viên. “Phải coi họ như anh em trong gia đình, cư xử với nhau bằng cái tình cái nghĩa thì mới níu họ ở lại với đoàn của mình được”- anh bật mí.
|
Chăm vườn cây cảnh là thú vui hàng ngày của Hoàng Minh. Ảnh: N.V.Trang |
Nghệ sĩ Hoàng Minh tên đầy đủ là Nguyễn Hoàng Minh, sinh năm 1965 ở thôn An Hòa, xã Phước An, huyện Tuy Phước. Bắt đầu diễn tuồng năm 13 tuổi với vai Trịnh Ấn; sở trường với các vai kép trắng (vai Địch Thanh trong vở “Ngũ Hổ Bình Tây”), kép đỏ (vai Cao Hoài Đức trong vở “Đào Tam Xuân loạn trào”). Huy chương Bạc Liên hoan Kịch ngắn - kịch vui toàn quốc lần thứ V, năm 1996 với vai Diêm Vương trong vở “Địa ngục trần gian”; giải Nhì tại Liên hoan Sân khấu truyền thống không chuyên tỉnh Bình Định năm 2003. |
Đoàn Tuồng Phước An giờ nhìn trước ngó sau toàn những người cùng thế hệ với Hoàng Minh, đều là những nghệ sĩ ngoại tứ tuần. Thời buổi văn minh, thế hệ trẻ của làng tuồng chẳng còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông. Dẫu vậy, vợ chồng anh vẫn ấp ủ nguyện ước đào tạo được một thế hệ mới cho làng tuồng. Nghệ sĩ Ngọc Hương từng có 6 học trò nữ tham gia biểu diễn ở các sân khấu tuồng không chuyên. Nhưng rồi, các em cũng không thể đi tiếp con đường nghệ thuật. Hoàng Minh cho rằng, làm nghệ sĩ đã khó, mà nghệ sĩ hát tuồng càng khó hơn. Tuồng kén người, phải chọn được các em có “thanh”, có “sắc” mới dám đào tạo. Để thành nghệ sĩ tuồng thực thụ, các em phải đánh đổi nhiều thứ. Nếu các em không thành công, dở dang chuyện học hành, sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh.
Mở lớp dạy tuồng không thành công, anh chị quyết tâm cho con theo tuồng. Con gái lớn Nguyễn Thị Quý Thương “thanh”, “sắc” đều tốt nhưng lại không thích tuồng. Vợ chồng anh “ép” con xuống thi tuyển vào lớp diễn viên Tuồng khóa 6 của Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh. Con thi đậu, nhập học rồi, anh lại lo. Con đang tuổi ăn tuổi chơi, vốn chẳng mê tuồng, lỡ con bỏ giữa chừng, “thầy không ra thầy, thợ chẳng nên thợ”, anh sẽ ân hận lắm. Nhưng cũng may, sau một thời gian học hỏi, Thương đã hiểu và yêu tuồng. Giờ Thương đã tìm thấy niềm vui trong việc học tập, tiến bộ rất nhanh.
Tuy vóc dáng, giọng ca không bằng chị, nhưng Nguyễn Thị Thừa lại thích và tập hát tuồng ngay từ nhỏ. Em từng diễn vai Trịnh Ấn (vở “Đào Tam Xuân loạn trào”) trong Hội diễn Nghệ thuật không chuyên toàn tỉnh năm 2005, được Sở Văn hóa - Thông tin tặng giấy khen. Hoàng Minh nói chắc nịch: “Vợ chồng tôi tính rồi, Thương học xong sẽ đi theo con đường diễn viên tuồng chuyên nghiệp. Còn gánh tuồng “nông dân” này tôi sẽ truyền nghề rồi giao cho Thừa tiếp quản. Làm sao cho gánh hát của gia đình không “chết” là ước nguyện lớn nhất của tôi…”.
Và, để tuồng còn mãi trên mảnh đất tuồng cũng là nguyện ước của những nghệ sĩ sống với tuồng, coi tuồng là một phần không thể thiếu của đời mình…
|