* Bút ký của Huỳnh Kim Bửu
Hoa, trái Bình Định khá phong phú, mỗi mùa một loại, một mùi vị, một hương sắc, một cảm tình, một yêu mến riêng.
1
Cây chuối được trồng khắp nơi, trong các vườn nhà, ngoài nương rẫy, cho trái chín đủ 4 mùa cùng với thơm, ổi, đu đủ… Mùa Hè rộ lên xoài, mít, lựu, mận... để cho người ta bảo, đó là mùa của trái cây, cho một cái Tết trái cây- Tết Đoan Ngọ (mồng năm tháng năm âm lịch) dâng cúng ông Khuất Nguyên toàn trái cây. Mảnh đất quê nhà còn cho nhiều cây trái hoang dã nữa, vì bìa rừng này cho dú dẻ, chim chim; ngọn đồi kia cho chà là, hạt é, trái ư; bờ tre nọ xen vào cây thị, cây trâm… Lũ nhỏ chúng tôi luôn coi trâm là món quà riêng tặng mình để say sưa ăn, cho tím miệng, tím răng, tím môi (như vừa được nhuộm bởi mực tím) và say sưa ca hát: “Trời mưa lâm râm / Cây trâm có trái / Con gái có duyên / Đồng tiền có lỗ / Bánh đỗ thì ngon…” (Đồng dao). Trái cây hoang dã còn là một nguồn kiếm sống của người nghèo, người ta đi trẩy quả thị, rũ chà là, hái chim chim, ư, é… đem về bán ở các chợ quê, vừa cho thơm chợ vừa cho xỏn xẻn túi tiền.
Trên bàn thờ gia tiên, có cái cỗ bồng bằng gỗ tiện hoặc bằng đồng thau, bằng sứ men xanh. Ngày Tết Nguyên đán, người ta bới quả tử ngũ quả (đặt 5 loại trái cây lên đó) để dâng cúng gia tiên. Hồi xưa, người ta bới quả tử những nải chuối xanh (chờ chín) cùng 4 loại trái cây khác xếp cao thành hình ngọn tháp. Bây giờ, một số người mê tín còn chọn 5 loại trái cây mà khi ghép các tên gọi lại nghe na ná như một lời thỉnh cầu. Chẳng hạn, họ bới quả tử những đĩa ngũ quả gồm: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung, có ý để dâng lên lời cầu nguyện “khiêm tốn”: Cầu vừa đủ xài sung… Chợt nghĩ, không hiểu sao, người ta (cả thiếu nhi và người lớn) ăn Tết Trung Thu bằng bánh, không ăn nhiều trái cây như các Tết khác? Mỗi năm một Tết Ông Trăng, nhìn vào các hàng bánh Trung Thu thời nay, ta mới thấy xã hội ta yêu trẻ con nhường nào. Vì không có hộp bánh Trung Thu nào rẻ tiền hơn chục quả cam sành, một mâm vú sữa chín mọng, hái trong các vườn cây trái ngoại thành Quy Nhơn.
Nhiều người nói, miền Trung có hai mùa mưa - nắng. Không đâu, vẫn có bốn mùa rõ rệt. Mùa Xuân: nhiều chuối, bưởi, cam…; mùa Hè: xoài, mít…; mùa Thu: mận, nhãn lồng…; mùa Đông: lại chuối… Quê tôi có tục biếu nhau trái cây, được mùa loại trái cây gì, biếu nhau loại nấy: Tháng năm biếu xoài, mít…; tháng sáu - bảy biếu cam, bưởi, nhãn lồng… Trồng bụi chuối hòa hương, cây ổi xá lị, cây bưởi thanh trà, nói chung là các loại cây quý, đến khi cây có trái, thu hoạch lứa chiến (lứa trái đầu tiên của cây), không ai đem ra chợ bán mà dành để biếu nhau. Sự biếu nhau chẳng những đã thành lệ mà còn thành một cái Tết trong truyền thống: Tết cơm mới- ngày Hạ nguyên tháng mười. Trong Tết này, thường người ta dâng cúng Tổ tiên những sản vật nông nghiệp vừa thu hoạch trong vụ cuối năm, và cũng là dịp cho người dưới đi biếu quà người trên, thường là mấy chùm nếp hương, vài cân gạo cúc thơm…
Ở các vùng quê, đâu cũng có những vườn xoài, mít lưu niên rậm rạp, cho lũ thiếu nhi chúng tôi những vườn địa đàng hấp dẫn khi có những kỳ nghỉ học. Bây giờ về quê, gặp rải rác những vườn xoài, vườn điều mới trồng với giống mới, kỹ thuật cao, chăm sóc kỹ, đang phủ một màu xanh lên nhiều vùng đất rộng rãi. Nhưng chưa đâu thành những vườn cổ thụ hấp dẫn như xưa. Phần nhiều các vườn cây trái lưu niên cũ đã bị triệt hạ, không rõ lý do.
2
Xuân về trăm hoa đua nở, nhiều nhất là mai, cúc, hồng, vạn thọ, thược dược… Những chậu hoa Xuân nở rực rỡ trong sân, trên thềm nhà. Đến Hạ, hoa Xuân tàn thì có sen đầm, phượng vỹ đường phố… Thu có hoa cúc và rượu cất từ hoa cúc (Thu ẩm Hoàng hoa tửu – Thơ cổ). Đầu Đông là một cảnh tàn tạ, chỉ còn mấy chùm hoa giấy trước ngõ, phất phơ trong cảnh gió mưa. Nhưng đến cuối Đông thì nhựa cây bắt đầu dâng lên, nụ chớm để đến một ngày, mai, hồng nở sớm, báo hiệu Xuân sang. Đó là nói hoa quý, chớ còn giàn hoa thiên lý, sân cải ngồng nữa, đâu phải không gây sự chú ý cho những ai muốn đi tìm thêm một vài sắc Xuân nơi các làng quê. Mùa Xuân, du khách lên các huyện miền núi An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh, đi trên các nẻo cao là đi giữa một màu vàng vô tận của hoa dã quỳ rung rinh trong màu nắng mới. Hoa ổi tàu, hoa dú dẻ, hoa chim chim… cũng nở chen vào, làm cho cảnh Xuân ở đây thêm nhiều màu sắc.
|
Cúc vàng ngày Xuân. Ảnh: Hoàng Tuấn
|
3
Người ta đâu chỉ có thú thưởng hoa mà còn có thú trồng hoa nữa- thú trồng hoa Xuân. Mới đầu tháng 8 âm lịch, tức đang buổi Mạnh Thu, ông tôi đã có phân hoai để dành sẵn. Rồi có một ngày ông làm đất, trộn phân, ương cây con, gieo những hạt giống cất giữ từ năm trước … Ông bảo, phải làm sớm, để kịp tháng 10 đưa cây con vô chậu, lên vồng thì cây đã cứng cáp, sợ gì tiết trời Đông giá. Từ hôm cây con vô chậu, lên vồng, ông tôi chăm cây từng bữa: Sáng tưới - trưa che - chiều bón phân, tỉa cành, đỡ nhánh - tối soi đèn vạch nách, lật lá bắt sâu, diệt rầy… Mặc áo vạc hò, đi guốc mộc, lập lòe điếu thuốc trên môi, ông tôi làm công việc, không tỏ ra nặng nhọc mà trái lại còn cho là thích thú nữa. Trên cái chõng tre trước hiên nhà, bà để sẵn bộ kỷ trà với hai cái chén nội phủ và cái bình tích thủy đặt trong lồng ấp làm bằng vỏ dừa khô. Ông chăm cây, mệt thì nghỉ uống nước trà, khi độc ẩm, khi đối ẩm với vài ba ông bạn già hàng xóm cùng trồng hoa như ông, ngày nào cũng sang chơi. Tôi vẫn nghe ông tôi và khách của ông bảo, nhờ trồng hoa mà được hưởng cái thú dậy sớm ngắm sương mai lãng đãng, uống chè ban mai; uốn cây thế để biến sự bình thường thành sự phi thường, sự ô trọc thành sự thanh cao, kẻ tiểu nhân thành người quân tử, mình đang ở cõi ta bà bỗng chốc được lên Hầu trời (tên một bài thơ của Tản Đà) gặp tiên như ông thi sĩ hồi nào… Rồi nữa, nhờ trồng hoa mà mình thêm yêu hoa, hoa nở thì mừng, ngồi trước hoa, mình với hoa như đang tâm tình với nhau; hoa tàn chẳng khác gì mình vừa mất bạn tâm giao.
Thế rồi mùa đi, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn đi, nhường chỗ cho Tiết Lập Xuân đến. Và rồi có một buổi sáng, tôi dậy sớm đi học, thấy vườn hoa ông tôi nở những bông hoa ban đầu, tinh khôi và rực rỡ. Còn ông, ông đi giữa những luống hoa, lặng lẽ như mọi bữa, nhưng tôi biết hôm nay lòng ông vui sướng lắm. Từ hôm đó, dọc con đường làng An Định dẫn đến trường làng mỗi ngày, lũ học sinh chúng tôi thích ngắm nhìn những khu vườn nở hoa Xuân rực rỡ, vờn quanh là những sắc bướm xinh. Cũng từ hôm đó, dù là với đầu óc tuổi thơ, cậu học trò trường làng là tôi cũng hiểu thêm được một điều rằng, những vườn hoa Xuân kia nở từ bàn tay nhăn nheo, run rẩy của những ông lão trồng hoa làng An Định, trong đó có bàn tay ông tôi.
4
Ngày nay Bình Định phát triển mạnh nghề trồng hoa Xuân, và đã sớm có tiếng vang cả nước: vùng mai An Nhơn, làng mai Háo Đức… Các làng cúc Luật Lễ (Tuy Phước), huệ, lay - ơn Phú Hòa, Phú Vinh (Quy Nhơn)… cũng nổi tiếng từ vài năm nay. Những ông lão trồng hoa như ông tôi hồi xưa đã được thay thế bằng những nghệ nhân trồng hoa, những ông chủ vườn có ngàn, vạn chậu hoa.
Hồi xưa, mỗi Tết đến, người ta có cái thú dạo vườn hái quả, chọn trái cây ngon, rồi ngồi tẩn mẩn, tỉ mỉ bới những cỗ trái cây cúng gia tiên. Ngày nay, các cửa hàng trái cây đã bới sẵn những mâm, những đĩa ngũ quả trùm bọc giấy kính, thắt dải ngũ sắc làm trang trí, phục vụ cho người mua. Thế là các ông chủ nhà được cái tiện lợi, nhưng họ bị tước đoạt mất cái thú ngồi bới quả tử như các cụ hồi xưa. Từ nhiều năm rồi, người Quy Nhơn có cái thú, mỗi năm một lần, được đi dạo chợ hoa Xuân trên đường Nguyễn Tất Thành để ngắm cảnh muôn hồng nghìn tía của hoa, giao lưu với khách yêu hoa và tận hưởng một nét Xuân thật đáng yêu, đáng quý.
|