Hoạt động “xóa đói, giảm nghèo”, “lá lành đùm lá rách”, “cứu trợ thiên tai” là truyền thống tốt đẹp của người Việt có từ ngàn xưa. Ở Bình Định, vùng hạ lưu sông Côn, đầu thế kỷ XIX có những dòng tộc, nhiều danh sĩ mua nghĩa điền, lập nghĩa thương, lạc quyên giúp đỡ người nghèo, cứu trợ thiên tai, tiêu biểu như họ Trần ở làng Tri Thiện (xã Phước Quang), họ Nguyễn và họ Trần ở làng Phụng Sơn (xã Phước Sơn) huyện Tuy Phước.
|
Bia đá tán dương nghĩa thương làng Phụng Sơn và công đức những người xướng lập. Ảnh: N.T.Q
|
Vùng trũng khu Đông Bình Định (gồm nhiều xã của huyện Tuy Phước và một số xã của An Nhơn, Phù Cát) là nơi con sông Côn chảy về với biển cả, vùng đất “chưa nghe mưa đã thấy lụt”, xứ “chín áo, một quần”. Từ bao đời nay, vùng rốn lũ này bão lụt xảy ra hàng năm, nên người dân phải đối mặt thường xuyên với nạn nghèo đói do mất mùa, thiên tai.
1. Ông tổ họ Trần làng Tri Thiện là Trần Đình Cơ, người có công ngăn sông, thông mương, đưa nước về đồng bằng đập bổi dưới triều Lê Cảnh Trị (1663-1671). Con cháu của ông nhiều đời làm việc nghĩa đùm bọc người dân nghèo vùng trũng này. Năm Gia Long thứ 12 (1813), hạn hán rồi lũ lụt, mất mùa, đồng hoang, người đói, bà Lê Thị Viên - vợ ông Trần Văn Khóa - mở đàn tế chẩn bảy ngọ, trưa nào cũng đãi cơm, tặng gạo cho hàng trăm nạn dân ở hai hạt Tuy Phước, An Nhơn. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), ông Trần Văn Chiêm cho dân làng thiếu ăn giáp hạt mượn lúa và phát chẩn cho những người nghèo khổ. Năm Tự Đức thứ 8 (1855), gặp thiên tai mất mùa, vợ ông Trần Văn Chiêm - bà Lê Thị Thường (con gái Đại thần Lê Đại Cang) - xuất tiền bạc cứu tế và cho con là Trần Văn Tố đứng ra quyên góp. Bà được nhà vua ban thưởng một cái áo Sa ngân tiền và một tấm biển “Lạc quyên nghĩa môn”; ông Trần Văn Tố được thưởng “Tùng cửu phẩm Bá hộ” và phẩm phục Ngân tiền (áo mão theo chức tước phẩm hàm). Năm Kỷ Mão (1879), làng Tri Thiện và nhiều làng lân cận chìm trong nước lũ, ông Trần Văn Huệ (Tú Huệ) cho người nhà hàng ngày chở cơm đến phát cho những người bị nạn, đến khi nước rút mới thôi. Năm Tự Đức thứ 13 (1860), ông Trần Văn Huệ còn xướng xuất việc lập nghĩa thương cho làng Tri Thiện, mùa nào trong kho cũng dự trữ từ 10 đến 14 vạn vuông lúa (mỗi vuông 20kg) để cứu trợ người làng thiếu ăn. Ông Trần Văn Huệ được phong thưởng “Chánh thất phẩm văn giai”. Ông Trần Tam Mô là đích tôn thừa trọng Lạc quyên nghĩa môn Trần tộc tự đường, hàng năm vào ngày 30.6 (âm lịch) là ngày giỗ tổ bà Lê Thị Viên, tại từ đường Tri Thiện đều tổ chức phát tiền, gạo cho hàng trăm hộ nghèo. Năm Tân Tỵ (1941), ông Trần Tam Mô cho xây hai cái cống bằng đá (cống chiếc và cống đôi), bắc qua con mương lớn nằm trên đường liên thôn Tri Thiện - Lộc Ngãi - Phục Thiện. Cống vừa tiêu úng cho đồng ruộng vừa giúp người qua lại thuận tiện. Ngày nay cống vẫn còn sử dụng và được người dân địa phương gọi là cống ông Tú Ba (ông Tú tài, thứ ba).
|
Bức hoành ghi công đức tiền hiền họ Trần làng Tri Thiện. Ảnh: N.T.Q
|
2. Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương (hai anh em ruột) đều là bậc danh nho làng Phụng Sơn, thấy dân làng thường đói khổ vào vụ giáp hạt và nhất làø những năm hạn hán, lũ lụt nên bàn với quan Án sát hưu trí Trần Điển lập nghĩa thương cho làng Phụng Sơn vào năm Tự Đức thứ 13 (1860). Đầu tiên là để giúp cho người nghèo và trẻ mồ côi, sau phát triển lớn, không những giúp người nghèo trong làng mà còn cứu trợ cho dân nghèo ở các làng khác và làm nhiều việc nghĩa trong huyện, trong phủ. Nghĩa thương Phụng Sơn ấn định sau mỗi vụ mùa, mỗi nhà phải nộp vào kho nghĩa của làng khoảng hai phần trăm trên tổng thu hoạch. Khi thiên tai bão lụt, mất mùa thiếu ăn, làng sẽ xuất kho phát chẩn cho dân nghèo. Các ông còn góp tiền cùng các nhà hảo tâm mua ruộng nghĩa điền cho làng hơn 50 mẫu và mỗi mùa thu hoạch hơn 200 tấn lúa, hoa lợi của nghĩa điền cũng được nhập vào nghĩa thương để chi dụng trong việc cứu tế và làm từ thiện hàng năm.
Tưởng nhớ công đức các ông Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Thế Lương và Trần Điển, dân làng Phụng Sơn chung công góp của xây một ngôi miếu thờ gọi là Nghĩa tự và dựng trước Nghĩa tự một tấm bia đá cao 1m, rộng 0,6m. Một mặt bia khắc bài ký của ông Tú Nhơn Ân - Nguyễn Diêu, ca ngợi hoạt động của nghĩa thương; mặt kia khắc bài ký của quan phủ Tuy Phước Lê Trung Khoản, tán dương nhân phẩm và công đức của các ông. Hiện nay, bia đá trên còn lưu giữ tại làng Phụng Sơn. Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp còn lưu giữ một bản gỗ sơn son dài 1m, rộng 0,5m khắc năm Khải Định thứ 1 danh sách những người đóng góp tiền của xây dựng nghĩa thương làng Phụng Sơn.
Theo Tả Khôn Minh thời Xuân Thu (Trung Quốc): có 3 thứ chẳng bao giờ mục nát, dẫu cũ kỹ mà chẳng bỏ, trên hết là lập đức, thứ đến là lập công, thứ nữa là lập ngôn. Ngày nay nghĩa tự đã sụp đổ, nghĩa điền nghĩa thương cũng không còn, nhưng nghĩa cử thơm thảo của dòng họ Trần làng Tri Thiện và các ông họ Nguyễn, họ Trần làng Phụng Sơn mãi mãi được người đời sau nhắc đến.
Việc mua nghĩa điền, lập nghĩa thương ở Trung Quốc xuất hiện rất sớm. Vua Văn Đế nhà Tùy (581-605) đặt ra lệ mỗi năm đến kỳ thu hoạch mỗi nhà phải đong một thạch lúa hay bắp dự trữ vào kho để phòng năm đói kém. Kho đó gọi là nghĩa thương. Đời Tống (960 -1279) có Phạm Trung Yêm mua 1.000 mẫu ruộng cấp phát cho người nghèo khổ trong họ, ruộng đó là nghĩa điền. |
|