Những người canh giữ “mắt biển”
16:55', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Bất kỳ hoàn cảnh nào, chiến sĩ hải quân Trạm rađa 555 (thuộc Tiểu đoàn 351, Vùng C Hải quân) đóng quân trên đỉnh núi Gành, thôn Phổ Minh 1, xã Cát Minh (Phù Cát) đều phải luôn dõi “mắt thần” canh giữ vùng biển quê hương. Công việc của các anh như đôi mắt không bao giờ khép.

 

Quan sát mặt biển bằng kính quang học. Ảnh: Văn Thống

 

Một ngày cuối năm, theo chân thiếu úy Nguyễn Quang Hưng (quê Thanh Hóa), chúng tôi vượt qua những đoạn đường dài gần 2km, dốc đứng, hiểm trở, phải mất 4 lần dừng chân nghỉ ngơi, mới lên được Trạm rađa 555 trên độ cao 338m so với mực nước biển. Đứng trên cao quan sát bằng mắt thường, khi trời quang mây tạnh, có thể nhìn xa khoảng 40km, còn nếu nhìn từ kính viễn vọng có thể xa hơn.

Thiếu tá, Trạm trưởng Hoàng Thanh Hải (quê Hà Nội) cho biết, nhiệm vụ của Trạm rađa 555 là tổ chức quan sát, phát hiện kịp thời các mục tiêu trên biển thuộc khu vực được phân công từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho đến núi Chóp Chài (Phú Yên), với bán kính từ 60 - 65 hải lý; phát hiện tàu địch, các tàu ngầm…; quan sát các phương tiện tàu đánh cá của nhân dân; máy bay tầm thấp trên mặt biển. Được tận mắt nhìn thấy công việc của những người lính rađa, chúng tôi cảm nhận được tinh thần trách nhiệm rất lớn của các anh. Đôi mắt luôn dõi theo từng làn sóng tỏa ra rồi thu về ở ngoài khơi xa hàng chục hải lý. Mỗi chi tiết nhỏ hiện lên trên màn hình được họ quan sát chặt chẽ, tỉ mỉ.

Các anh cho biết, mỗi ngày, tần sóng thu và quan sát được hàng nghìn vật thể giữa biển khơi mà chủ yếu là tàu thuyền đánh cá của ngư dân. Biển bình yên, lính rađa cảm thấy vui mừng. Tuy nhiên, không vì vậy mà họ lơ là, mất cảnh giác. Ngoài các màn hình phát sóng tần số cao, ở phía ngoài, một chiến sĩ khác cũng quan sát khu vực gần bờ bằng ống nhòm hiện đại.

 

Quan sát trên màn hình rađa. Ảnh: Văn Thống

 

Chuẩn úy Lê Văn Hiền quê ở xã Nhơn Lộc (An Nhơn) cho hay: Sau một kíp trực, chúng tôi lại tổ chức ca hát, chơi đàn, đọc sách báo. Lính rađa chúng tôi có nhiều cái nhất: ở nơi cao nhất, đường đi khó nhất và xa vợ con nhiều nhất, nhiều năm liền phải đón Tết xa nhà... Tuy nhiên, anh em cũng hết sức tự hào vì rất nhiều người bảo chúng tôi là “những con mắt thần canh giữ biển khơi”…

Cái khó nhất mà các chiến sĩ rađa gặp phải là điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Lạnh, gió mạnh thổi hơi nước biển lên nhiều nên thường xuyên phải sống trong môi trường ẩm ướt, khó chịu, nhất là những lúc gió mùa đông bắc ập đến.

Do đường đi hiểm trở nên việc vận chuyển lương thực, thực phẩm lên Trạm gặp nhiều khó khăn. Vào mùa khô, cán bộ, chiến sĩ phải cõng nước lên để sinh hoạt, mỗi cán bộ, chiến sĩ chỉ được sử dụng 5 lít nước/ngày. Thiếu nước, anh em phải nhịn tắm cả tuần, khi được thay ca xuống núi mới tắm.

 

Bồn chứa nước mưa để cán bộ, chiến sĩ trạm sinh hoạt. Ảnh: Văn Thống

 

Trung úy Ngô Văn Sơn (quê Nam Định), có 14 năm làm lính hải quân ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), mới chuyển về Trạm rađa 555 hơn 1 năm nay, tâm sự: “Do đóng quân ở trên cao nên khí áp thay đổi đột ngột dễ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, máy rađa phát - thu sóng tần số cực mạnh, cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Nhiều chiến sĩ mới đầu làm nhiệm vụ đều cảm thấy bị sốc, dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước. Nhưng cái đáng nói nhất là anh em chúng tôi phải sống xa gia đình thường xuyên. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.

Theo đại úy Trần Quyết Định, Chính trị viên Trạm rađa 555, để chuẩn bị cho anh em trong đơn vị đón Tết năm nay được đầy đủ, ấm cúng, đơn vị đã tăng gia sản xuất: trồng rau xanh, nuôi cá, nuôi dê… đủ dùng trong dịp Tết. Đồng thời trong những ngày Tết, đơn vị cũng sẽ thay đổi ca trực, thay vì một tuần xuống còn 3 ngày để mọi người cùng hưởng được không khí Tết.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)
Vì sự bình yên trên quê hương Nguyễn Huệ  (01/02/2010)
Nhớ về Ngân tín Bình Định  (01/02/2010)
Nghệ sĩ Hoàng Minh, “chân đất đi hia”  (01/02/2010)
Thơ  (01/02/2010)
Câu đối  (01/02/2010)
“Ngôn ngữ hát bội đã đi vào tâm hồn tôi từ tuổi thơ”  (01/02/2010)
Văn nghệ sĩ Bình Định và những ấp ủ  (01/02/2010)
Đi Hội Đống Đa, nhớ mua chiếc nón…   (01/02/2010)
Phim lịch sử cổ trang Việt Nam hoành tráng nhất  (01/02/2010)
10 sự kiện nổi bật của tỉnh trong năm 2009  (01/02/2010)
Áo đẹp cho kiểng  (01/02/2010)
Võ sư Phi Long - một con rồng quy ẩn  (01/02/2010)
Giữ gìn cho mai sau  (01/02/2010)
Con cọp trong ca dao, tục ngữ  (01/02/2010)