Xuất thân là một nông dân “rặt”, không trải qua bất cứ trường lớp nào về kỹ thuật, anh Nguyễn Quang Ngọc (42 tuổi- quê ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát) lại là chủ nhân của rất nhiều sáng chế phục vụ nông nghiệp thân thiện với môi trường...
|
Anh Nguyễn Quang Ngọc (bìa phải) trong một chương trình truyền hình. Ảnh: H.T
|
Gia đình anh Nguyễn Quang Ngọc trước đây lập nghiệp ở Đăklăk, sau đó anh Ngọc “lang bạt” khắp nơi, trải qua nhiều nghề và hiện đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Mặc dù chỉ tốt nghiệp PTTH, không học qua bất cứ trường lớp nào về kỹ thuật, nhưng bằng những kinh nghiệm về thực tiễn và sự say mê nghiên cứu, học hỏi, anh Nguyễn Quang Ngọc là tác giả của 17 giải pháp được cấp bằng sáng chế trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đã đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam. Trong đó có một số sáng chế được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) xác lập bằng.
* Những sáng chế nông nghiệp thân thiện với môi trường
* Là một nông dân chính hiệu. Cơ duyên nào khiến anh đến với công tác nghiên cứu khoa học?
- Sáng tạo đầu tiên của tôi bắt đầu từ một thói quen rất quen thuộc với nhiều người. Hồi ở Đăklăk, mỗi khi uống cà phê, nhìn những chiếc phin cà phê rửa vội, tôi chợt nghĩ, tại sao không tạo ra chiếc phin cà phê dùng xong một lần rồi bỏ. Tôi đã mất gần 5 năm tự mày mò tìm hiểu, ý tưởng này mới thành hiện thực. Sản phẩm được thiết kế giống phin cà phê truyền thống của người Việt mình, nhưng được điều chỉnh cà phê, đường, sữa sẵn trong phin (dạng bánh nén), sản xuất bằng nhựa, sử dụng một lần rồi bỏ với giá bán chỉ 1.000 đồng. Sản phẩm này được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp bằng sáng chế độc quyền.
Thành công đầu tiên này là động lực giúp tôi tiếp tục có cảm hứng nghiên cứu ra những sản phẩm khác phục vụ cho nông nghiệp như thiết bị xới đất bằng rung động địa chất; máy nối màng ngoại kích; máy phun phân, nước tự động; cơ cấu cấp nước cây trồng; thiết bị giữ ẩm cây trồng; hệ thống trồng cây trên mặt nghiêng; chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên…
* Trong nhiều sáng chế đã thực hiện, anh tâm đắc nhất là sáng chế nào?
- Đó là hệ thống cây trồng không cần tưới nước với tên đăng ký bảo hộ là “Chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên”. Đây là sản phẩm tôi phải mất nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm mới thành công. Sản phẩm được sáng tạo dựa trên những nguyên lý phân tầng và thẩm thấu theo các mao mạch của nước trong tự nhiên. Hệ thống được phân thành 3 tầng gồm: đất và cây trồng; không khí và thông khí; chứa nước. Khi lắp đặt hệ thống xong mới cho đất và trồng cây vào chậu. Với bố cục cụ thể trên, trong quá trình trồng, nhu cầu cấp và thoát nước của cây diễn ra tự động, cây luôn đủ khí và nước, việc chăm sóc cần rất ít sự tác động của bàn tay con người. Chỉ cần cung cấp 3-4 lít nước/1 lần là có thể nuôi sống cây trong 1 tháng. Như vậy, sẽ không bao giờ có cảnh thiếu nước, hoặc dư nước làm úng cây trồng. Hơn nữa, sử dụng hệ thống này sẽ giúp cây trồng được ở tất cả mọi địa hình, góp phần hấp thụ các khí thải độc hại và bức xạ nhiệt, làm trong sạch môi trường, có thể ứng dụng để trồng các loại cây cảnh, cây rau ngắn ngày, trong việc trang trí thảm xanh cho nhà cao tầng mà không cần đến công việc tưới nước hàng ngày… Do đó, sản phẩm này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới cấp bằng sáng chế độc quyền.
|
Anh Nguyễn Quang Ngọc (bìa phải) giới thiệu với các nhà khoa học về sản phẩm “Chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên”. Ảnh: H.T
|
* Anh nông dân thời @
Trò chuyện với Nguyễn Quang Ngọc, thật ấn tượng về sự am hiểu sâu rộng của anh về những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, sáng tạo kỹ thuật, về hội nhập kinh tế quốc tế… Đặc biệt, hầu hết những sáng chế của mình sau khi hoàn thành, anh đều nhanh chóng đăng ký Sở hữu trí tuệ, điều mà rất nhiều “nhà sáng chế nông dân” khác ít khi để ý đến.
* Không được đào tạo bài bản qua trường lớp, “bí quyết” nào giúp anh có những sáng chế hữu ích như vậy?
- Tôi đã từng thi và đậu vào Đại học Luật - TP Hồ Chí Minh. Học được 1 năm rưỡi, tôi quyết định nghỉ vì không thể vừa học vừa đáp ứng tốt công việc mưu sinh của mình đã có trước khi trở thành sinh viên. Tôi lại quay về với thứ mình muốn gắn bó nhất là nông nghiệp, bởi trong quá trình lao động sản xuất đã gợi cho tôi nhiều ý tưởng tìm hiểu thú vị. Khi đang nghiền ngẫm một vấn đề nào đó, “đụng” tới thứ gì mình không biết thì tìm kiếm tư liệu qua sách, internet, từ bạn bè. Có khi chỉ là một vấn đề nhỏ nhưng chưa thông cũng phải đọc rất nhiều quyển sách có nội dung liên quan, nên kho sách của tôi bây giờ đã lên tới hàng ngàn quyển. Tôi cũng may mắn có những người bạn có thể cho mình những lời khuyên hữu ích. Từ những kênh đó, tôi có thể chắt lọc những kiến thức cần thiết để giải quyết những vấn đề mình muốn tìm hiểu thực hiện.
* Quan niệm của anh như thế nào khi đem sáng chế đăng ký Sở hữu trí tuệ không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế?
- Trong xu thế hội nhập, mình sản xuất được sản phẩm nào thì nên đăng ký theo luật để được hưởng sự bảo hộ. Những sản phẩm của tôi khi đăng ký bảo hộ ở nước ngoài đều được họ quan tâm và đánh giá rất cao vì tính mới và khả năng phát triển thương mại của sản phẩm. Tôi đã xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm chậu trồng cây thuần khiết thiên nhiên, máy phun phân, nước tự động… vào hai thị trường có tiềm năng lớn là Mỹ và Trung Quốc. Việc này sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng với chất lượng thiết thực của sản phẩm và một chiến lược tiêáp cận đúng sẽ đem đến những cơ hội thành công cho những sản phẩm Việt Nam khi “đem chuông đi đánh xứ người”.
|
Rau phát triển tốt trong chậu trồng cây không cần tưới nước. Ảnh: H.T
|
* Mơ ước về một thế giới xanh tươi
Không chỉ chuyên tâm nghiên cứu, anh Ngọc còn cùng bạn bè thành lập Công ty Cổ phần Trái đất xanh tươi, chuyên cung cấp các giải pháp phát triển cây trồng trong nông, lâm nghiệp và các thiết bị phục vụ cây trồng, môi trường.
* Tên Công ty cổ phần Trái đất xanh tươi thật ấn tượng, đó có phải là điều mà anh muốn hướng đến?
- Công ty chúng tôi chọn nghiên cứu, sản xuất những sản phẩm phục vụ nông nghiệp thân thiện với môi trường vì đó là xu thế chung của thế giới. Tôi cũng đang ấp ủ dự định xây dựng những vùng trồng rau sạch và cây thuốc sạch. Mong muốn của công ty chúng tôi là kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia hợp tác đầu tư phát triển các giải pháp thân thiện với môi trường, vì một hành tinh xanh.
* Anh có dự định đưa những dự án hay sáng chế của mình phục vụ bà con nông dân ở quê hương Bình Định?
- Do bận rộn với công việc, tôi không có nhiều dịp về thăm quê nội ở xã Cát Hanh, huyện Phù Cát. Nhưng quê hương vẫn luôn là điều phải nhớ đến đầu tiên trong tâm hồn mỗi con người… nên tôi dự định khi nào có điều kiện sẽ về quê thực hiện dự án hoặc chuyển giao những sáng chế, giải pháp phù hợp và hữu ích cho bà con nông dân quê mình thực hiện. Chẳng hạn như dự án trồng rau sạch để cung cấp cho người dân TP Quy Nhơn và các nơi khác. Còn trước mắt, những ai ở quê nhà Bình Định có nhu cầu quan tâm về các sáng chế của tôi thì cứ liên hệ, tôi sẵn sàng giải đáp (địa chỉ nhà 49/39 đường Phạm Văn Bạch, phường 15, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. ĐTDĐ: 0962 519 149).
* Xin cảm ơn anh! Chúc anh có thêm những thành công mới.
|