Tiếp nối những mùa xuân
21:13', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Cứ mỗi dịp đất trời giao thoa giữa thềm năm mới và năm cũ, giữa cái khí xuân còn rụt rè chạm ngõ vào đất trời, cảnh sắc, để những nhành cây chỉ mới hé lên vài lộc non e ấp, những tia nắng mùa xuân hãy còn len lỏi trong cái lạnh, tôi lại lên đường. Đi. Chỉ để thụ cảm mùa xuân đang đến thật gần trong ánh mắt vui tươi của người Bình Định, để nghe âm âm dưới mỗi bước chân mình nhịp mạch đất trời đang chuyển. 35 mùa xuân, 35 mùa chim yến bay về.

 

Quy Nhơn nhìn từ trên cao. Ảnh: T.M

 

* Khởi hành trong xuân

Ấy như xuân năm trước, chẳng hẹn mà thành, tôi được đón tiết xuân ngay trên những bản làng mới của các hộ dân tái định cư công trình hồ Định Bình. Thì cũng những mái nhà, tiếng cồng, chiêng vào hội, cũng rượu cần vít cong mời gọi, vậy nhưng, trên mỗi ngôi nhà mới, trên mỗi gương mặt đang tươi lên trong tiết xuân, hơn lúc nào, ta cảm nhận thấy sự đổi thay đang tới, từ cuộc sống của các bản làng, từ một trong những công trình mới, mở hướng cho miền Tây Bình Định.

Còn như năm trước nữa, mồng 5 Tết, tôi lên Tây Sơn, ghé xin từ vườn me trong nhà Nguyễn Huệ cây me nhỏ, ươm từ gốc me cổ thụ. Cây me nhỏ từ vườn Nguyễn Huệ đem về trồng vườn nhà, để như một lời nhắc nhớ vọng về từ truyền thống ngàn năm.

Chớm xuân năm nay, chẳng hiểu run rủi thế nào, tôi lại sa đà, đâm ra “lạc” nẻo, làm một chuyến trên những cung đường mới. Khởi là từ Nhơn Hội mà men theo con đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan, rồi vòng một đoạn theo cung đường phía Tây, lên với làng võ An Thái, có chút ngắt quãng để lên miền Tây Sơn thượng đạo; rồi cuối cùng, lại men theo cung đường Quy Nhơn để ôm trọn hình ảnh thành phố.   

Ấy là một cung đường với tham vọng ôm thật nhiều cảnh sắc quê hương trong mắt. Ấy là một cung đường để cảm nhận xuân quê hương, cũng là một chuyến đi về nguồn cội.

Chẳng phải nguồn cội sao, khi tôi vừa được đắm trong không khí náo nức của những làng võ chuẩn bị cho thượng đài mùa xuân, lại lao xao trong náo nức của những nghệ nhân hát bội tất tả chuẩn bị mùa lưu diễn. Chẳng nguồn cội sao khi vừa nhấm chút vị Bàu Đá nơi Nhơn Lộc, lại được thưởng chút bánh ít lá gai, rồi tha thẩn ra chợ Đập Đá mua những chiếc bánh in hay hũ tôm chua bà Sâm.

Đi và dõi nhìn từ lịch sử, từ nguồn cội, mới vỡ vạc ra thật nhiều thứ. Chẳng như, mỗi phân vuông diện tích trên mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió này, đã chứng kiến cuộc hành trình tạo dựng đầy vất vả và gian lao của người Bình Định. Từ những ngày đầu khi hãy còn là vùng lưu viễn châu - nơi lưu đày xa nhất của những tội nhân - người Bình Định đã sớm tạo dựng cho mình một trong những thương cảng nổi tiếng Đàng Trong vào quãng thế kỷ XVI-XVII mang tên Nước Mặn. Rồi cũng từ mảnh đất này, với khát vọng và sức vươn của những con người thượng võ, đã hội tụ dưới ngọn cờ đào, mà làm nên một cuộc khởi nghĩa nông dân long trời lở đất cuối thế kỷ XVIII… Đầu thế kỷ XX, Quy Nhơn lại vươn lên, trở thành một trong những đô thị biển Việt Nam tương đối phát triển thời ấy...

Một dấu ấn mạnh mẽ được hiển hiện trong 35 mùa xuân đã qua kể từ sau ngày giải phóng. Ấy là quãng thời gian mà sự đổi thay diễn ra nhanh chóng. Chẳng như, con đường lên Vĩnh Sơn, một xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, xưa chỉ có thể lội bộ qua những trảng cỏ hay bươn theo những đường mòn, nay đã được bê tông hóa hoàn toàn. Những bản làng vùng cao, xa xôi nhất nay đã có điện lưới quốc gia. Còn khi đặt chân đến An Toàn (An Lão), đập vào mắt chúng tôi là một trạm thu phát tín hiệu di động, cùng những chiếc cột điện hiên ngang trên đỉnh đồi…  

Bởi vậy chăng mà trong nhiều định danh về mảnh đất này, như nơi quy tụ con người, thành phố thi ca... có một tên gọi: xứ sở loài chim yến. Một phần bởi nơi đây có nhiều tiềm năng về yến sào. Nhưng sâu xa hơn, phải chăng bản thân loài chim này đã mang trong mình biểu trưng về khát vọng, về sự hiến dâng hết mình cho sáng tạo, cho những mục đích chân - thiện - mỹ của đời. Đó là khát vọng chim yến.

 

Công trình hồ thủy lợi Định Bình. Ảnh: Văn Lưu

 

* Nơi đất chuyển mình

Khát vọng chim yến. Bao lần tôi đã nghĩ vậy. Vậy mà, nhìn Quy Nhơn từ điểm cao của đồi Ghềnh Ráng, tôi lại giật mình; cả thành phố trông như hình một bên đôi cánh loài chim yến và cánh bên kia, chưa thành hình, nhưng sẽ chính là khu đô thị mới Nhơn Hội trên bán đảo Phương Mai. Hai cánh cửa mở ra trên đôi cánh ấy, chính là hai cảng biển, một là cảng Quy Nhơn hiện tại và một là cảng Nhơn Hội sẽ thành hình nay mai.

Nhiều nhà văn hóa đã nói đến vai trò của cảng biển, như một cánh cửa để mở ra với thế giới, không chỉ có vai trò làm đầu mối cho giao thương, mà quan trọng hơn là tạo lập ý thức về vai trò của sự giao lưu, giao thương, và lấy đó làm hành trang trên đường phát triển. Mở ra biển Đông đón ánh bình minh, dường như đó cũng là quy luật sống của loài chim yến: luôn sống trong những chiếc hang cửa hướng ra phía Đông - phương mặt trời mọc. Và do vậy, ta cũng chẳng mấy ngạc nhiên, khi dãy núi nơi có những chiếc hang yến ấy ở Bình Định lại được đặt tên là Phương Mai - phương của bình minh, phương của ngày mai.

Cánh yến báo hiệu mùa xuân, báo hiệu ngày mai. Tôi nghĩ vậy khi hình dung về tư thế quê hương thân yêu của chúng ta trong tương lai. Phải chăng, khi hội đủ cả đôi cánh, đôi cánh ấy sẽ đưa thành phố trỗi dậy, tụ lực cho một cuộc bay dài. Để rồi kết tụ nên thành quả, nên giá trị, nên những niềm vui trong mắt người.

Mà quả thật, với đầm Thị Nại và bán đảo Phương Mai, trời đất đã dành tặng cho Bình Định một tiềm năng tuyệt vời. Với những điều kiện lý tưởng và ưu thế hiếm có để xây dựng cảng biển nước sâu đón tàu trọng tải 50.000 tấn với công suất bốc dỡ lên đến 40-50 triệu tấn/năm cùng các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, Quy Nhơn- Nhơn Hội rất có khả năng trở thành một đại đô thị, sẽ là cửa ngõ phát triển của miền Trung Tây Nguyên và cả Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan.

Nhưng hiển nhiên, để nhìn ra rằng, ẩn dưới những lưỡi cát dài hoang dại Phương Mai là một tiềm năng đang chờ đánh thức không dễ, càng không dễ hơn để hiện thực hóa tiềm năng ấy. Nhưng Bình Định đã và đang làm được. Với một Khu kinh tế Nhơn Hội đang nên hình, với những hội nghị xúc tiến đầu tư đang mở ra, với bước chân người Bình Định đi mời gọi đầu tư khắp nơi. Bên cạnh đó, khu thành phố trung tâm hiện hữu cũng đã và đang có những đổi thay nhanh chóng. Chỉ cần đặt bên cạnh hình ảnh của Quy Nhơn hôm nay với Quy Nhơn 35 năm trước - ngày mới giải phóng - ta đã cảm nhận thật rõ sự đổi thay. “Quy Nhơn là đô thị biển đang trên đường tạo lập thương hiệu”- như nhận xét của GS-TS Hoàng Đạo Kính, với Trung tâm Thương mại Quy Nhơn, các khách sạn nằm bên bờ biển; cùng hàng loạt dự án xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc đang chuẩn bị thành hiện thực. Và cụ thể nhất, năm 2010 này, Quy Nhơn đang xúc tiến đề nghị được công nhận đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh với 85,76/100 điểm căn cứ theo tiêu chuẩn phân loại đô thị của Chính phủ.

Hẳn nhiên, cũng như chính hành trình gian khó của loài chim yến, thậm chí đã phải lấy cả máu huyết của mình ra để kết tổ, cuộc hành trình mang khát vọng chim yến của người Bình Định đã và sẽ còn gặp không ít gian nan. Nhưng ngay cả trong mỗi nụ hoa hôm nay mà còn có cả những nhọc nhằn và giọt giọt mồ hôi của người làm vườn kia mà. Và những kết quả tựu thành mới chính là sự đền đáp ân tình nhất cho những giọt mồ hôi mặn nồng ấy.

* Đi tiếp những mùa xuân

Mùa xuân này tôi lại sẽ lên Tây Sơn, để được sống trong dáng dấp cội nguồn, gốc me trong vườn Nguyễn Huệ. 35 mùa xuân, bao đổi thay trên quê hương, nhưng gốc me cũ, giếng nước xưa vẫn vậy, ngọt lành và thảo thơm như tấm lòng người Bình Định hướng về nguồn cội, ông cha. Những thành tựu từ 35 mùa xuân ấy, cũng như bao mùa xuân đang tới, xét cho cùng, cũng không nằm ngoài tâm niệm của người anh hùng áo vải năm xưa: “Dìu dắt dân lên cõi đài xuân”.

Lại một mùa xuân đã đến. “Bao nhiêu ước vọng xanh như lá”.

  • Lê Viết Thọ
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)
Những người canh giữ “mắt biển”  (02/02/2010)
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)
Vì sự bình yên trên quê hương Nguyễn Huệ  (01/02/2010)