“Hai lúa” chấm com
20:40', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Tìm kiếm thị trường, giá cả, khoa học kỹ thuật… tất cả đều được nông dân thao tác bằng “chuột”. Không chỉ có cái cày, cây cuốc, bây giờ, nhiều nông dân đã biết tận dụng ưu thế mảng thông tin đồ sộ của internet để làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.

 

Bây giờ, sáng nào anh Hồ Thành Tâm (bìa phải) cũng lướt “net” để tìm cách làm giàu cho mình và bà con nông dân trong vùng.

 

* Làm giàu từ... net

“Trước kia, trầy trật mãi mới nuôi được con heo vài chục ký, chưa kịp mừng, chúng tôi đã lo “sốt vó” vì chẳng biết bán ở đâu, lời lãi thế nào. Giờ thì khác rồi…” - đó là tâm sự của một nông dân sản xuất giỏi cấp trung ương, anh Hồ Thành Tâm ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn.

Từ chỗ quanh năm chỉ đủ ăn, đến nay, anh Tâm đã có trong tay một gia sản lớn, với một trang trại chăn nuôi heo 10 - 15 heo nái và 100 - 150 heo thịt; 6 sào đất trồng lúa, 6 sào đất trồng các loại cây: thuốc lá, đậu phụng và bắp; gom hàng nông sản để phân phối cho các mối hàng các tỉnh, làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi cho nông dân…, với lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm. Anh Tâm lý giải duyên nợ đến với net: “Trồng trọt, chăn nuôi đã khó khăn, nhưng khi bán cho tư thương lại bị “ép giá”. Nghĩ vậy, năm 2006, tôi bắt “net”, ý định ban đầu là để xem giá cả và thị trường tiêu thụ sản phẩm, rồi lần lần ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi và trồng trọt”.

Cũng nhờ net, thấy mức đầu tư và năng suất của heo lai quá cao, anh Tâm mày mò tìm hiểu, rồi làm theo mô hình nuôi heo lai của tỉnh Đồng Nai. Kết quả, giống heo lai, mức đầu tư thức ăn thấp, đẻ sai, giá bán cao hơn nhiều so với giống heo nội. Nhẩm tính, cùng một thời gian nuôi 3 tháng, đầu tư 1 con heo nội 1,6 triệu đồng chỉ được chừng 80 kg, giá bán 24.000 đồng/kg; nhưng với heo lai thì năng suất khoảng 1 tạ, giá bán cũng “nhỉnh” hơn rất nhiều với 30.500 đồng/kg. Hiện nay, đàn heo của anh Tâm đều là heo lai 2-3 dòng máu trở lên. Cũng nhờ net, anh biết cách phòng bệnh, tiêm phòng cho heo; “úm” heo con trong mùa mưa, hay làm chuồng thoáng trong mùa hè để heo không bị ngộ độc…

 

Nhiều nông dân đã làm giàu nhờ... internet...

 

Còn anh Nguyễn Bá Thiết (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn) cũng làm giàu từ việc nuôi cá giống bằng… internet. “Nếu như trước đây tôi phải lặn lội khắp đất nước để tìm thị trường thì nay chỉ cần nhấp “chuột” là biết ngay địa phương nào cần giống cá gì, nhu cầu bao nhiêu, giá cả ra sao… Cũng nhờ internet mà thị trường cá giống của tôi hiện đang mở rất rộng, từ tháng 2 đến tháng 4 ÂL xuất bán cho các tỉnh Tây Nguyên; từ tháng 5 đến tháng 7 ÂL bán cho vùng Duyên hải miền Trung; tháng 8, tháng 9 quay lại thị trường Bình Định” - anh Thiết nói.

Rồi, anh Thiết học hỏi cách xử lý nguồn nước nuôi cá và phòng trừ dịch bệnh, kết quả là từ đó đến nay, anh chưa lần nào phải nếm lại mùi thất bại. Mỗi năm thả ổn định từ 5-7 triệu cá giống các loại, sản lượng cho từ 5-7 tấn cá thương phẩm/năm. Anh cho hay: “Sau khi biết cập nhật thông tin từ mạng, việc sản xuất trở nên ăn chắc hơn, nhất là khi luôn có sẵn trong tay những thông tin cần thiết áp dụng kịp thời ứng phó với sự cố dịch bệnh”.

* Năng động hội nhập

Nhiều ngành nghề hiện nay đã biết sử dụng internet như một công cụ hỗ trợ đắc lực. Ngành nông nghiệp cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức, đòi hỏi phải có những đột phá về tư duy và cách làm. Bước đột phá đó chính là sử dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập như hiện nay.

Qua internet, nông dân có thể học hỏi những mô hình làm kinh tế giỏi, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đây là kho tư liệu về khoa học kỹ thuật rất phong phú cho bà con nông dân tham khảo. Anh Tâm cho biết, từ ngày nối mạng và thành lập Câu lạc bộ nông dân ứng dụng internet ở xã Tây Giang, sáng nào anh cũng “trực ban” ở nhà để xuất hàng, rồi lên “net” tìm thông tin, phục vụ bà con. Số thành viên ban đầu của câu lạc bộ chỉ có 25 người, đến nay đã tăng lên 60 người. Không chỉ đơn thuần làm giàu, thay đổi lớn nhất là nông dân đã biết cách hội nhập theo quy luật khắc nghiệt của thị trường. 

 

... song, mới chỉ dừng ở việc tìm kiếm thông tin chứ chưa đưa được sản phẩm ra thế giới. Ảnh: Thu Hiền

 

Hiệu quả không chỉ dừng lại là một điểm “thương mại điện tử”, internet còn đem lại cho người nông dân khả năng truy cập vào các kênh thông tin dự báo thời tiết để xử lý việc gieo hạt, gieo giống, tiến hành thu hoạch; cung cấp kỹ thuật kiểm tra đất và nhiều kiến thức nông nghiệp khác để có thể giúp tăng năng suất cây trồng. 

Hiệu quả là vậy, nhưng anh Đặng Văn Thái, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Phước, băn khoăn: “Cái khó nhất bây giờ là cơ sở vật chất, máy móc. Ở các câu lạc bộ, máy móc đều là tận dụng “của công”, các hội viên phải tự bỏ tiền để đến dịch vụ truy cập internet. Với những hộ phát triển kinh tế trang trại thì việc này không khó. Nhưng, với những hộ sản xuất nhỏ lẻ thì chi phí đầu tư một bộ máy vi tính, tiền cước internet hàng tháng không phải là chuyện đơn giản”.

Còn một điều đáng nói hơn nữa là việc ứng dụng internet mới chỉ dừng ở khâu khai thác thông tin, chứ chưa mở rộng giới thiệu sản phẩm, giao dịch trực tiếp. Bà Lê Thị Kim Mai, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: “Hội mở wesite để đưa thông tin, cập nhật các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, phù hợp với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện nay, bà con tìm kiếm nhiều về thông tin kỹ thuật, giá cả thị trường, cây con giống… chứ chưa tự giới thiệu, quảng bá rộng rãi sản phẩm. Trong năm 2010, Hội sẽ tiếp tục nâng cấp trang website để làm “cầu nối” cho nông dân đưa sản phẩm ra thị trường”.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Anh nông dân và những sáng chế cho “trái đất xanh tươi”  (02/02/2010)
Rộng mở đường xuân  (02/02/2010)
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)
Tết của lính đảo tiền tiêu  (02/02/2010)