Đầu tư cho nhân tài
18:26', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Nhân tài và việc sử dụng nhân tài luôn là vấn đề lớn ở bất cứ quốc gia nào. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến một khía cạnh hẹp hơn, là đầu tư, phát hiện, bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi.

 

Lễ đón HS lớp 10 vào Trường luôn được tổ chức trang trọng để tạo niềm tự hào trong các thế hệ học sinh. Ảnh: Q.H

 

* Nơi gieo “mầm” đầu tiên

Tỉnh Bình Định có một nơi được coi là “gieo những mầm mống đầu tiên” của người tài một cách bài bản, có trình tự là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ngôi trường chuyên này luôn là điểm hướng tới của những thế hệ HS bước vào bậc THPT có tố chất thông minh, sáng dạ hơn người. Năm học 2009-2010, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn có 25 lớp với 749 HS. Qua 9 năm hoạt động, Trường đã gặt hái được 303 Huy chương Olympic 30.4 (122 HC vàng, 128 HC bạc, 53 HC đồng). Đội tuyển của Trường luôn nằm trong top 5 trường có vị thứ cao nhất; đặc biệt, các đội tuyển môn Toán, Lý, Hóa, Sinh đã 6 lần nhận giải nhất Olympic toàn miền Nam. Trong 262 giải HS giỏi quốc gia, có 9 giải nhất, 63 giải nhì, 128 giải ba và 62 giải khuyến khích; 11 HS của trường đã được gọi vào đội dự tuyển thi quốc tế…

So với các trường phổ thông khác, Trường chuyên Lê Quý Đôn có cơ sở vật chất khá khang trang. Năm học 2007-2008, Trường đã được công nhận là Trường chuẩn quốc gia đầu tiên trong các trường THPT của tỉnh. Đội ngũ GV được Sở GD-ĐT cho cơ chế thu hút GV giỏi trong tỉnh và sinh viên sư phạm giỏi, tốt nghiệp thủ khoa về trường. Một tiết dạy chuyên được tính bằng 3 tiết dạy thường; GV được hưởng phụ cấp 70% (trường phổ thông bình thường là 35%) ngoài lương; HS không phải nộp học phí; HS khá, giỏi được nhận học bổng từ 90-120 ngàn đồng/tháng…

Tuy vậy, theo ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng, sự đầu tư cho trường chuyên vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ và công việc đặc thù của trường. Trường đã gặp không ít khó khăn về tài chính để phục vụ các hoạt động bồi dưỡng GV hàng năm, cũng như đưa HS tham gia vào các cuộc thi có tính chất toàn quốc. Bù vào đó, Trường đã được phụ huynh HS, các doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ rất nhiều. Chỉ trong năm học vừa qua, các “Mạnh Thường Quân” đã hỗ trợ cho trường trên 800 triệu đồng để trang bị máy vi tính và trao học bổng cho HS…

 

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong ngày khai giảng năm học mới 2009-2010. Ảnh: Văn Lưu

 

* Khoản đầu tư không bao giờ “lỗ”

Thực tế đã trả lời, đầu tư cho nhân tài là khoản đầu tư không bao giờ “lỗ” và phải đầu tư lớn, bằng nhiều nguồn lực, thì mới có người tài. Mô hình trường chuyên hiện nay được coi là hướng đầu tư đúng. Bởi, sẽ có những HS không cần thiết phải học phổ thông đến 12 năm. Những HS có chỉ số IQ cao, chỉ cần 1 năm rưỡi thay vì 3 năm để lĩnh hội đầy đủ kiến thức ở bậc THPT. Thời gian còn lại, các em cần có những thầy, cô giáo giỏi (dạy ở phổ thông và đại học) để dẫn dắt bước vào khai phá, sáng tạo chiều sâu của kiến thức. Thực tế này cũng đã được chứng minh tại Trường chuyên Lê Quý Đôn, khi HS các lớp chuyên đang học lớp 11, vẫn có thể đoạt các giải HS giỏi quốc gia dành cho HS lớp 12…

Ngoài kiến thức, HS phải được tạo môi trường để phát huy kỹ năng sống, khả năng độc lập, tự chủ. Một môi trường giáo dục toàn diện và đầy mới mẻ, năng động là đòi hỏi cấp thiết cho HS trường chuyên.

Đầu tư cho trường chuyên với những cơ chế mở, thông thoáng là một yêu cầu quan trọng để phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi- những mầm mống đầu tiên của người tài. Thế nhưng, hiện tại, mức độ đầu tư cho Trường chuyên Lê Quý Đôn vẫn còn ít so với yêu cầu. Căng thẳng nhất là chuyện xây dựng ký túc xá cho HS, từ rất nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết. GV giỏi từ các huyện, các tỉnh khác “đầu quân” về trường phải ở nhà thuê nên cũng không hấp dẫn được họ. Các phòng học bộ môn cũng còn thiếu nhiều trang thiết bị.

Năm 2002, Trường chuyên Lê Quý Đôn được Công ty CPPT Khu CN Sóng Thần tài trợ khoảng 4 tỉ rưỡi đồng để xây dựng các dãy phòng học, hội trường, nhà hiệu bộ. Sau đó, năm 2005, Sở GD-ĐT triển khai xây dựng thêm khu nhà học bộ môn. Trường vẫn thiếu đất để xây dựng khu đa chức năng phục vụ các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục- thể thao cho HS… Ngoài kiến thức, HS phải được tạo môi trường để phát huy kỹ năng sống, khả năng độc lập, tự chủ. Một môi trường giáo dục toàn diện và đầy mới mẻ, năng động là đòi hỏi cấp thiết cho HS trường chuyên.

Hiện tại, theo ông Phạm Quang Bắc, Trường chuyên Lê Quý Đôn vẫn còn thiếu khoảng 1/2 số GV và số GV giảng dạy có chất lượng cao cũng chỉ đạt 2/3 số người hiện có, nên cần tiếp tục được thanh lọc. Tuy nhiên, việc thu hút GV giỏi về trường hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chính sách chưa hấp dẫn.

Đầu tư cho trường chuyên là bước đầu tiên để đầu tư cho người tài. Trong những năm học gần đây, ngành GD-ĐT cũng đã xác định hiện đại hóa trường chuyên là một trong ba chương trình cấp quốc gia cần phải thực hiện. Tuy nhiên, đề án phát triển trường chuyên Bình Định, giai đoạn 2009-2015 (do Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xây dựng) với các mục tiêu đào tạo GV, nâng cấp cơ sở vật chất- kinh phí khoảng 17 tỉ đồng vẫn chưa được xem xét để triển khai.

  • Quỳnh Hoa
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)
Những người canh giữ “mắt biển”  (02/02/2010)
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)
Vì sự bình yên trên quê hương Nguyễn Huệ  (01/02/2010)
Nhớ về Ngân tín Bình Định  (01/02/2010)