“Làm việc thiện là để phúc đức cho con cháu”, nghĩ về quan niệm này, tôi bắt đầu để ý tìm hiểu về những người thường xuyên làm từ thiện mà mình quen biết. Mỗi người đều có một mục đích riêng về việc làm từ thiện nhưng họ đều xuất phát bằng tình thương giữa con người với con người.
|
Chị Kim Khánh đang cùng các em khuyết tật chia quà Tết. Ảnh: Hải Yến
|
* Cho là nhận
Nhiều năm nay, Ban Bạn đọc - Báo Bình Định thường xuyên nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm cho những mảnh đời bất hạnh. Từ người già, em nhỏ, chị thợ may đến chủ doanh nghiệp; tất cả đều trải tấm lòng trước những cảnh ngộ thương tâm trong xã hội. Nhiều người đến góp tiền từ thiện không muốn để lại tên hay địa chỉ. Có người, tuy mỗi lần góp chỉ vài trăm ngàn nhưng lại góp rất thường xuyên, đều đặn hàng tuần, như chị Châu Hồng Cẩm, ở 96 Ngô Mây, TP Quy Nhơn. “Mọi chi phí cho gia đình, ông xã lo hết. Mình dành trọn phần lương giáo viên để giúp đỡ ngay cho một hoàn cảnh nào đó đang rất khó khăn mà Báo Bình Định vừa nêu”, chị Cẩm kể.
Những ngày cuối năm, chị có mặt thường xuyên hơn ở Báo Bình Định để chuyển tiền hỗ trợ cho các em bị mồ côi sau bão, lũ rồi đến các trường hợp trẻ em bị ung thư, có mẹ mất vì bị bệnh cúm A/H1N1… Chị cho rằng “Làm từ thiện là cho để nhận. Mình cho người khác tấm lòng, để họ được chia sẻ phần nào những bất hạnh gặp phải; có nghĩa là mình đã nhận được một việc làm có ích, nhận được sự cảm thông”.
“Trong thực tế, có những kết quả xấu, chưa hẳn do người ta suy nghĩ và hành động không tốt mà còn có nhiều yếu tố rủi, may. Nếu mình tích đức thì nhất định sẽ được phúc, bởi mình mang lại an ủi phần nào cho người khác dù là nhỏ nhoi”, chị Kim Khánh - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Đức Tín, thành viên CLB nữ Doanh nhân TP Quy Nhơn, người cùng gia đình thường xuyên làm từ thiện – tâm sự.
Trong những ngày cuối năm này, chị tất bật với việc tặng hàng trăm suất quà Tết cho các trung tâm, cơ sở người khuyết tật trong tỉnh và người nghèo ở TP. Quy Nhơn. Hàng năm, con gái chị cũng bỏ ống hai con heo đất được số tiền nho nhỏ để đóng góp các quỹ từ thiện ở trường, hoặc hùn với mẹ làm từ thiện. Chị xem việc làm từ thiện như là cách dạy con cái biết yêu thương con người có hoàn cảnh khó khăn. Giờ ngẫm lại hơn 20 năm làm từ thiện, chị thấy mình hưởng nhiều may mắn mà cuộc đời ban tặng trong công việc lẫn gia đình.
|
Tặng quà cho người nghèo ổn định cuộc sống. Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* “Đời bỗng vui”
Người làm từ thiện mà tôi khâm phục nhất vẫn là thầy thuốc ưu tú, bác sĩ Trang Xuân Chi. Chúng tôi gọi ông với cái tên thân mật “bố Chi”. Ông là người giàu lòng nhân ái và hết sức nhiệt tình trong hoạt động từ thiện. Dường như tuổi càng cao ông càng xông xáo hơn trong công tác tình nguyện tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định. Trong nhiều trường hợp, kết quả vận động của ông đã mang lại hiệu quả cao đến mức không ngờ. Nhiều cảnh đời bất hạnh đã được ông vận động hỗ trợ, cứu giúp, chăm sóc tận tình. Tôi đã gặp nhiều người chuyên làm từ thiện. Chẳng ai muốn nói về mình và những gì mình làm, nhưng họ vẫn âm thầm giúp đỡ cho các Trung tâm xã hội, bếp ăn tình thương khắp mọi nơi. Có người còn vận động gia đình, bạn bè, họ hàng cùng làm từ thiện, tổ chức các chuyến tặng quà từ thiện, tặng học bổng cho học sinh nghèo trong tỉnh và các tỉnh miền núi. Họ cho rằng, làm từ thiện là việc hết sức bình thường, xuất phát từ cái tâm mà thôi.
Còn biết bao gương mặt làm từ thiện khác mà chúng ta chưa biết và có lẽ họ cũng không muốn người khác biết đến. Họ quan niệm, sống không chỉ nghĩ đến mình. Việc làm từ thiện đơn giản như suy nghĩ của sư cô Ái Liên - trụ trì Chi nhánh Ngọc Nhơn (thuộc Tịnh xá Ngọc Nhơn, Quy Nhơn): “Người ta vui, mình vui, mọi người cùng vui”. Họ làm từ thiện có thể âm thầm nhưng vẫn là minh chứng về giá trị nhân văn của con người. Giá trị ấy làm cuộc sống thêm ấm áp và ý nghĩa.
|