Ấy là câu chuyện về cỏ cây hoa lá mùa xuân; về những người đã dày công gieo trồng, vun xới để cây đâm chồi, nảy lộc hay cất công đi tìm những giống cây lạ làm cho thị trường hoa ngày xuân thêm phong phú, đa dạng…
|
Chợ hoa Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu
|
1.
20 tháng Mười một âm lịch, nắng hanh hao trải vàng trên những cánh đồng của huyện Tuy Phước. Đến xóm Nam, thôn Liêm Thuận thuộc xã Phước Thuận, tôi tình cờ gặp hai vợ chồng già đang ngồi cẩn thận tách những đóa hoa vạn thọ giống đã khô giòn, chuẩn bị gieo những rò vạn thọ mới. Những hạt giống hoa nhỏ li ti, chỉ nhỉnh hơn sợi tóc một tí, bay trong gió theo nhịp tay vãi hạt của ông cụ.
“Đây là đợt hoa gieo trúng rằm tháng Hai âm lịch, chứ hoa Tết thì tôi đã chuẩn bị từ hai tháng trước lận”- ông Ngô Hảo Cừu (tên người đàn ông) nói.
Năm nay 63 tuổi, ông Cừu có thâm niên trồng vạn thọ đã 20 năm. Vườn hoa nhà ông rộng độ hơn hai trăm thước vuông, ông chia làm 6 ô, cứ ba tháng thì thu hoạch một đợt, “xoay tua” đủ 12 tháng trong năm. Hoa nở quanh năm, từ vạn thọ sắc đỏ, sắc vàng, vạn thọ kim nhung nở quanh năm đến vạn thọ giống Thượng Hải, vạn thọ kim (giống Pháp) chỉ nở trong dịp Tết Nguyên đán… Cả khi những tháng hè gay gắt nhất, vườn vạn thọ nhà khác không mọc nổi, mà nếu có, hoa cũng rất èo uột thì ở vườn nhà ông, cây vẫn cứ xanh mướt, hoa cho bông đều từ gốc lên đến ngọn.
“Cái anh vạn thọ vốn là loài hoa bình dân, là hoa của người nghèo. Nó dễ trồng, dễ mọc, song biết cách chăm thì hoa mới không phụ công người”-ông Cừu tâm sự. Chẳng hạn, cũng là vạn thọ nhưng vạn thọ sắc đỏ thì thời gian trồng, nở bông lâu hơn vạn thọ sắc vàng. Vậy nên, muốn thu hoạch cùng lượt thì phải canh gieo trước nửa tháng. Hay, khi trời đã sang tiết Lập hạ (vào hè), thì phải gieo hạt như sạ ruộng trên rò, sau đó loại bỏ những cây yếu chứ không gieo, cấy như mùa Đông, Xuân. Đồng thời, khi làm đất phải long nước cho thật kỹ, giữ độ ẩm lâu đến ba, bốn ngày…. Còn hoa để làm giống phải lựa giống Đông - Xuân, phơi cho đến khi khô giòn, chờ đúng trưa- khi nhiệt độ trong ngày cao nhất- thì đem ra ngoài nắng mà vào từng bì một… Kinh nghiệm trồng vạn thọ của ông Cừu chỉ đơn giản vậy, nhưng đúc kết cả đời làm hoa mới có được bấy nhiêu…
|
Càng cận Tết, khách đến xem và mua các loại hoa, lá tại cửa hàng của anh Trần Văn Lai (bìa phải) ngày càng đông.
|
2.
Khác với ông Cừu, anh Trần Văn Lai, chủ tiệm sinh vật cảnh Hoàng Lai (ở khu chợ triển lãm, phía đường Lê Duẩn, TP. Quy Nhơn) chỉ là người mua đi bán lại các lá, hoa, chậu kiểng. Trước đây, anh Lai đã qua nhiều nghề nhưng không thành công; vài ba năm nay anh chuyển sang kinh doanh sinh vật cảnh. Ban đầu anh chuyên về cây cảnh bon sai, nhưng thấy không ăn thua nên chuyển hẳn sang hoa, lá.
Muốn nhiều người đến mua hàng thì hoa phải đẹp, độc đáo. Muốn vậy, phải chịu khó đi lùng sục… - anh Lai nghĩ đó là cách lôi kéo khách hiệu quả nhất với người “sinh sau đẻ muộn” như mình. Vợ chồng anh đã bỏ công vào tận các nhà vườn ở TP. Hồ Chí Minh, Sa Đéc tìm hiểu các loại hoa, lá cảnh và đặt hàng với họ. Dăm bữa, nửa tháng, vợ chồng anh thay phiên nhau vào trong đó, “nghiên cứu” thêm một số loài hoa mới đem về. “Hàng của tôi có một số cây “độc” mà những hàng khác ở Quy Nhơn không có như các cây Tai Phật, May mắn, Phát lộc, Tỉ phú…”- anh Lai khoe.
3.
Trong những khách đến thưởng lãm, mua cây cảnh tại cửa hàng Hoàng Lai, tôi gặp chị Đinh Thị Thúy Vân (số 628 Nguyễn Thái Học, TP Quy Nhơn) đang đi chọn mua một số loại cây để chuẩn bị chơi Tết. Chị cho biết:. “Bản thân tôi chỉ thích các loại hoa, nhưng theo thuật phong thủy thì ông xã mệnh Mộc, hợp với các loại cây có màu xanh trong nhà. Bởi vậy, tôi thường mua cả hai loại. Tôi nghĩ, ngày Tết, nên chưng các loại cây Phát tài, May mắn, hay Phát lộc để cả năm được may mắn…”. Theo anh Lai, càng cận tết, các loại hoa có sắc vàng, hồng tươi, đỏ rực rỡ như Hải Đường, Đỗ Quyên… hoặc các loại cây lá như Phát tài, Lộc May mắn, Đồng tiền… bán chạy hơn cả, bởi lẽ chúng tượng trưng cho sự ấm áp, hạnh phúc, viên mãn cho cả một năm mới đến.
Ông Ngô Hảo Cừu cho biết, những năm gần đây, đời sống nông thôn ngày càng khá hơn, một số gia đình có điều kiện đã dùng các loại hoa khác như cúc, ly ly… cúng rằm, mùng một hay Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, phần đông vẫn trung thành với hoa vạn thọ. Bởi lẽ, hoa vạn thọ không chỉ rẻ, mà còn tượng trưng cho sự trường cửu. Đám cưới ngày xưa, khi dùng hoa vạn thọ, người ta thường đếm bông đến chữ Lão (trong Sinh, Lão, Bệnh, Tử) để tân lang, tân nương sống với nhau đầu bạc răng long; còn khi thượng lương (gác đòn dong nhà) người ta đếm đến chữ Sinh…
|
Ông Ngô Hảo Cừu đang chăm sóc những rò vạn thọ chuẩn bị bán Tết. Ảnh: T.H
|
4.
Nhân nhắc đến hoa vạn thọ, bỗng dưng tôi lại nhớ Tết Nguyên đán của vài năm trước. Khi ấy, trong muôn vàn sắc hoa xuân ở đại lộ Nguyễn Tất Thành, lần đầu tiên xuất hiện những chậu vạn thọ Pháp giản dị, vừa đủ nhỏ để chưng trên bàn thờ, được bán với giá rất khiêm tốn 5.000 đồng/chậu. Năm ấy, người Quy Nhơn đi dạo hoa Tết về, trên tay đều có vài chậu vạn thọ để chưng trên bàn thờ. Hoa vạn thọ ở xã Mỹ Hòa (huyện Phù Mỹ) có tiếng từ dạo ấy…
Chuyện về cỏ, cây, hoa lá mùa xuân hãy rất còn dài, và còn nhiều điều để nói, nhất là trong mùa xuân, mùa cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc. Bỗng dưng, không thể kìm lòng mà cất lên những ca từ rất đỗi quen thuộc: “Này là cỏ non rất mềm, này là rất thơm. Này là giọt sương trĩu nặng, hạt ngọc lá cỏ….”.
|