Nhớ về Ngân tín Bình Định
21:57', 1/2/ 2010 (GMT+7)

Mùa xuân năm 1975, trong đoàn quân cách mạng tiến vào giải phóng Quy Nhơn có một lực lượng khá đặc biệt mang tên Ngân tín Bình Định (NTBĐ). 35 năm trôi qua, giờ đây kỷ niệm về một thời hào hùng vẫn luôn nồng ấm trong ký ức của mỗi người lính NTBĐ năm xưa qua cuộc trò chuyện với ông Tạ Thanh Liêm -- nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam- Chi nhánh Bình Định, hiện là Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh - một trong những cán bộ NTBĐ đầu tiên tiến vào giải phóng Quy Nhơn, tiếp quản các ngân hàng (NH) của chế độ cũ…

 

Trụ sở Việt Nam Thương Tín Ngân hàng (hiện là trụ sở Chi nhánh NHNN-PTNT Quy Nhơn)- nơi ông Tạ Thanh Liêm tiếp quản đầu tiên vào mùa Xuân 1975.

 

Ông kể: Năm 1967, tôi thoát ly tham gia cách mạng. Có lẽ là “duyên phận” nên ngay ban đầu tôi đã được phân công về Ban Tài mậu tỉnh Bình Định. Cuối năm đó, tôi được chọn tham dự một lớp nghiệp vụ về ngân tín tổ chức tại Hoài Nhơn. Đây là lớp đào tạo nhằm chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân (1968). Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, cùng với một số anh em, tôi xung phong ra Quảng Nam cõng tiền về Bình Định. Mỗi người khi đó cõng khoảng 30-35kg tiền Mặt trận DTGPMNVN. Với yêu cầu giữ bí mật, chúng tôi cõng tiền đi theo đường Truờng Sơn, khoảng 20 ngày mới tới nơi. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào kho 93 ở Vĩnh Thạnh. Sau Tết Mậu Thân thì NH Bình Định chính thức được thành lập, với tên gọi Tiểu ban Ngân tín (TBNT)…

- Xin ông cho biết, hoạt động của TBNT khi đó?

+ TBNT khi đó thuộc Ban Tài mậu tỉnh, với khoảng trên 40 người, do đồng chí đồng chí Võ Văn Kiểu (sau này là Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh) làm Trưởng Tiểu ban, và đồng chí Phạm Hồng Hải làm Phó Tiểu ban. Nhiệm vụ chính của TBNT khi đó là tăng gia sản xuất, tự túc lương thực và làm công tác tín dụng đối với đồng bào vùng giải phóng; đồng thời thực hiện “chế biến đôla” - (USD).

- Ông có thể giải thích rõ hơn về nhiệm vụ “chế biến USD”? 

+ Hồi đó, chủ trương của Đảng ta là “dùng tiền Mỹ, đánh Mỹ”. Từ tiền USD do các nước XHCN viện trợ, ta bí mật đưa vào miền Nam, rồi chuyển cho Ban Tài mậu và Ngân tín Khu 5. Sau đó, USD được chuyển đến TBNT các tỉnh, và chúng tôi có nhiệm vụ “chế biến”, đổi ra tiền ngụy, để cung cấp cho các đơn vị. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải xây dựng những đường dây từ các cơ sở hợp pháp ở Mỹ Hiệp (Phù Mỹ), Cát Hanh (Phù Cát), khu Đông núi Bà…, đến các NH tư nhân ở Quy Nhơn để đổi USD sang tiền ngụy. Sau đó, chúng tôi chuyển tiền về kho trung chuyển ở An Lão để giao cho các đơn vị. Có thể nói, “chế biến USD” là công việc hết sức khó khăn, nguy hiểm; song TBNT đã nỗ lực vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài việc đảm bảo cung cấp tài chính cho các đơn vị của tỉnh, TBNT còn chi viện cho các tỉnh Liên Khu 5 và Sư đoàn 3 Sao Vàng. Theo thống kê, trong vòng 10 năm (1965-1975), NTBĐ đã chuyển đổi hàng chục triệu USD và nhận hàng chục tỉ đồng tiền ngụy, góp phần vào thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam…

- Trong chiến dịch giải phóng tỉnh nhà, mùa Xuân 1975 lịch sử, TBNT tham gia như thế nào?

+ Nhiệm vụ của TBNT khi đó được quán triệt là khi Quy Nhơn giải phóng thì tiếp quản các cơ sở, hệ thống NH của chế độ cũ. Ngày 20.3.1975, từ căn cứ, chúng tôi bắt đầu chuyển xuống tập kết tại Cát Sơn (Phù Cát) để chuẩn bị vào giải phóng Quy Nhơn. Ngày 29.3, từ núi Bà, chúng tôi đi thuyền theo đầm Thị Nại, khoảng mờ sáng ngày 30.3 xuống đến Quy Nhơn. Từ đây, các lực lượng triển khai nhiệm vụ của mình. Riêng TBNT chúng tôi phân công địa bàn, NH sẽ tiếp quản. Tôi phụ trách việc tiếp quản các NH khu vực đường Gia Long (Trần Hưng Đạo ngày nay), Cường Để (Trần Phú)…

Chiều 30.3, chúng tôi tiến hành tiếp quản các NH. Đầu tiên, tôi gặp người gác gian (tức bảo vệ) tên là Tản, ở NH Việt Nam Thương Tín (nay là trụ sở Chi nhánh NH NN-PTNT Quy Nhơn). Tôi yêu cầu anh ta giao toàn bộ chìa khóa và tiến hành kiểm tra, thu giữ giấy tờ, hồ sơ, sổ sách liên quan đến hoạt động của NH này. Tiếp đó, chúng tôi lần lượt tiếp quản các cơ sở: Nam Đô NH, Đông Phương NH, Công Thương NH, Kỹ Thương NH… Khoảng mấy ngày sau, một số chủ NH do kẹt ở Nha Trang phải quay lại Quy Nhơn. Chúng tôi liền vận động họ đến nhiệm sở, bàn giao sổ sách, tài liệu; đồng thời thông báo đến các nhân viên, công chức NH chế độ cũ trở lại làm việc…

- Vậy vai trò, chức năng của NTBĐ sau giải phóng như thế nào, thưa ông?

+ Chỉ ít ngày sau khi Quy Nhơn - Bình Định được giải phóng, NTBĐ được thành lập với tên gọi mới: NHNN Bình Định. Thời gian đầu, NHNN tỉnh hoạt động tại trụ sở của Việt Nam Thương Tín NH. Đồng chí Nguyễn Kiểu được cử làm Giám đốc, còn đồng chí Phạm Hồng Hải làm Phó Giám đốc. Sau đó, theo chủ trương của trên, ta thành lập Chi nhánh NHNN thị xã Quy Nhơn, đóng trụ sở tại Trung Việt NH (tức Chi nhánh Vietcombank Quy Nhơn bây giờ). Nhiệm vụ chính của NHNN những ngày đầu sau giải phóng là quản lý, điều hành hoạt động của NHNN các huyện, cho vay sản xuất, phát triển kinh tế, điều tiết, cấp phát kinh phí, ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, thực hiện nhiệm vụ đổi tiền… Như vậy, không chỉ đóng vai trò quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, NTBĐ còn góp phần không nhỏ trong việc kiến thiết, xây dựng Quy Nhơn - Bình Định những ngày mới giải phóng…

- Trải qua 35 năm, ông có nhận xét, đánh giá gì về sự phát triển của ngành NH tỉnh nhà?

+ Tôi nhớ, năm 1975 khi tiếp quản các NH thương tín của chế độ cũ, hầu hết đều là NH của tư nhân. Điều kiện cơ sở, phương tiện, trang thiết bị của các NH bấy giờ còn khá lạc hậu. Cho đến giai đoạn 1986-1987, do yêu cầu của thực tế, lần lượt các Chi nhánh NH chuyên doanh được hình thành và hoạt động độc lập, như: NN-PTNT, Công Thương, ĐT-PT, Ngoại thương. Giờ đây, hệ thống NH Bình Định đã phát triển lớn mạnh, hàng loạt NHTM ra đời, với đội ngũ cán bộ, nhân viên đông đảo, được đào tạo cơ bản, có tay nghề cao, cùng với những phương tiện, trang thiết bị hiện đại. Đây là điều đáng tự hào của cán bộ, nhân viên ngành NH Bình Định…

  • Viết Hiền (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nghệ sĩ Hoàng Minh, “chân đất đi hia”  (01/02/2010)
Thơ  (01/02/2010)
Câu đối  (01/02/2010)
“Ngôn ngữ hát bội đã đi vào tâm hồn tôi từ tuổi thơ”  (01/02/2010)
Văn nghệ sĩ Bình Định và những ấp ủ  (01/02/2010)
Đi Hội Đống Đa, nhớ mua chiếc nón…   (01/02/2010)
Phim lịch sử cổ trang Việt Nam hoành tráng nhất  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2009  (01/02/2010)
Áo đẹp cho kiểng  (01/02/2010)
Võ sư Phi Long - một con rồng quy ẩn  (01/02/2010)
Giữ gìn cho mai sau  (01/02/2010)
Con cọp trong ca dao, tục ngữ  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2009  (01/02/2010)
10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2009  (01/02/2010)
Eo Nín Thở, ngày ấy - bây giờ…  (01/02/2010)