Rộng mở đường xuân
20:28', 2/2/ 2010 (GMT+7)

* Ghi chép của Ngọc Thái

Cuối năm, khi những cơn gió mùa đông bắc lành lạnh vẫn đang tràn về, tôi “bỗng dưng”... quyết định làm một chuyến đi trở lại những làng quê đã lâu chưa có dịp đi về…

 

Cầu Cát Lâm trên đường phía Tây tỉnh đã thi công hoàn thành và thông xe. Ảnh: N.T

 

1.

Khởi đầu từ ngã ba Đống Đa (TP Quy Nhơn), xe chúng tôi nhằm hướng Nhơn Hội thẳng tiến. Nếu tính theo đường chim bay, Nhơn Hội cách TP Quy Nhơn chỉ vài kilômét, nhưng khi chưa có tuyến cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội (QN-NH), muốn đến nơi đây, người ta đành chấp nhận một hành trình vòng vèo dài hơn 30 km, với nhiều đoạn đường đầy rẫy ổ voi, ổ gà: từ Quy Nhơn ngược lên Tuy Phước, qua Phù Cát và vòng trở lại Nhơn Hội. Còn bây giờ, xe chúng tôi chạy bon bon trên con đường thảm nhựa bóng loáng dài 7km, từ ngã ba Đống Đa, vượt cầu Thị Nại là đến Nhơn Hội.

Đứng trên cầu Thị Nại chiều cuối năm, nhớ lại những chuyện nói trên, tự dưng thấy trào dâng niềm thương yêu, thấy cuộc sống quanh mình như sinh động hơn, thấy sóng nước ở cuối những dòng sông như cường tráng hơn khi đổ ra biển lớn. Nhắc dông dài như vậy vì đã từ lâu các nhà lãnh đạo của tỉnh đã tính đến việc xây dựng một tuyến đường bộ nối thẳng nội thành Quy Nhơn với Nhơn Hội, nhưng “lực bất tòng tâm”. Và rồi, ngày 3.11.2002, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử, khi dự án cầu đường QN-NH chính thức được khởi động. Qua bao năm tháng vất vả tập trung cho việc thi công, ngày 12.12.2006, tuyến cầu đường QN-NH đã chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, chấm dứt một thời kỳ gian khó về giao thông của vùng đất rộng lớn và đầy tiềm năng nằm phía bên kia bờ Thị Nại. Từ đây, vùng đất khó khăn lâu nay đã thực sự chuyển mình. Nhiều gia đình sống ở đây đã và đang “rục rịch” các dự án cho tương lai, người mở cửa hàng kinh doanh, người mở các dịch vụ ăn uống, giải khát... Chị Lê Thị Hồng Vân, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Nhơn Hội, tâm sự: “Ngày trước, khi chưa có tuyến cầu đường QN-NH, muốn đưa hàng hóa về phục vụ cho bà con gặp nhiều khó khăn, phải qua mấy lần đò. Bây giờ, đường sá thông thương, Quy Nhơn có gì thì Nhơn Hội có ngay thứ đó”.

2.

Cùng với hệ thống giao thông đã được xây dựng từ trước, tuyến cầu đường QN-NH còn tạo thành một trục giao thông huyết mạch cốt yếu liên kết vững chắc về an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương ven biển của TP Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn. Suốt chiều dài 117 km từ cầu Thị Nại đến Tam Quan, con đường ven biển tựa như một dải lụa uốn lượn qua những dãy núi, vào với những làng quê heo hút, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế của 15 xã ven biển nơi tuyến đường chạy qua...

Tuyến đường ven biển đã phá thế cô lập 3 bên là núi, phía còn lại là biển của vùng đất Cát Hải (Phù Cát) và Lộ Diêu (Hoài Mỹ - Hoài Nhơn). Những con đèo sừng sững bao bọc những vùng đất này bây giờ không còn là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Từ khi có đường ven biển, người dân Lộ Diêu và Cát Hải đã thoát khỏi cảnh đôi vai oằn gánh nặng đầy, nhiều tiềm năng kinh tế của địa phương đã và đang được khai thác có hiệu quả. Không riêng gì vùng đất Lộ Diêu và Cát Hải, dọc tuyến đường ven biển, nơi nào chúng tôi cũng cảm nhận được sự thay đổi nhanh chóng trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Hai bên tuyến đường này bây giờ đang hình thành những khu du lịch, những vùng nuôi tôm được quy hoạch, những thị trấn, thị tứ... đông vui nhộn nhịp. Cuộc sống mới, cơ hội làm ăn mới đã đến với trên 200 ngàn cư dân ở các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

 

Một đoạn đường ven biển Nhơn Hội - Tam Quan. Ảnh: Hà Thanh

 

3.

Ở vùng đất phía Tây tỉnh đang có một sự kiện lớn mà nó sẽ góp phần làm thay đổi đời sống của hàng vạn cư dân nơi đây, đó là việc Nhà nước đang đầu tư xây dựng tuyến đường nối thông các địa phương An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân với QL 1A và QL 19. Theo dự án, tuyến đường phía Tây tỉnh có tổng vốn đầu tư 386 tỉ đồng, điểm đầu tuyến đường tại quán Cai Ba trên QL19 (An Nhơn) và điểm cuối tại Chương Hòa (Hoài Nhơn). Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn cấp 5 đồng bằng, chiều dài gần 120 km, nền đường rộng 6,5 m, mặt đường rộng 3,5m, lề đường mỗi bên rộng 1,5 m. Theo kế hoạch, tuyến đường sẽ được xây dựng hoàn thành vào năm 2010.

Chạy xe máy qua cầu tạm bắc qua sông Côn - nơi công trình cầu An Thái đang rộn ràng thi công - đã thấy giữa dòng sông một cây cầu vững chãi đang dần nên vóc nên hình. Cầu An Thái là cây cầu ước mơ của người dân phía Tây tỉnh, đặc biệt là 2 huyện An Nhơn và Tây Sơn. Một chút bồi hồi khi nghĩ về ngày mai cây cầu này xây dựng hoàn thành và con đường phía Tây tỉnh thông tuyến, vùng đất đầy tiềm năng nằm ở phía Tây tỉnh sẽ có điều kiện bứt phá vươn lên. Khi đó, vùng đất rộng lớn này sẽ phát triển các vùng thâm canh cây công nghiệp, cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm tại Hoài Nhơn, Tây Sơn, An Nhơn và Quy Nhơn. Có tuyến đường này, giá trị nông sản thực phẩm của bà con trong vùng sẽ được nâng lên, đồng thời bảo đảm lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống người dân. Bên cạnh đó, tuyến đường còn chia sẻ bớt lưu lượng người tham gia giao thông trên các tuyến đường khác, bảo đảm an ninh, quốc phòng...

Một mùa xuân nữa lại về, Bình Định sẽ có thêm những dự án, công trình giao thông mới, người dân Bình Định có thêm niềm vui mới. Những tuyến đường rộng mở này sẽ góp phần quan trọng làm cho nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày một đi lên.

  • N.T
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)
Những người canh giữ “mắt biển”  (02/02/2010)
Này là cỏ hoa rất mềm…  (02/02/2010)