“Số hóa” trạm y tế xã
18:9', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Đến đầu năm 2010, huyện An Nhơn là địa phương duy nhất trong tỉnh triển khai hệ thống quản lý thông tin y tế xã, tạo tiền đề đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khối y tế cộng đồng.

 

Ngành Y tế huyện An Nhơn đặt mục tiêu áp dụng phần mềm viện phí cho các Trạm y tế xã. Ảnh: Hiền Thu

 

* Kịp thời, chính xác, tiết kiệm thời gian

Bác sĩ Cao Thanh Tú, Trạm y tế xã Nhơn Phong, cho biết: “Ngoài chức năng khám - chữa bệnh ban đầu, trạm y tế còn thực hiện rất nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Chỉ riêng việc ghi chép sổ sách, thống kê, báo cáo hàng tháng, theo từng chương trình cũng đã “ngốn” hết thời gian của nhân viên y tế”.

Xuất phát từ hạn chế này, năm 2009, bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện An Nhơn, đã tranh thủ kinh phí tài trợ của dự án GAVI đề nghị triển khai hệ thống quản lý thông tin y tế tại trạm y tế xã. Hệ thống quản lý thông tin y tế tuyến xã đã đem lại hiệu quả trong công tác quản lý, đưa tin học hóa tới các trạm y tế, xây dựng kho dữ liệu số (danh sách dân cư, địa bàn quản lý phục vụ cho chương trình tiêm chủng mở rộng và báo cáo thống kê của trạm y tế xã).

Điều dưỡng Đặng Thị Thanh Vân, Trạm y tế thị trấn Bình Định, phân tích: “Tôi phụ trách các chương trình Lao, Phong, Y tế học đường, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Vệ sinh an toàn lao động, rồi phụ làm công tác Dược, Kế hoạch hóa gia đình, kế toán viện phí, hộ lý, kiêm luôn tư vấn Góc tuổi hồng. Nghĩa là, nếu làm báo cáo chương trình bằng tay thì tôi phải mất cả tháng, lắm khi phải làm cả ban đêm. Trước kia, báo cáo chương trình tiêm chủng mở rộng phải mất cả tuần mới xong, giờ thì có phần mềm rồi nên chỉ cần nhập dữ liệu vào là xong”.

Ưu điểm của hệ thống quản lý thông tin y tế tuyến xã là chương trình tiêm chủng mở rộng và thống kê, báo cáo. Các trạm chỉ cần lập danh sách, dữ liệu của trẻ và phụ nữ trong độ tuổi một lần và có thể quản lý trong nhiều năm. Ngày trước phải tính bằng tay số mũi tiêm cho trẻ để làm báo cáo chương trình, còn giờ chỉ cần “kích chuột” là xong. Nhờ có phần mềm này nên việc kiểm tra những trẻ chưa được tiêm chủng, hay phải tiêm mũi nhắc lại sau nhiều năm trở nên đơn giản hơn nhiều.

Bác sĩ Võ Sanh Tùng, Trưởng Trạm y tế thị trấn Bình Định, cho biết: “Trên góc độ quản lý của trạm, hiệu quả lớn nhất của việc sử dụng hệ thống này là tiết kiệm được khoảng 70% thời gian cho nhân viên y tế. Nguồn nhân lực của trạm rất ít, chỉ có 5 người, nhưng hiện 1 người đang nghỉ sinh, 2 người có con nhỏ nên càng thiếu. Khi áp dụng hệ thống quản lý thông tin y tế tuyến xã, nhân viên của trạm làm việc khỏe hơn. Đó là chưa kể, các thống kê, báo cáo từ tuyến dưới lên tuyến trên sẽ nhanh hơn và chính xác hơn”.

* Nâng cấp cho “vùng trũng”

Trạm y tế xã là đơn vị y tế gần dân nhất. Đây cũng là lực lượng quan trọng, được xem như “cánh tay nối dài” của Trung tâm y tế huyện. Tuy nhiên, mức độ đầu tư, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình mục tiêu y tế quốc gia ở tuyến y tế cơ sở vẫn còn bỏ ngỏ. 

Bác sĩ Lê Thái Bình cho rằng: “Dựa vào hệ thống quản lý thông tin này, toàn bộ các dữ liệu hoạt động chương trình của các trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn huyện tới Trung tâm được hoàn thiện, tạo ra trung tâm dữ liệu trong công tác quản lý và lập kế hoạch cũng như cung cấp khả năng phân tích và đưa ra quyết định đúng. Đây là vấn đề rất quan trọng trong chiến lược chăm sóc sức khỏe của ngành Y tế. Đó là chưa kể, cách quản lý này cũng giúp rút ngắn được thời gian chờ đợi, báo cáo từ tuyến cơ sở gửi lên”.

Điều quan trọng hơn, hệ thống quản lý thông tin y tế tuyến xã là động lực thúc đẩy việc học tập nâng cao kiến thức tin học cho các nhân viên y tế ở trạm. Quan trọng nhất là lãnh đạo các trạm đã thấy được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, tăng hiệu suất làm việc cho nhân viên tại các Trạm y tế xã, thị trấn.

Bác sĩ Lê Thái Bình đặt mục tiêu: “Trong năm 2010 sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa mô hình quản lý thông tin y tế, tiếp tục ứng dụng phần mềm viện phí ở tất cả các trạm y tế. Đây là một cách đầu tư để trạm y tế thực sự là cơ sở y tế gần dân nhất”. 

  • Hiền Thu
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)
Những người canh giữ “mắt biển”  (02/02/2010)
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)
Vì sự bình yên trên quê hương Nguyễn Huệ  (01/02/2010)
Nhớ về Ngân tín Bình Định  (01/02/2010)
Nghệ sĩ Hoàng Minh, “chân đất đi hia”  (01/02/2010)
Thơ  (01/02/2010)
Câu đối  (01/02/2010)
“Ngôn ngữ hát bội đã đi vào tâm hồn tôi từ tuổi thơ”  (01/02/2010)