Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ
18:19', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thái Hòa - Trưởng khoa Toán, Trường Đại học Quy Nhơn - cho tôi xem danh sách cán bộ, giảng viên của khoa. Trong số 34 người, đã có đến 5 là phó giáo sư (PGS)-TS; 1 TS khoa học và 6 TS. Trong 18 thạc sĩ và 4 cử nhân là những cán bộ giảng dạy trẻ của khoa, cũng có đến 10 người đang là nghiên cứu sinh ở nước ngoài và sẽ bảo vệ luận án TS trong nay mai…

 

Anh Huỳnh Văn Ngãi (thứ 4, bên phải) bảo vệ thành công luận án TSKH tại Cộng hòa Pháp.

 

* Khoa có nhiều cái nhất

Trường có 7 PGS, khoa Toán “giữ” đến 5 người. PGS-TS Thái Thuần Quang- Phó trưởng khoa, là người được phong danh hiệu PGS trẻ nhất trường, khi anh mới 38 tuổi. Năm nay, Thái Thuần Quang đã bước qua tuổi 44 - những công trình nghiên cứu khoa học của anh ngày một “dày” thêm, và những bài giảng trên lớp cứ luôn dẫn dắt thêm nhiều lứa sinh viên say mê với Toán học. TS Đinh Thanh Đức, sinh năm 1960, nguyên Trưởng khoa Toán- là người có “song hỉ lâm môn” trong năm qua. Anh vừa được phong danh hiệu PGS, vừa được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn nhiệm kỳ 2009-2014. Ngoài ra, các PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Sum; TSKH Huỳnh Văn Ngãi, các TS trẻ Nguyễn An Khương, Phan Thanh Nam… đều là những người khá nổi trội trong “làng” Toán học với nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và các nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc…

Các TS của khoa Toán cũng thường là những TS trẻ. Họ giành được học vị chỉ ở độ tuổi trên dưới 30. Lê Công Trình, sinh năm 1980, là người vừa bảo vệ thành công luận án TS tại Đức (ngày 11.12.2009). Và hiện nay, khoa còn 9 người đang tiếp tục nghiên cứu sinh TS. Hầu hết, họ cũng đều mới rời ghế sinh viên, làm nhiệm vụ giảng dạy tại khoa chừng 4-5 năm. Trong đó, có 8 người đang là nghiên cứu sinh ở các nước Pháp, Đức, Hà Lan, Áo, Bỉ, Mỹ… nhờ học bổng. Học bổng càng lớn thì đòi hỏi chất lượng công trình càng gắt gao. Nhưng đó luôn là những đỉnh cao mà các giảng viên trẻ của khoa Toán muốn chinh phục.

 

Lê Công Trình vừa bảo vệ thành công luận án TS tại Đức.

 

Còn nhớ, cách đây khoảng 5 năm, sinh viên khoa Toán Lương Đăng Kỳ nổi bật với thành tích ấn tượng: ba lần liên tiếp đạt giải “kép” (hai môn Giải tích và Đại số) trong các kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc. Năm 2005, tại Hội nghị Toán học Quốc tế Giải tích trừu tượng và ứng dụng, được tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn với sự tham gia của hơn 40 nhà toán học nổi tiếng trên thế giới, tôi đã gặp GS-TSKH Nguyễn Minh Chương- một trong những giáo sư hàng đầu ở Viện Toán học Việt Nam- người đã có công dìu dắt Kỳ từng bước vào con đường vinh quang nhưng đầy “gai góc” của Toán học. GS Chương đã đánh giá rất cao về Kỳ. Ông nói: “Tôi cho rằng, có thể đây là biểu hiện ban đầu của một mầm mống cần được chăm sóc ngay để góp phần nâng cao chất lượng nền đại học, sau đại học, nền khoa học công nghệ đang rất bức xúc của đất nước ta”. Kỳ vọng của GS Chương năm ấy, đang từng bước được Lương Đăng Kỳ thể hiện bằng thực tế. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh đã được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy của khoa Toán. Và hiện tại, Kỳ đã lấy được bằng thạc sĩ và đang là nghiên cứu sinh TS tại Pháp.

Cùng lứa với Kỳ còn có Nguyễn Dư Vi Nhân, Phạm An Vinh- những sinh viên xuất sắc từng đoạt giải cao tại các kỳ thi Olympic Toán học sinh viên toàn quốc. Mong ước được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy khoa Toán đối với họ, nay đều đã thành hiện thực. Phạm An Vinh hiện đang là nghiên cứu sinh TS tại Mỹ. Còn Nguyễn Dư Vi Nhân, cũng đã khá nổi tiếng với khoảng 10 bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế. Chuyện trở thành nghiên cứu sinh TS đối với anh, chỉ còn là việc sắp xếp thời gian…

* Bí mật được “bật mí”

Trong số những người có học vị PGS, TS của khoa Toán, chỉ có 5 người được đào tạo từ các trường khác. Còn lại, đều trưởng thành từ khoa Toán của Trường Đại học Quy Nhơn. Đặc biệt, những nghiên cứu sinh TS đều là những sinh viên xuất sắc của khoa, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy sau khi tốt nghiệp đại học. PGS-TS Đinh Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường, cho biết: Khoa Toán là một trong 5 khoa đầu tiên được thành lập của Trường Đại học Quy Nhơn (năm 1977). Ngay từ những ngày đầu thành lập, khoa đã không ngừng chú trọng đến công tác xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy. Nhờ vậy, từ 10 giảng viên đầu tiên, phần lớn là cán bộ trẻ, mới tốt nghiệp trong và ngoài nước và duy nhất chỉ có 1 TS, hàng năm, khoa đã giữ lại những sinh viên giỏi để đào tạo tiếp và liên tục cử cán bộ giảng dạy đi đào tạo bồi dưỡng ở những bậc học cao hơn. Hiện nhiều cán bộ giảng dạy trẻ của khoa đã giành được nhiều học bổng và đang làm nghiên cứu sinh, học tập, hợp tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy với một số viện nghiên cứu và các trường đại học có uy tín ở Mỹ, Ý, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật, Canada, Hà Lan, Áo…

 

Ngô Lâm Xuân Châu - giảng viên khoa Toán - đang là nghiên cứu sinh TS tại Áo. Ảnh: Khoa Toán - ĐHQN

 

Song song với đầu tư cho giảng dạy và học tập, khoa còn chú trọng công tác nghiên cứu khoa học trong cán bộ giảng dạy và sinh viên. Cán bộ giảng dạy của khoa đã có trên 200 công trình nghiên cứu khoa học về chuyên môn (như đổi mới phương thức đào tạo, cải tiến phương pháp dạy học); về quản lý; nghiên cứu hướng đến phục vụ nhu cầu kinh tế- công nghệ của địa phương. Chỉ tính riêng trong năm học 2008-2009, cán bộ của khoa đã có 20 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên nhiều tạp chí có uy tín ở nước ngoài.

Và hơn ai hết, những giảng viên khoa Toán đều hiểu rằng, nếu không có niềm đam mê với Toán học, sự bền bỉ, chịu khó trong nghiên cứu khoa học và ý chí, khao khát vươn lên trong chuyên môn, họ sẽ không thể nắm giữ được những đỉnh cao của học vấn.

  • Ngọc Quỳnh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)
Những người canh giữ “mắt biển”  (02/02/2010)
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)
Vì sự bình yên trên quê hương Nguyễn Huệ  (01/02/2010)
Nhớ về Ngân tín Bình Định  (01/02/2010)
Nghệ sĩ Hoàng Minh, “chân đất đi hia”  (01/02/2010)
Thơ  (01/02/2010)