Những “triệu phú” nông dân
20:47', 2/2/ 2010 (GMT+7)

Những năm gần đây, ở tỉnh ta ngày càng xuất hiện nhiều những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Sau đây là một số gương mặt tiêu biểu.

 

Ông Lê Xuân Đạt chăm sóc đàn gà đẻ.

 

* Lê Xuân Đạt - “Triệu phú” chăn nuôi

Đến thôn Phong Tấn, xã Phước Lộc (Tuy Phước), hỏi ông Lê Xuân Đạt nuôi gà siêu trứng thì có lẽ ai cũng biết. Bởi lẽ, ông không những là người biết làm giàu cho bản thân mình mà còn giúp đỡ nhiều nông dân địa phương cùng thoát nghèo bằng cách hỗ trợ vốn, kỹ thuật chăn nuôi, con giống…

Ông Đạt bắt đầu chăn nuôi gà từ năm 1987; khi đó phong trào chăn nuôi gà siêu trứng mới bắt đầu du nhập vào tỉnh ta. Ban đầu do thiếu vốn và kinh nghiệm chăn nuôi nên ông chỉ dám nuôi thử 200 con. Tuy nhiên, nhờ chịu khó tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, tuân thủ các quy trình phòng bệnh, tiêm ngừa vắc xin phòng chống dịch bệnh nên đàn gà phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có được thành công bước đầu, ông mạnh dạn thuê thêm đất, mở rộng trang trại, tăng thêm quy mô đàn nên chẳng mấy chốc đàn gà của ông tăng lên gấp bội.

Thời điểm hiện nay, đàn gà siêu trứng của ông đang ở mức 2.000 con. Trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng ở mức khá cao, nhiều trang trại chăn nuôi gà trong tỉnh phải cắt giảm đàn, nhưng đàn gà của ông Đạt vẫn giữ ổn định và duy trì mức lãi năm sau cao hơn năm trước. Ông Đạt nhẩm tính, trong năm 2009, từ việc nuôi 2.000 con gà siêu trứng, ông có doanh thu trên 400 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí còn lãi 100 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tổ chức nuôi thêm gà thịt, bò lai, bồ câu, heo thịt; mỗi năm thu lãi thêm 50 triệu đồng nữa.

* Lê Kim Anh - “Triệu phú” mai kiểng

Đó là anh Lê Kim Anh, ở thôn Bình An, xã Nhơn Hạnh (An Nhơn). Anh cho biết, việc trồng và tạo dáng cho mai không hề đơn giản, đòi hỏi người trồng mai phải có nhiều bí quyết và kỹ thuật chăm sóc để cho mai nở hoa đúng vào dịp Tết; hoa phải đều, màu đẹp; dáng thế phải độc đáo mới hấp dẫn được khách hàng. Với những đòi hỏi khắt khe như vậy, nên khi mới bắt tay vào làm, anh Kim Anh đã gặp một số khó khăn. Không nản lòng, anh đã dành nhiều thời gian tham quan, học hỏi ở nhiều nghệ nhân trồng mai có tiếng ở trong vùng...

Đầu năm 2001, anh quyết định dốc vốn mở rộng vườn mai, nâng số chậu mai trồng trong vườn lên 500 chậu. Và kết quả thật bất ngờ, Tết năm ấy vườn mai đã mang lại cho anh hơn 50 triệu đồng từ việc bán và cho thuê mai để trưng bày trong dịp Tết. Những năm gần đây, thị trường mai kiểng các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên tăng cao, nắm bắt được nhu cầu này, anh đã chuyển dần nghề trồng mai xuân truyền thống sang trồng và ghép các loại mai có gốc lớn, mai bonsai, mai kiểng dáng thế cổ… Sự táo bạo của anh đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, hiện trong vườn anh có hơn 1.000 chậu mai kiểng, trong đó nhiều chậu mai được khách hàng trả giá từ 40-50 triệu đồng/chậu. Vừa qua anh đã bán một cặp mai kiểng khoảng 9 năm tuổi với giá hơn 70 triệu đồng.

Đến thăm cơ sở của anh Kim Anh vào những ngày cuối năm, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi là những chậu mai có dáng bonsai thật đẹp, đang được anh chăm sóc kỹ để xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Anh tiết lộ, doanh thu từ vườn mai của anh trong năm nay sẽ vượt trên 100 triệu đồng.

 

Anh Lê Kim Anh chăm sóc vườn mai. Ảnh: N.Hân

 

* Trương Văn Tài - “Triệu phú” tôm thẻ chân trắng

Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển mạnh, nhiều hộ nông dân từ nuôi tôm thẻ chân trắng đã có mức lãi trên 100 triệu đồng/năm. Điển hình trong số đó có ông Trương Văn Tài ở thôn Kim Giao Thiện, xã Hoài Hải (Hoài Nhơn). Ông Tài có diện tích mặt nước nuôi tôm rộng 8.000m2, các năm trước ông thường xuyên thả nuôi tôm sú, tuy nhiên, do dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hiệu quả mang lại thấp, từ năm 2008, ông quyết định chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng và kết quả mang lại thật bất ngờ.

Ông cho biết, với diện tích 8.000m2, trong vụ nuôi vừa qua thu hoạch được 7,5 tấn tôm, với giá tôm dao động từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, ông thu được hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí, lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng…

Để con tôm thẻ chân trắng sinh trưởng, phát triển tốt, theo kinh nghiệm của ông Tài, người nuôi tôm cần phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật về con giống, cải tạo hồ nuôi, chăm sóc tôm… Trong đó, việc chọn con giống trước khi thả nuôi là rất quan trọng, tôm nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch kỹ lưỡng mới hạn chế được dịch bệnh…

  • N.Hân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Hai lúa” chấm com  (02/02/2010)
Anh nông dân và những sáng chế cho “trái đất xanh tươi”  (02/02/2010)
Rộng mở đường xuân  (02/02/2010)
Tiếp nối những mùa xuân  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Đầu tư cho nhân tài  (02/02/2010)
Vào “lò” phó giáo sư, tiến sĩ  (02/02/2010)
Đầu năm, nói chuyện… bệnh viện thân thiện  (02/02/2010)
“Số hóa” trạm y tế xã  (02/02/2010)
Những trò chơi dân gian, cổ truyền  (02/02/2010)
Làm việc thiện - Một cách trả ơn đời  (02/02/2010)
Niềm vui từ những ngôi nhà đại đoàn kết  (02/02/2010)
Nghĩa cử thơm thảo của người Bình Định xưa ở vùng rốn lũ  (02/02/2010)
Ngày Tết, nói chuyện hoa, trái bốn mùa  (02/02/2010)
Con búp bê khiêu vũ  (02/02/2010)